Trung tâm GDNN-GDTX gần như bị lãng quên, cán bộ, giáo viên bị thiệt thòi

Thông tin được Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và GDTX huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) đưa ra khi nói về những bất cập sau 5 năm TTGDNN-GDTX cấp huyện được giao UBND huyện quản lý. Trong đó nổi bật là việc 'Trung tâm gần như bị lãng quên' nên cán bộ, giáo viên bị thiệt thòi trong các chế độ chính sách, bình bầu thi đua cũng như cơ hội được bồi dưỡng phát triển chuyên môn nghề nghiệp…

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX) cấp huyện do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GDĐT) Vũ Thị Tú Anh cho biết, dự thảo Thông tư được đăng mạng xin ý kiến rộng rãi từ ngày 20/5 đến 20/7/2020.

Quá trình này, Vụ Giáo dục Thường xuyên đã tổ chức 2 hội thảo khu vực với sự tham gia của 16 Sở GDĐT, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đại diện UBND cấp huyện của các tỉnh tại hai miền Bắc - Nam. Song song với đó, 33 Sở GDĐT đã gửi văn bản góp ý dự thảo Thông tư về Vụ.

Các ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư tập trung vào một số vấn đề như: Phân cấp quản lý Trung tâm; Tiêu chuẩn các chức danh Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm; Liên kết đào tạo… Trong đó, phân cấp quản lý là vấn đề “nóng nhất”.

Hiện nay, theo Thông tư liên tịch số 39 (năm 2015) giữa Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ, việc quản lý, UBND cấp huyện trực tiếp quản lý, chỉ đạo TTGDNN-GDTX.

Tuy nhiên, “phần lớn ý kiến cho rằng UBND cấp huyện trực tiếp quản lý Trung tâm, Sở GDĐT và Sở LĐTBXH quản lý và hướng dẫn về chuyên môn là bất cập, không phù hợp. Do đó, các ý kiến đề xuất Sở GDĐT trực tiếp quản lý Trung tâm”, bà Vũ Thị Tú Anh nói.

Trung tâm GDTX tỉnh Lạng Sơn (ảnh: Sở GDĐT Lạng Sơn)

Trung tâm GDTX tỉnh Lạng Sơn (ảnh: Sở GDĐT Lạng Sơn)

Tại hội thảo, các ý kiến phát biểu tập trung nhiều nhất vào nội dung quy định phân cấp quản lý Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện. Trưởng phòng Giáo dục Đại học và GDTX, Sở GDĐT tỉnh Lào Cai- ông Lê Xuân Quốc cho biết hiện nay Trung tâm GDNN-GDTX có 3 lực lượng quản lý là UBND cấp huyện, Sở GDĐT, Sở LĐ-TBXH. Tuy nhiên không đơn vị nào quản lý sâu, dẫn đến hoạt động của các Trung tâm kém hiệu quả.

Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và GDTX huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh)- ông Nguyễn Văn Hải cũng nêu nhiều bất cập sau 5 năm Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện được giao UBND huyện quản lý, thay Sở GDĐT. Trong đó nổi bật là việc “Trung tâm gần như bị lãng quên” nên cán bộ, giáo viên của Trung tâm bị thiệt thòi trong các chế độ chính sách, bình bầu thi đua cũng như cơ hội được bồi dưỡng phát triển chuyên môn nghề nghiệp…

Chung ý kiến với đại diện tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, các đại biểu khác đến từ tỉnh Bắc Giang, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng cho rằng bất cập trong hoạt động hiện nay của Trung tâm GDTX-GDNN chủ yếu là do nhiều đầu mối quản lý nên phát sinh vướng mắc về cơ chế quản lý, chế độ của cán bộ, giáo viên.

UBND cấp huyện không phải cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động chuyên môn nên không có cơ sở đánh giá cán bộ, giáo viên hằng năm; không luân chuyển, điều phối, bố trí cán bộ, giáo viên được giữa các trung tâm để hỗ trợ nhau về hoạt động chuyên môn. Nhiều địa phương (cấp huyện) còn bố trí cán bộ không đúng tiêu chuẩn sang làm giám đốc Trung tâm…

Các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất đề xuất giao Sở GDĐT quản lý trực tiếp Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, trong đó có việc quản lý về con người, cơ sở vật chất, chuyên môn, để hoạt động của Trung tâm được hiệu quả, phát triển. Lý do là trong chức năng của Trung tâm thì 70% thuộc GDTX, 30% là GDNN. Sở LĐ-TBXH do không đủ chuyên môn nên không thể chỉ đạo về đào tạo văn hóa được; nhưng Sở GDĐT có thể quản lý được chuyên môn giáo dục nghề nghiệp do trước đây đã làm.

Phát biểu tại hội thảo, luật sư Nguyễn Kim Dung cho rằng Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện cần quy định Sở GDĐT trực tiếp quản lý trung tâm GDNN-GDTX. Lý giải điều này, bà Dung dẫn chiếu khoản 2, Điều 44, Luật Giáo dục 2019 quy đinh: Trung tâm GDNN-GDTX là cơ sở GDTX.

Cùng với đó, theo Điều 105 Luật Giáo dục 2019: Bộ GDĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, GDTX. Do vậy, ở thời điểm hiện nay, khi Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực thì việc Sở GDĐT trực tiếp quản lý Trung tâm GDNN-GDTX là thực hiện đúng Luật.

Lắng nghe các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc quy định về phân cấp quản lý trung tâm GDNN-GDTX là vấn đề lớn, liên quan đến chính sách nên cần làm chặt chẽ, bài bản, để nâng cao vị trí pháp lý của trung tâm GDNN-GDTX.

Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý để sớm hoàn thiện Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm hoạt động hiệu quả và phát triển.

Phương Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trung-tam-gdnn-gdtx-gan-nhu-bi-lang-quen-can-bo-giao-vien-bi-thiet-thoi-20200710102522345.htm