Trung tâm Tài chính Quốc tế: Cần chính sách vượt trội để thu hút nhà đầu tư lớn

Bên cạnh các ưu đãi miễn giảm thuế, phí… đã có trong luật đầu tư hiện này, giới đầu tư cho rằng Việt Nam nên ưu tiên xây dựng chính sách cho các lĩnh vực mới để đón đầu xu hướng phát triển mới.

Mới đây, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức các buổi Tham vấn chuyên gia, nhà đầu tư và các định chế tài chính xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh.

Chính sách có nhưng nhà đầu tư khó với tới

Ông Nguyễn Đức Thái Hân – Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, trong hoạt động tài chính – ngân hàng hiện nay hầu hết các chính sách đều đã có và các tổ chức tín dụng đang làm, nhưng quy mô còn nhỏ và trình độ của các đơn vị trên thị trường còn thấp. Theo đó, cần phải đa dạng sản phẩm, trong đó đơn cử sản phẩm phái sinh để các nhà đầu tư trong Trung tâm Tài chính Quốc tế có điều kiện giao dịch thuận lợi mà vẫn đáp ứng được các quy định chung của chính sách.

Chẳng hạn, các sản phẩm phái sinh ngoại hối, một ngân hàng quy mô lớn có một khách hàng cần đáp ứng một hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn có giá trị lớn hàng trăm triệu USD hoặc lên đến hàng tỷ USD. Theo đó, cơ chế nào để đáp ứng một nguồn ngoại tệ lớn như vậy, cho dù mọi thủ tục và tiêu chí về giao dịch kỳ hạn khách hàng đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Đoàn Tử Tích Phước - Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại của MoMo đặt vấn đề cái cần nhất của các công ty công ghệ tài chính (Fintech), sàn giao dịch hàng hóa là có các chính sách mới cho mô hình mới hoạt động chứ không phải ưu đãi thuế, phí, đất đai… Điều này có thể thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Tuy nhiên, nếu thử nghiệm thành công trong Trung tâm Tài chính quốc tế có thể cung cấp sản phẩm mới ra thị trường toàn Việt Nam thì mới hấp dẫn nhà đầu tư bước vào Trung tâm Tài chính Quốc tế này.

Đại diện MoMo cho rằng, ví điện tử này nhiều năm qua đã làm cầu nối cho các ngân hàng thương mại thực hiện Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia. Những nền tài chính đi sớm trên thế giới hiện nay xác định “lõi” của ngân hàng số là công nghệ, chứ không còn đơn thuần là mô hình ngân hàng truyền thống chuyển đổi số sẽ không thể đi nhanh so với thế giới.

Trong khi đó, các Quỹ đầu tư cho rằng, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư bước vào Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh, ưu đãi 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu tham gia. Đối với hoạt động đầu tư của các Quỹ phải từ năm thứ 5 trở đi mới thoái vốn, nên 4 năm đầu chưa có doanh thu do chưa phát sinh dòng tiền mua và dòng tiền bán, nên Quỹ không thể với tới cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Các Quỹ đầu tư đề nghị xây dựng cơ chế pháp lý cho các Quỹ đóng thay vì các quỹ mở hiện nay ngoài thị trường đã rất phổ biến. Trong giai đoạn đầu xây dựng chính sách có mô hình quỹ đóng có thể thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) một quỹ đầu tư tư nhân.

Ông Tyler McElhaney, Giám đốc Apex tại Việt Nam của Quỹ quản lý tài sản Apex Group cho rằng, đang quản lý 3,4 ngàn tỷ USD trên thị trường tài chính quốc tế, trong những năm qua đã làm việc với các Quỹ đầu tư ở Việt Nam. Ông nói mục tiêu của các Quỹ đầu tư là mang lại lợi ích cho khách hàng và họ thường có mong muốn ưu đãi thuế để tăng thu nhập và vốn. Theo đó, Trung tâm Tài chính Quốc tế ưu đãi thuế phải đa dạng hình thức và không nên xây dựng một cơ chế chung cho các ưu đãi thuế. Tuy nhiên, xu hướng tương lai ưu đãi thuế có thể sẽ không phải hấp dẫn hàng đầu, quan trọng là cơ chế chính sách tạo niềm tin ổn định cho nhà đầu tư trong dài hạn thay vì ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Cần có thêm những ưu đãi phi tài chính

Giám đốc Apex tại Việt Nam đề nghị, cần có những chính sách ưu đãi phi tài chính như nhà đầu tư đến TP. Hồ Chí Minh sẽ mang theo gia đình họ đến sinh sống và làm việc, có thể ưu đãi nhập quốc tịch Việt Nam nhanh chóng hơn các trường hợp thông thường. Bên cạnh tạo điều kiện cho cư trú, cần có những dịch vụ hưu trí cạnh tranh so với các quốc gia khác để người nước ngoài đến TP. Hồ Chí Minh làm việc trong Trung tâm Tài chính Quốc tế thuận lợi mọi mặt. Trung tâm Tài chính Quốc tế phải sống bằng dịch vụ số hóa, nhà đầu tư trong trung tâm nay tiếp cận được các khoản vay trên khắp thế giới mà không phải xin đăng ký như quy định hiện hành. Từ đó sẽ hướng đến đào tạo đội ngũ nhân sự thông qua các khoản vay linh hoạt dễ dàng cho nhà đầ tư.

Ông Rich McClellan - Giám đốc Quốc gia của Viện Nghiên cứu Tony Blair (TBI) tại Việt Nam đánh giá, TP. Hồ Chí Minh có nền móng kinh tế phát triển nhất Việt Nam có điều kiện để xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế. Tuy nhiên, để cạnh tranh với các Trung tâm khác đã có trên thế giới phải tập trung xây dựng cơ chế để tiệm cận được các thiết chế tài chính toàn cầu, từ đó tạo ra hệ sinh thái kết nối thu hút đầu tư nước ngoài.

Các chính sách ưu đãi nên được thiết kế theo hướng cạnh tranh toàn cầu và được truyền thông ra thế giới, trong các tiêu chuẩn tiệm cận với các thị trường tài chính toàn cầu, có những điểm riêng của Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam ưu đãi thu hút đầu tư những lĩnh vực tài chính xanh, nguồn vốn tạo lập tài chính xanh và nhà đầu tư phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Giám đốc Quốc gia của Viện Nghiên cứu Tony Blair cho rằng, Việt Nam có ưu đãi cho nhà đầu tư và cũng cần rà soát toàn bộ những rào cản nào còn vướng mắc nhà đầu tư cần phải tháo gỡ. “Tôi đề nghị trước mắt cần phải tập trung giải quyết thủ tục hành chính rốt ráo ngay lúc này” – ông Rich McClellan nói và ví dụ, thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài phải tìm đến cơ quan chính quyền nộp lên nộp xuống thì thay đổi bằng cách thực hiện toàn trình trên môi trường internet.

Thông tin truyền thông chính sách Việt Nam đã nhận diện trong thời gian qua và đang thực hiện, Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh phải là thông tin chiến lược không chỉ của thành phố, phải là chiến dịch truyền thông chiến lược của Việt Nam. Theo đó, tạo ra cho TP. Hồ Chí Minh trở thành “một cục nam châm” có sức hút mạnh các nhà đầu tư trên khắp thế giới và cho thế giới thấy chính sách đổi mới của Việt Nam. Trong quá trình đó, Chính phủ phải đóng vai trò dự báo được các xu hướng trên toàn cầu và nắm bắt được cơ hội, lộ trình đầu tư vào Việt Nam của các định chế tài chính – ngân hàng và các lĩnh vực khác từ đó có thông điệp rõ ràng.

TS. Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết: Mục tiêu phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh là tạo ra chính sách hấp dẫn dành cho nhà đầu tư chiến lược xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư và Trung tâm này nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định về an ninh tiền tệ và an ninh và quốc phòng, đồng thời thể hiện được tính vượt trội của chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn. Trong chính sách tiền tệ, khuyến khích các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài có uy tín và có năng lực thành lập chi nhánh riêng tại Trung tâm Tài chính Quốc tế cung cấp dịch vụ ngoại hối cho người không cư trú và các tổ chức kinh tế tại các trung tâm tài chính khác.

Cơ sở đề xuất chính sách là đảm bảo việc tuân thủ quy định của Luật các Tổ chức tín dụng hiện hành đối với các hoạt động kinh doanh trên tại Trung tâm Tài chính Quốc tế TP. Hồ Chí Minh. Việc áp dụng chính sách khuyến khích chỉ được thực hiện trên cơ sở là các tổ chức tín dụng này không tham gia vào thị trường tài chính trong nước.

TS. Trần Du Lịch đưa ra ví dụ trường hợp Singapore hiện có một khu vực ngân hàng rất mạnh với hơn 200 ngân hàng mà phần lớn đến từ bên ngoài Singapore. Cơ sở của việc này là Singapore đã thực hiện một chương trình tự do hóa ngành ngân hàng ở Singapore, cho phép các ngân hàng nước ngoài đáp ứng các tiêu chí đầu tư nhất định được mở thêm chi nhánh. Số lượng ngân hàng nước ngoài được cấp phép tại Singapore đã tăng lên nhanh chóng. Các ngân hàng này tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, tài chính doanh nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng không chỉ ở Singapore mà trên toàn khu vực.

Đ.Hải

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-can-chinh-sach-vuot-troi-de-thu-hut-nha-dau-tu-lon-159891.html