Trung tâm hành chính công một cấp: Sẽ tiết kiệm, nhanh, hiệu quả hơn

Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM hướng đến sự chuyên nghiệp hóa bộ phận hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa và trả kết quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đi làm thủ tục hành chính.

Ngày 27-9, tại kỳ họp thứ 18, HĐND TP.HCM khóa X đã quyết nghị việc thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công (viết tắt là trung tâm) TP.HCM trực thuộc UBND TP.HCM.

Đây sẽ là cơ quan chuyên trách về tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) phù hợp với xu hướng quốc tế, khu vực, trong nước; hướng đến mô hình cải tiến toàn diện trên cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình trung tâm đang vận hành tại các địa phương trên cả nước.

 Việc lập Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp sẽ giúp người dân có thể nộp hồ sơ tại một địa điểm mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Ảnh minh họa: THUẬN VĂN

Việc lập Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp sẽ giúp người dân có thể nộp hồ sơ tại một địa điểm mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Ảnh minh họa: THUẬN VĂN

Không phân biệt địa giới hành chính

Theo UBND TP.HCM, việc thí điểm trung tâm là bước đi tất yếu, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được từ mô hình bộ phận một cửa hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN).

Trung tâm hướng đến chuyên nghiệp hóa bộ phận hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa và trả kết quả TTHC; giúp giảm số lượng bộ phận một cửa, góp phần tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, giảm chi phí cơ sở hạ tầng, tiết kiệm ngân sách… Việc tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa, một cấp cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong nộp và nhận kết quả hồ sơ TTHC, theo dõi trạng thái xử lý hồ sơ TTHC.

Trung tâm này sẽ giữ vai trò điều phối chung, là công cụ hiệu quả phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của UBND TP. Qua đó, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình bộ phận một cửa truyền thống, tháo gỡ các điểm nghẽn và giải quyết tình trạng ách tắc trong giải quyết TTHC ở một số lĩnh vực như đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng...

Đặc biệt, tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện TTHC, trong đó 100% hồ sơ TTHC đều được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá; đảm bảo trải nghiệm dịch vụ giữa các bộ phận một cửa thống nhất, đồng bộ.

 HĐND TP.HCM khóa X đã quyết nghị việc thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM trực thuộc UBND TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

HĐND TP.HCM khóa X đã quyết nghị việc thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM trực thuộc UBND TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, nhìn nhận việc thí điểm thành lập trung tâm có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tổng thể cải cách hành chính của TP.HCM. Gồm cải cách TTHC và hiện đại hóa TTHC để phục vụ người dân và DN tốt hơn.

Theo ông Toàn, sau khi HĐND TP thông qua nghị quyết, UBND TP.HCM sẽ tổ chức thực hiện xây dựng trung tâm thành ba giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ nay đến hết năm 2024), TP chuẩn bị về nhân sự, hạ tầng số, cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện đi vào hoạt động. Giai đoạn 2 (từ ngày 1-1-2025 đến hết năm 2025) và giai đoạn 3 là sau đó, TP.HCM sẽ thực hiện toàn bộ ba chức năng và 19 nhiệm vụ theo hướng dẫn từ ngày 1-1-2026.

"Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến trong quá trình triển khai thực hiện. Nếu điều kiện thuận lợi, có thể rút ngắn thời gian giai đoạn 2 và chuyển sang giai đoạn 3 sớm hơn để thực sự phục vụ người dân với yêu cầu không phân biệt địa giới hành chính và giải quyết TTHC ở ba cấp như chỉ đạo của Chính phủ” – ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, hiện TP đã vận hành cổng dịch vụ công, đã công bố 1.962 TTHC với 611 thủ tục trực tuyến toàn trình.

“Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai trung tâm” - ông Toàn nói và cho biết TP sẽ tiếp tục đưa TTHC lên môi trường điện tử; tăng cường cơ sở hạ tầng số cho trung tâm chính và các điểm tiếp nhận ở quận, huyện, phường, xã. Từ đó, đảm bảo sự tương thích, đồng bộ kết nối dữ liệu để thực hiện TTHC nhanh hơn, hiệu quả hơn và đồng bộ hơn nhằm phục vụ người dân và DN tốt hơn.

Năm nguyên tắc tổ chức hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công

- Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

- Lấy công nghệ thông tin làm công cụ, chuyển đổi số là phương thức

- Bảo đảm tiếp nhận hồ sơ TTHC "phi địa giới hành chính"

- Đổi mới toàn diện, triệt để, thích ứng linh hoạt với yêu cầu thực tiễn

- Tuân thủ các quy định, chỉ đạo của trung ương.

Tạo bước đi đột phá

Thống nhất cao với việc thí điểm thành lập trung tâm, nhiều đại biểu HĐND TP bày tỏ kỳ vọng trung tâm này sẽ giúp đáp ứng một nền hành chính tiết kiệm được các bước về quy trình, thủ tục pháp lý cũng như thời gian.

Theo đại biểu (ĐB) Trần Quang Thắng, để trung tâm hoạt động có hiệu quả ngay từ những ngày đầu tiên, TP.HCM cần quan tâm giải quyết ba vấn đề về thể chế, hạ tầng và con người.

Về mặt thể chế, ĐB Thắng nói cần rút gọn khoảng cách giữa các quy định, nghị quyết, các điều theo luật định làm sao tiệm cận với thực tế, giúp người dân nắm, hiểu và thực hiện TTHC một cách nhanh gọn.

 ĐB Trần Quang Thắng trao đổi với các PV về việc thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

ĐB Trần Quang Thắng trao đổi với các PV về việc thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

“Việc vận hành trung tâm cũng đòi hỏi đội ngũ cán bộ có tinh thần kỷ luật, có trách nhiệm và chuyên môn cao, luôn đặt mình vào tâm thế, cương vị của người dân để giải quyết công việc với hiệu quả tối đa nhất” - ĐB Thắng nói và nhấn mạnh con người vẫn là yếu tố quyết định trong việc vận hành trung tâm. Do đó, TP cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, có kĩ năng công nghệ, thạo việc, phản ứng nhanh nhạy, có tác phong giao tiếp đáp ứng được nhu cầu của thời đại số.

Ngoài ra, TP.HCM cần trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết để kết nối, giúp đường truyền ổn định, nhanh và đảm bảo sự chuyên nghiệp.

ĐB Thắng khẳng định điểm lợi ích nhất đối với người dân khi trung tâm đi vào hoạt động là sự công khai, minh bạch các thủ tục trên các cổng thông tin của trung tâm và ngay khi người dân có thắc mắc thì cổng thông tin có thể giải đáp.

Hơn nữa, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để trả lời sẽ phần nào tạo được sự nhanh nhạy, kịp thời, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân - điều mà lâu nay chính quyền TP mất nhiều thời gian để thực hiện được.

“Cải cách TTHC, tiến tới nền hành chính công, hiện đại và ứng dụng số là bước đi tất yếu. TP.HCM đang dần tạo các bước đi đột phá để có nền hành chính vượt trội, hướng tới nền tảng số hoàn toàn, từ đó kêu gọi thêm nguồn lực đầu tư phát triển, cũng là giúp TP đi nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi số” - ĐB Thắng khẳng định.

 ĐB Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

ĐB Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

ĐB Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP.HCM, cũng bày tỏ sự vui mừng và ủng hộ việc thành lập trung tâm này.

Góp ý thuần túy về mặt kỹ thuật, ông Bảy cho biết trung tâm có địa vị pháp lý là cơ quan ngang sở và trực thuộc UBND TP, có tính chất phục vụ và quản lý. Do đó, để UBND TP.HCM dễ dàng cụ thể hóa giúp trung tâm đi vào hoạt động, ông đề nghị Văn phòng UBND TP, các ban của HĐND TP rà soát câu chữ chặt chẽ hơn để đồng bộ với hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Thông qua 28 nghị quyết quan trọng

HĐND TP đã thảo luận và biểu quyết thông qua 28 nghị quyết, trong đó có 19 nghị quyết về đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công và điều chỉnh ngân sách. Đây là những nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho người dân, DN, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP…

Chủ tịch HĐND TP.HCM NGUYỄN THỊ LỆ

*****

Cơ sở hạ tầng phải bảo đảm tốt nhất

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, TP.HCM là một trong các địa phương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp, một cửa. Đây là việc gom các đầu mối từ các sở, ngành, quận, huyện và thống nhất thành một cấp, bỏ địa giới hành chính và tính khu vực, tạo điều kiện cho người dân, DN ở các nơi thuận tiện nộp và nhận kết quả hồ sơ khi có nhu cầu.

ĐB Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

HĐND TP đã thông qua việc thành lập trung tâm. Do đó, trong quá trình thực hiện, UBND TP cần đảm bảo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để đảm bảo phục vụ người dân được tốt hơn.

Đặc biệt, TP xây dựng đề án với mong muốn đây là trung tâm một cửa, một cấp thì cơ sở hạ tầng phải đảm bảo tốt nhất, không để xảy ra tình trạng nghẽn mạng, người dân phải chờ đợi; phải đảm bảo khi người dân đến nộp hồ sơ, thực hiện tra cứu, tra soát, làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ được nhanh nhất.

ĐB LÊ MINH ĐỨC, Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP.HCM

*****

Tăng hiệu suất, sự hài lòng

Chia sẻ với PV, ông Võ Quốc Duy, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng Thuận, quận 12, cho biết việc TP.HCM thí điểm thành lập trung tâm hành chính công (TTHCC) tại các quận, huyện là một bước đi chiến lược nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ công và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Ông Duy nhận định việc này sẽ giúp tăng cường tiếp cận dịch vụ công, phân cấp quản lý và giảm áp lực lên hệ thống trung tâm, nâng cao tính minh bạch và công khai. Đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và số hóa quy trình làm việc, từ đó nâng cao hiệu suất công việc cũng như sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền.

Bà Trần Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND phường 11, quận Phú Nhuận, cũng nhìn nhận việc thí điểm thành lập TTHCC sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian chờ đợi và chi phí đi lại. Người dân có thể làm thủ tục hành chính (TTHC) một cách nhanh chóng, ở bất kỳ đâu mà không cần đến nhiều cơ quan khác nhau. Ngoài ra, quy trình minh bạch, rõ ràng cũng giúp người dân theo dõi quá trình xử lý hồ sơ của mình, hạn chế tình trạng tham nhũng, tiêu cực.

“Nhiều trung tâm cho phép người dân đăng ký và tra cứu thông tin trực tuyến, giúp dễ dàng theo dõi, thực hiện các thủ tục từ xa mà không cần trực tiếp đến tận nơi” - bà Hiền nói

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Tân Hưng Thuận, quận 12. Ảnh: TRẦN MINH

Tuy vậy, lãnh đạo các địa phương cũng bày tỏ những trăn trở, khó khăn khi thực hiện mô hình này. Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho rằng đa số công chức của các đơn vị đang phải kiêm nhiệm, vừa thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận một cửa vừa tham gia giải quyết TTHC và thực hiện những nhiệm vụ khác theo phân công.

Ông Phúc kiến nghị UBND TP.HCM có phương án phù hợp về vị trí việc làm và biên chế để đảm bảo nhân sự giải quyết các công việc chuyên môn tại phòng chuyên môn, UBND phường khi cắt cử nhân sự về làm việc tại TTHCC.

Khi biết TP.HCM sẽ lập trung tâm phục vụ hành chính công một cấp, nhiều người dân bày tỏ mong đợi việc này sẽ giúp cải thiện quy trình TTHC, giảm bớt tình trạng chậm trễ và phức tạp khi giải quyết hồ sơ.

Bà Nguyễn Thị Hà (ngụ phường Tân Hưng Thuận, quận 12) cho rằng việc thí điểm thành lập TTHCC sẽ giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, xử lý các TTHC tại một điểm duy nhất thay vì phải qua nhiều cơ quan, địa điểm khác nhau. “Chúng tôi cũng sẽ tiết kiệm được thời gian, không phải đi lại nhiều lần” - bà Hà kỳ vọng.

Chị Thòng Sau Kín (ngụ phường Tân Hưng Thuận, quận 12) cho biết mỗi lần đi làm TTHC khá mất thời gian, có lúc phải chạy qua nhiều cơ quan khác để nộp giấy tờ.

“Nếu tập trung hết vào một địa điểm như đề án đang xây dựng của TP thì mọi thứ sẽ đơn giản hơn. Khi đó những người dân như chúng tôi không phải đi lại nhiều địa điểm, tiết kiệm được thời gian và chi phí” – chị Kín nói và cho rằng cần có tuyên truyền hướng dẫn người lớn tuổi để họ quen với quy trình giải quyết thủ tục theo mô hình mới.

TRẦN MINH - HUỲNH THƠ

*****

TTHCC TP Thủ Đức dần “chuyên nghiệp- minh bạch- đồng hành”

Trước đó, từ tháng 11-2023, TTHCC TP Thủ Đức chính thức được vận hành. Đây là mô hình TTHCC đầu tiên của TP.HCM, hoạt động theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, thực hiện chức năng tiếp nhận, trả kết quả và giải quyết một số TTHC.

Giám đốc TTHCC TP Thủ Đức Nguyễn Thị Kim Cúc cho biết sau một năm thành lập, trung tâm đã hoạt động ổn định, đúng tinh thần “chuyên nghiệp – minh bạch – đồng hành”. Hiện trung tâm cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 109 thủ tục và một phần là 98 thủ tục; đã tích hợp vào Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP.HCM 172 thủ tục.

Từ khi trung tâm thành lập đến ngày 15-8, UBND TP Thủ Đức tiếp nhận 20.798 hồ sơ hành chính, trong đó gần 71% hồ sơ nhận trực tuyến và hơn 29% nhận trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.

Về kết quả tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC được ủy quyền cho trung tâm đối với 19 thủ tục thuộc sáu lĩnh vực, đến nay, trung tâm tiếp nhận hơn 4.600 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,1%.

Theo bà Cúc, Trung tâm đã phát huy vai trò, thế mạnh trong thực hiện nhiệm vụ được giao, giảm khâu trung gian, từ đó rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các TTHC tại Trung tâm.

Bà cũng cho rằng đây là đòn bẩy quan trọng mở ra cho TP Thủ Đức nhiều thẩm quyền tự chủ trong quản lý vận hành và là cơ sở pháp lý quan trọng để TP Thủ Đức tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo mô hình chính quyền đô thị.

Ghi nhận của PV, nhiều người dân khi đến giao dịch, thực hiện thủ tục tại TTHCC TP Thủ Đức đều cho rằng đã cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu và không còn tâm lý “hành là chính” khi đi làm thủ tục.

“Trước khi đến trung tâm, tôi đã xem qua một lượt các thông tin cần trên app của Thủ Đức trước rồi chuẩn bị giấy tờ.

Với hồ sơ trực tuyến thì cập nhật tất cả thông tin lên app, trường hợp đã đủ hay còn thiếu gì sẽ có phản hồi ngay, còn làm trực tiếp thì được hướng dẫn rất nhiệt tình, thao tác cũng dần đơn giản” - anh Nguyễn Tiến Hùng (ngụ phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức) chia sẻ.

THANH TUYỀN

*****

Người dân ở bất kỳ đâu, giờ nào cũng làm được thủ tục hành chính

Cùng với TP.HCM thì TP Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh là ba địa phương được Chính phủ giao thí điểm mô hình trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh.

Tại TP Hà Nội, dự kiến tại kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra vào đầu tháng 10, HĐND TP sẽ xem xét thông qua Đề án thí điểm và thành lập TTPVHCC TP Hà Nội.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, việc triển khai thí điểm mô hình TTPVHCC TP Hà Nội là bước đi tất yếu, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được từ “mô hình bộ phận một cửa hiện đại” của TP nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), phục vụ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

UBND TP Hà Nội cũng cho hay mô hình TTPVHCC TP Hà Nội được xây dựng dựng trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các mô hình trung tâm hành chính công thuộc các tỉnh, thành, sở, ngành trong cả nước cũng như quá trình áp dụng thực tiễn tại Hà Nội.

UBND TP Hà Nội khẳng định đây là mô hình cải tiến toàn diện, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các mô hình đã triển khai tại các địa phương trên cả nước với các ưu điểm như tính độc lập cao hơn; giảm phụ thuộc vào địa giới hành chính; chuyên nghiệp hóa quy trình và nâng cao năng suất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa; nâng cao chất lượng phục vụ; có cơ chế kiểm soát và giám sát hiệu quả.

TTPVHCC của TP Hà Nội hướng tới đa mục tiêu, trong đó có nội dung nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện TTHC đạt tối thiểu 95%; 100% hồ sơ TTHC được công khai, minh bạch…

Cũng theo tờ trình, việc tổ chức và hoạt động của cơ quan này sẽ chia làm ba giai đoạn, gồm giai đoạn 1, từ tháng 10-2024 đến 31-3-2025; giai đoạn 2 từ 1-4-2025 đến 30-6-2025; giai đoạn ba từ ngày 1-7-2025 trở đi.

Người dân ở Bình Dương đang làm thủ tục hành chính. Ảnh: LÊ ÁNH

Còn tại tỉnh Bình Dương, ông Trương Công Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, cho biết dự thảo Đề án thí điểm mô hình TTPVHCC một cấp đã được hoàn tất, dự kiến tuần sau sẽ thông qua Thường trực Tỉnh ủy để trình HĐND. Sau khi đề án được thông qua, tỉnh sẽ nhanh chóng triển khai thành lập, ra mắt TTPVHCC một cấp.

Việc thí điểm này cũng được tỉnh Bình Dương chia làm ba giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1, từ 30-9 đến 31-12-2024; giai đoạn 2 từ 01-01-2025 đến 30-6-2025 và giai đoạn 3 là từ 01-7-2025 đến hết năm 2025.

Thông tin thêm, ông Huy cho biết sẽ tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ, nhân viên, kể cả nhân viên bưu điện để mọi người nắm rõ quy trình giải quyết TTHC. Từ đó, công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân được dễ dàng, nhanh chóng, đúng, đủ.

“Đặc thù của Bình Dương là địa phương có lượng người dân nhập cư đông, nhiều người đi làm cả tuần không thể nghỉ để đi làm TTHC. Chính vì thế, khi đề án triển khai sẽ tập trung phục vụ tốt nhất cho người dân với mục tiêu phi địa giới hành chính” - ông Huy nói và cho hay tỉnh sẽ triển khai giải quyết TTHC lưu động, cả vào ngày cuối tuần hoặc ban đêm để phục vụ người dân.

“Khi đó, người dân ở bất cứ đâu, bất cứ giờ nào cũng có thể giải quyết được TTHC” - ông Huy nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết đề án đã được UBND tỉnh duyệt và trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Dự kiến tại kỳ họp HĐND tỉnh vào tháng 10, HĐND tỉnh sẽ thông qua đề án này.

Vị đại diện nhấn mạnh đề án lần này sẽ tích hợp phi địa giới hành chính. “Chẳng hạn, người dân ở TP Móng Cái muốn làm TTHC công của tỉnh có thể nộp và làm ngay tại TP Móng Cái. Điều này vừa tạo thuận lợi lại vừa tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp” - đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh nói và đánh giá việc này sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân được tốt hơn.

NHÓM PHÓNG VIÊN

LÊ THOA - THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/trung-tam-hanh-chinh-cong-mot-cap-se-tiet-kiem-nhanh-hieu-qua-hon-post812283.html