Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh cần ''an cư''

Ngày 24/12/2014, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tỉnh Lâm Đồng thành lập theo Quyết định số 2813 của UBND tỉnh. Ngày 22/5/2021, Quy chế tổ chức và hoạt động của TTGDTX có hiệu lực, vì vậy đơn vị này càng sớm có cơ sở độc lập để hoạt động.

TTGDTX tỉnh đang mượn tạm một phần cơ sở tại đường Lương Thế Vinh, thành phố Đà Lạt

TTGDTX tỉnh đang mượn tạm một phần cơ sở tại đường Lương Thế Vinh, thành phố Đà Lạt

Hoạt động chưa xứng tầm

Sau 5 năm thành lập, năm học 2019-2020, Trung tâm có 37 cán bộ, giáo viên và nhân viên; trong đó, 29 giáo viên (13 người dạy văn hóa và 16 người dạy nghề). Hệ giáo dục thường xuyên có 18 học sinh (HS) THCS và 111 HS THPT thuộc 5 lớp; tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 89% so với đầu năm (năm học 2018-2019 đạt 85,4%). Kết quả cuối năm học, THCS đạt hạnh kiểm tốt 66,7%; khá 33,3%; không có loại trung bình và yếu; học lực loại giỏi 16,7%; khá 44,4%; trung bình 38,9%, không có loại yếu và kém. THPT đạt hạnh kiểm loại tốt 65,8%; khá 34,2%, không có loại trung bình và yếu; học lực đạt loại giỏi 9%; khá 32,4%; trung bình 49,5%; yếu 9% và không có loại yếu. Kết quả tốt nghiệp THPT đạt trên 98%.

Đối với học nghề phổ thông có 63 lớp với 2.515 HS/6 nghề; trong đó, 6 lớp THCS/239 HS và 57 lớp THPT/2.275 HS. Mô hình liên kết đào tạo 5 lớp với 341 học viên (258 học đại học Giáo dục Tiểu học/3 lớp; 52 học đại học Kinh tế-luật/1 lớp và 31 học đại học Quản lý đất đai/1 lớp). Ngoài ra, có 17 học viên tham gia đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn về tín chỉ đại học. Hạn chế của Trung tâm là chất lượng giáo dục toàn diện tuy được nâng lên nhưng chưa thật sự cao, học viên hệ bồi dưỡng thường xuyên chưa có những chuyển biến rõ nét, ý thức học tập của nhiều học viên còn kém. Nhiều chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm cấp tỉnh tuy đã được thực hiện nhưng chưa thật sự ngang tầm với tiềm năng. Theo Giám đốc Trung tâm Trần Văn Thảo, nguyên nhân là “Số lượng học viên tuyển mới quá ít (cả số lượng và số học viên/lớp). Cở sở vật chất không đủ đáp ứng với chức năng nhiệm vụ của TTGDTX cấp tỉnh. Đội ngũ của Trung tâm đa số chưa quen với công tác tư vấn và tuyển sinh”.

Năm học 2020-2021, Trung tâm đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; phát triển chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; ổn định cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Đáng ghi nhận là quy mô tăng số lớp cả 2 hệ so với năm học trước, trong đó bồi dưỡng thường xuyên có 8 lớp, tăng 3 lớp; dạy nghề phổ thông 66 lớp/2.566 HS, tăng 9 lớp. Liên kết đào tạo 5 lớp/375 học viên, mở rộng tổ chức tại địa phương huyện. Hệ bồi dưỡng có 10 lớp/601 học viên, tăng 9 lớp so với năm học trước.

Cần sớm ổn định cơ sở vật chất

Qua những số liệu trên cho thấy TTGDTX tỉnh dần khẳng định vị trí quan trọng về chức năng và nhiệm vụ. Vấn đề là do chưa có cơ sở chính thức, đang tạm thời sử dụng 6 phòng học văn hóa không đạt chuẩn quy định; 4 phòng thực hành (2 phòng tin và 2 phòng nấu ăn); 10 phòng làm việc; 4 phòng học văn hóa mượn của Trường Cao đẳng Nghề và các trường THPT. Được biết, tháng 6/2020, Giám đốc Trần Văn Thảo đã có Tờ trình báo cáo thực trạng khó khăn về cơ sở vật chất dạy - học và đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) kiến nghị UBND tỉnh.

Ngày 5/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp tại buổi làm việc với ngành GDĐT đã ghi nhận đề xuất của ngành và chỉ đạo “Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để TTGDTX tỉnh ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu người học và công tác phân luồng học sinh”. Theo đó, Chủ tịch giao Sở GDĐT phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức khảo sát hiện trạng, nhu cầu thực tế, báo cáo đề xuất cụ thể quy mô đầu tư báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Bởi tháng 6/2020, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Trung tâm bàn giao cơ sở tại đường Phan Đình Phùng và dời về làm việc, dạy và học tạm tại Sở GDĐT cũ (đường Lương Thế Vinh, thành phố Đà Lạt).

Trao đổi với chúng tôi, nguyên Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc - thành viên Đoàn giám sát về GDĐT của Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Khuyến học Lâm Đồng cho rằng: “Căn cứ Quyết định thành lập Trung tâm của UBND tỉnh và thực tế địa phương, cần sớm quan tâm xây dựng cơ sở TTGDTX tỉnh tại Đà Lạt đúng tầm để đảm bảo thực hiện tốt quy chế hoạt động do Bộ GDĐT quy định”.

Cần nói thêm, từ ngày 22/5/2021, Thông tư số 10/2021/TT-BGDĐT ngày 5/4/2021 của Bộ GDĐT Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của TTGDTX có hiệu lực. Theo đó, tại Điều 29, Chương VI ghi: “Trung tâm có địa điểm để xây dựng cơ sở vật chất và có đủ các phòng học, đủ bàn ghế, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng chức năng, phòng thực hành lao động sản xuất đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập” (điểm a, khoản 1); “Trung tâm được trang bị thiết bị giáo dục, tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả thiết bị giáo dục trong dạy học và giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo” (điểm 3, khoản 2); “Thư viện của Trung tâm được tổ chức và hoạt động theo quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo” (điểm a, khoản 3).

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202105/trung-tam-giao-duc-thuong-xuyen-tinh-can-an-cu-3058979/