Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần tỉnh: Chú trọng công tác chăm sóc người có công

Thời gian qua, Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần tỉnh đã duy trì tốt công tác quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng có hiệu quả cho bệnh nhân tâm thần, đặc biệt chú trọng đối tượng bệnh nhân là người có công, giúp bệnh nhân yên tâm điều trị, sớm có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Chăm sóc bệnh nhân là người có công tại Trung tâm phục hồi chức năng tâm thần tỉnh.

Chăm sóc bệnh nhân là người có công tại Trung tâm phục hồi chức năng tâm thần tỉnh.

Đã hơn 20 năm nay, thương binh 81% Nguyễn Minh Mùi, 80 tuổi, quê xã Khánh Lợi (Yên Khánh) gắn bó với Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần tỉnh, coi nơi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình.

Thương binh Nguyễn Minh Mùi cho biết: Khi đi chiến đấu tại chiến trường, tôi bị sốt rét ác tính, sau mất ngủ kéo dài, lo lắng vô cớ. Tôi đã đi điều trị ở các bệnh viện quân y và bệnh viện tuyến trên, tuy nhiên tôi bị căng thẳng thần kinh tiến triển nặng lên. Năm 1991 tôi được chuyển về điều trị tại Trung tâm phục hồi chức năng tâm thần tỉnh đến nay. Được các y, bác sĩ Trung tâm tận tình chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, các sinh hoạt hàng ngày nên hiện nay dù tuổi cao, sức yếu tôi luôn tin tưởng, vui vẻ và yên tâm điều trị bệnh tại Trung tâm.

Cán bộ điều dưỡng của Trung tâm đã dẫn chúng tôi đi tham quan phòng ở, nơi sinh hoạt của đối tượng người có công đang điều trị tại Trung tâm, chúng tôi nhận thấy tình cảm, trách nhiệm, tận tình của cán bộ, nhân viên Trung tâm dành cho các thương, bệnh binh.

Điều dưỡng Lã Thị Nhung, khoa Điều trị phục hồi chức năng bệnh nhân nam số 1 cho biết: Do di chứng của chiến tranh nên các thương, bệnh binh không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn mắc chứng bệnh tâm thần hoang tưởng, trầm cảm nên việc chăm sóc khó khăn. Có khi trong đêm ngủ các thương, bệnh binh nghĩ mình đang ở đâu, có sự bất ổn tinh thần. Do đó, chúng tôi phải sát sao trong bữa ăn, giấc ngủ, coi các bác như người nhà.

Chăm sóc bệnh nhân là người có công luôn được chúng tôi xác định không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là trách nhiệm, tình cảm, việc làm thể hiện sự tri ân sâu sắc, bù đắp những mất mát, sự cống hiến, hy sinh một phần xương máu của các thương, bệnh binh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ đó giúp các thương, bệnh binh yên tâm ở Trung tâm chữa bệnh…

Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần tỉnh hiện có 267 đối tượng, trong đó đối tượng thương, bệnh binh là 7 người, đối tượng thân nhân người có công 5 người, đối tượng hưu trí mất sức là 4 người, đối tượng xã hội là 230 người, đối tượng dịch vụ là 21 người.

Đồng chí Phạm Văn Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần tỉnh cho biết: Để phục vụ tốt cho đối tượng bệnh nhân người có công và bệnh nhân khác, Trung tâm luôn chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. Với đặc thù đối tượng tại Trung tâm mắc bệnh tâm thần nên lúc đói, lúc no, lúc bệnh đều không biết, tất cả phụ thuộc vào chủ quan của người y, bác sĩ nên nhân viên luôn phải nỗ lực quan sát, thể hiện cái tâm của mỗi người trong chăm sóc bệnh nhân. Đồng thời, Ban lãnh đạo Trung tâm luôn giám sát, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng khoa, từng phòng, từng tháng, từng tuần, có kiểm tra, đánh giá, tổng kết để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn.

Hiện nay, các thương, bệnh binh và các đối tượng khác đều được Trung tâm thực hiện quản lý theo mô hình hệ thống cửa mở, theo giới tính nam nữ, tiêu chí bệnh tật, nhân viên y tế quan tâm hỗ trợ chăm sóc 24 giờ/ngày. Cán bộ, viên chức, nhân viên trực tiếp chăm sóc và hướng dẫn đối tượng phục hồi chức năng: tự chăm sóc cá nhân, ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh cá nhân… Những đối tượng sa sút, kích động, bại liệt, di chứng não phải chăm sóc toàn diện tại chỗ. Đối tượng được cấp đủ quần áo, chăn màn, chiếu, giường nằm đảm bảo ấm mùa đông, mát mùa hè, cung cấp đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt tắm rửa, vệ sinh cá nhân.

Công tác nuôi dưỡng thực hiện chu đáo, chú trọng cải thiện thực đơn hàng ngày cho các đối tượng, xây dựng thực đơn bệnh lý linh hoạt, đáp ứng tốt công tác điều trị, chăm sóc đối tượng. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đối tượng được ăn uống 3 bữa/ngày, đúng, đủ định lượng.

Bên cạnh đó, các đối tượng luôn được Trung tâm chú trọng công tác phục hồi chức năng. Đảm bảo trang thiết bị y tế phục vụ công tác quản lý, điều trị đối tượng kịp thời. Duy trì hoạt động liệu pháp thường xuyên giúp đối tượng phục hồi chức năng, đảm bảo sức khỏe tốt.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, 100% bệnh nhân là đối tượng thương, bệnh binh, người thân gia đình người có công được chăm sóc chu đáo. Về tình trạng sức khỏe tâm thần của các đối tượng tiếp tục có chuyển biến rõ nét, trong đó tâm thần tạm phục hồi gồm 76 đối tượng, đạt 28%; tâm thần thuyên giảm 113 đối tượng, đạt 43%; tâm thần sa sút còn 78 đối tượng, bằng 29%. Về thể lực, đối tượng phục hồi 107 người, đạt 40%; đối tượng phục hồi trung bình là 101 đối tượng, đạt 38%; đối tượng sa sút là 59 người, bằng 22%...

Bài, ảnh: Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trung-tam-phuc-hoi-chuc-nang-tam-than-tinh-chu-trong-cong/d202207211559059.htm