Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM: Cần sự đồng thuận của Bộ Tài chính và NHNN
Hiện nay, ngoài TPHCM mong muốn trở thành trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế, Đà Nẵng, Vân Đồn cũng hướng đến mục tiêu trở thành TTTC tầm cỡ khu vực. Vậy TTTC của Việt Nam đặt ở đâu sẽ hợp lý? Và phải làm gì để ấp ủ trở thành TTTC quốc tế của TPHCM suốt 20 năm qua thành hiện thực?
Câu trả lời được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam”, do Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) và Báo SGGP-Đầu tư Tài chính phối hợp tổ chức cuối tháng 4.
Trước tiên TPHCM phải khẳng định vị thế
Ý tưởng xây dựng TPHCM thành TTTC khu vực và quốc tế có từ 20 năm trước. Đến tháng 8-2020, UBND TPHCM có văn bản kiến nghị với Chính phủ ủng hộ chủ trương xem mục tiêu “Phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại TPHCM”.
Và tại Văn kiện báo cáo Đại hội Đảng lần thứ XIII về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 đã có nêu nội dung “thúc đẩy phát triển TPHCM trở thành TTTC quốc tế”.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế và cũng người nhiều năm đồng hành cùng UBND TPHCM đề đạt xây dựng TTTC nhận định, không nơi nào trên đất nước này đủ điều kiện để hình thành TTTC như TPHCM, nếu nơi này không làm được, không nơi nào có thể làm được.
Hiện nay, Đà Nẵng và Vân Đồn nếu đặt mục tiêu trở thành TTTC chỉ nên là dạng offshore (TTTC ngoài khơi), tương tự như Hồng Kông hay Singapore. Đây là các TTTC kinh doanh xa bờ, nói nôm na là TTTC “ký sinh”, bởi vì họ không sống trên nền kinh tế của họ mà sống trên nền kinh tế toàn cầu.
Đà Nẵng muốn làm mô hình như vậy bởi vì họ định hướng đi vào sản phẩm công nghệ tài chính, không đi vào thị trường truyền thống.
Tuy nhiên, TPHCM muốn trở thành TTTC quốc tế còn nhiều việc phải làm. Cụ thể, phải phân kỳ 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu năm 2021-2025 là giai đoạn xây dựng khẳng định vai trò của TTTC quốc gia.
Nguyên nhân là vì từ trước đến nay, quy mô thị trường tài chính TPHCM cực lớn nhưng ngày càng giảm dần, tức là số tiền đổ vào lớn nhưng tỷ trọng nhỏ lại. Vì vậy, đầu tiên TPHCM phải lấy lại vị thế, khẳng định vai trò của TTTC quốc gia.
Giai đoạn tiếp theo từ năm 2026-2030, TPHCM sẽ nâng lên vai trò một TTTC khu vực. Giai đoạn khoảng 10-15 năm sau đó sẽ hình thành TTTC quốc tế. Bởi muốn hình thành TTTC quốc tế phải gắn với hai điều kiện nữa là tự do hóa tài khoản vốn và chuyển đổi đồng tiền, và để có được hai điều kiện này sẽ còn khá lâu.
Ngoài ra, một điểm quan trọng để tạo nên thành công của các TTTC quốc tế là nơi đó luôn đáng sống cho các nhà đầu tư, các chuyên gia tài chính quốc tế. Đó là vấn đề mà TPHCM muốn trở thành TTTC quốc tế phải quan tâm ngoài các chính sách chung.
TS. Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh, Nghị quyết Đảng đã có nêu vấn đề thúc đẩy phát triển TPHCM thành TTTC, nhưng để thực thi được cần phải có một chương trình mạnh mẽ và xem đây là một vấn đề quốc gia mới trở thành hiện thực.
Sự đồng thuận là chìa khóa
TTTC không phải là những tòa nhà chọc trời như ở Mahattan (New York), vấn đề là Bộ Tài chính và NHNN phải đồng tình. Lý do vì TTTC là thể chế của một thị trường vốn, thị trường tiền tệ, mà đây là thẩm quyền của 2 bộ này.
Nhiều chuyên gia cho rằng phải xem lập TTTC là vấn đề quốc gia chứ không phải của TPHCM mới trở thành hiện thực. TS. Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng chia sẻ sâu hơn, nếu Việt Nam quyết tâm lập TTTC cũng không cần phải nói đến việc phân kỳ mấy giai đoạn để thực hiện.
Có quan điểm nói rằng TTTC này phải xây tòa nhà cao chọc trời tại khu đô thị Thủ Thiêm tương tự như ở Mahattan (New York), nhưng thực tế nếu các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính và NHNN không đồng tình sẽ không có TTTC.
Lý do vì TTTC này là thể chế của một thị trường vốn, thị trường tiền tệ, mà đây là thẩm quyền của 2 bộ này.
TS. Phước cũng tham vấn, nên gọi tên chính xác là TTTC của Việt Nam có tọa độ tại TPHCM, bởi TPHCM không thể xây dựng được TTTC khi luật lệ của TTTC vẫn do các Bộ ngành đặt ra.
Đồng thời, phải đặt quan điểm TTTC đóng tại TPHCM phục vụ cho đất nước và cho chính dịch vụ tài chính, khi đó những thể chế sẽ được thay đổi, bởi không chỉ để dành cho TPHCM mà sẽ dành cho cả Việt Nam.
GS.TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, thể chế của ta hiện nay chưa theo kịp sự đổi mới quá nhanh. Nếu muốn có TTTC tại TPHCM phải đưa ra những mục tiêu di động.
Đến 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, đó xem là mục tiêu cứng, cố định. Trong thế giới số ngày nay, muốn đạt mục tiêu cố định phải có tập hợp các quy định, đó là các mục tiêu di động, là các điều lệ liên tục thay đổi để phù hợp với diễn biến của kinh tế toàn cầu.
Để định hình một TTTC quốc tế đặt tại TPHCM, trong đề án của nhóm nghiên cứu tư vấn xây dựng cũng đã đề xuất TPHCM nên đi đầu trong vấn đề các sản phẩm công nghệ tài chính (fintech) thay vì sản phẩm truyền thống.
TS. Trần Du Lịch đồng tình với hướng đi này nhưng theo ông, nhìn từ kinh nghiệm của Thượng Hải, nếu TPHCM được cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) về sản phẩm công nghệ tài chính toàn cầu mới có thể thực thi được việc hình thành TTTC quốc tế.
Cụ thể là làm theo nguyên tắc cho áp dụng những sản phẩm dịch vụ mới, trong quá trình áp dụng nếu có phát sinh vấn đề có thể ảnh hưởng an ninh quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước mới đưa ra quy định để điều chỉnh.
Còn nếu phải đưa quy định trước khi thực hiện theo hình thức chờ NHNN và Bộ Tài chính đưa ra khung quản lý mới bắt đầu làm sẽ không bao giờ có sandbox. Nên nhớ, ở Thượng Hải, tất cả các định chế tài chính quốc gia có trụ sở chính ở Bắc Kinh, nhưng trụ sở hoạt động quy mô lớn nhất vẫn ở Thượng Hải. Đó là điểm Việt Nam cần quan tâm.