Trung tâm Tài chính quốc tế: Việt Nam đã khởi động những bước đi quan trọng nhất

TPHCM với vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, được kỳ vọng phát triển thành một trung tâm tài chính quốc tế (IFC) hàng đầu, nối liền thị trường tài chính khu vực và thế giới. Việt Nam đã có những khởi đầu cho việc xây dựng một trung tâm tài chính hiện đại, mang tính cạnh tranh cao trong tương lai đặt tại TPHCM. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần lưu ý một số vấn đề để trung tâm này hội nhập quốc tế và phù hợp với nền kinh tế của mình.

Phù hợp và cạnh tranh

Theo một số chuyên gia, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là hành trình dài, tuy nhiên Việt Nam đã khởi động những bước đi quan trọng nhất.

Việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế là bước tiến quan trọng để nâng tầm vị thế của Việt Nam

Việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế là bước tiến quan trọng để nâng tầm vị thế của Việt Nam

Ông Arnaud Ginolin, Giám đốc điều hành và thành viên hợp doanh – Boston Consulting Group cho rằng: Để IFC phát huy được vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bên cạnh nguồn vốn nội lực thì nguồn đầu tư nước ngoài sẽ bổ sung thêm nguồn tài chính cần thiết.

Để thu hút được nguồn ngoại tệ, Trung tâm Tài chính quốc tế ở TPHCM không thể chỉ dựa vào thị trường tự vận động mà cần có sự can thiệp và hỗ trợ của Chính phủ.

Trung tâm cần được đầu tư cơ sở hạ tầng tài chính và có cơ chế pháp lý vững mạnh để giám sát, điều hành các hoạt động.

Việc xây dựng các quy chế rõ ràng, minh bạch sẽ tạo ra một môi trường pháp lý ổn định, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế tham gia.

Ông Arnaud Ginolin, Giám đốc điều hành và thành viên hợp doanh – Boston Consulting Group

Ông Arnaud Ginolin, Giám đốc điều hành và thành viên hợp doanh – Boston Consulting Group

“Trung tâm tài chính này hoạt động hiệu quả một là cần xác định các ngành ưu tiên như: Fintech, tài chính thương mại, tài chính xanh để mở cửa trung tâm tài chính; thứ hai là thiết lập các chính sách ưu đãi, chương trình khuyến khích để thu hút nhân tài và tạo môi trường kinh doanh thân thiện cho doanh nghiệp”, ông Arnaud Ginolin khuyến nghị.

Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM dự kiến hình thành với 3 cấu phần: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, để thu hút giao dịch và huy động tài chính, trung tâm cần có giải pháp và sản phẩm cạnh tranh, đặc biệt trong thanh toán xuất nhập khẩu nhanh chóng, thuận lợi.

Mặc dù ngành ngân hàng Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng, nhưng quản lý ngoại hối và giao dịch ngoại tệ vẫn gây tốn thời gian cho doanh nghiệp.

Phối cảnh trung tâm Tài chính quốc tế dự kiến hình thành trong tương lai

Phối cảnh trung tâm Tài chính quốc tế dự kiến hình thành trong tương lai

Bà Hạnh kỳ vọng rằng việc hình thành trung tâm tài chính sẽ áp dụng các quy định quốc tế để nâng cao hiệu quả giao dịch tài chính.

“Dù cắt ngắn rút gọn những quy trình thanh toán nhưng chúng ta vẫn có cách để hoạt động một cách an toàn. Những quy định của trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với thông lệ là cần thiết, tất nhiên là cần có nghiên cứu để không xung đột với quy luật hiện hành ngành tài chính kinh tế của Việt Nam”, bà Nguyễn Thúy Hạnh nói.

Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank cho rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong ba lĩnh vực: tài sản số, tài chính thương mại và tài chính xanh.

Với sự phát triển năng lượng tái tạo, nhu cầu tài chính cho lĩnh vực này đang gia tăng. Việt Nam cũng có thể học hỏi từ các quốc gia châu Á khác để phát triển các sản phẩm tài sản số độc đáo.

Trong tài chính thương mại, việc áp dụng công nghệ như blockchain và AI có thể giúp xây dựng mô hình thương mại mới, tạo ra điểm nhấn trong khu vực.

“Tôi nghĩ chúng ta có thể nhìn vào nhu cầu hiện nay mà Việt Nam mong muốn và những ứng dụng mà có thể thực hiện được để xây dựng cho mô hình tài chính riêng của Việt Nam. Qua đó định vị mình là người dẫn đầu trong các lĩnh vực mới nổi và đang phát triển này” Ông Jens Lottner nói.

Các chuyên gia trao đổi tại hội nghị xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam

Các chuyên gia trao đổi tại hội nghị xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam

Ổn định và an toàn

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm một số đầu mục công việc như: tài chính số, tài chính xanh… rất cần sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia quốc tế, nhưng phải phù hợp với điều kiện, bối cảnh của Việt Nam.

Việt Nam có sự khác biệt khi phân định rõ ràng về trung tâm tài chính. Các định chế tài chính hoạt động trong trung tâm tài chính sẽ chịu sự điều tiết bởi ba yếu tố: pháp luật hiện hành, nghị quyết về trung tâm tài chính và các quy định cụ thể trong nghị định hướng dẫn.

Trung tâm Tài chính có thể được tự do hóa về giao dịch ngoại tệ. Vấn đề huy động vốn từ dân cư được xem xét kỹ lưỡng với các tỷ lệ an toàn khác so với hoạt động bên ngoài trung tâm.

Các định chế tài chính trong trung tâm tài chính có thể mở cửa tự do đối với các giao dịch huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế nhờ công nghệ, nhưng cần xem xét các nguồn vốn này có tác động đến nợ nước ngoài của Việt Nam hay không.

TPHCM kiến nghị chọn phương án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế với tổng diện tích khoảng 687 ha

TPHCM kiến nghị chọn phương án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế với tổng diện tích khoảng 687 ha

Ông Phạm Tiến Dũng cũng lưu ý: Cần phân tích kỹ đặc thù và gắn kinh nghiệm quốc tế vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Từ đó, rà soát kỹ các vấn đề về huy động vốn, quản lý ngoại hối và các cơ chế quản lý khác để tổ chức tín dụng hiểu rõ được quy định.

“Chúng tôi dự kiến hoạt động của trung tâm tài chính này sẽ gồm chi nhánh của ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và ngân hàng con của tổ chức tín dụng Việt Nam. Tại sao chỉ có 3 thực thể này thôi mà không có các chi nhánh ngân hàng của tổ chức tín dụng trong nước? Bởi với tổ chức tín dụng trong nước không thể áp dụng hai cơ chế, hai pháp luật ở trung tâm tâm tài chính này và rõ ràng là rất khó để phân biệt. Chúng tôi đang làm dự thảo nghị định làm rõ khung hoạt động để có thể triển khai”, ông Phạm Tiến Dũng thông tin.

Nhiều ý kiến đồng tình, cần có sự phản biện và tham gia của các ngân hàng nước ngoài, định chế tài chính trong quá trình xây dựng nghị định, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Đặc biệt, quá trình thành lập và vận hành Trung tâm Tài chính TPHCM cần có sự phối hợp chặt chẽ nhiều cơ quan có liên quan để đảm bảo yếu tố ổn định, an toàn và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Không để lỡ thời cơ

“Thế giới đang trải qua một kỷ nguyên nhiều biến động. Bên cạnh đó là sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo AI, blockchain,… khiến trật tự tài chính toàn cầu không ngừng dịch chuyển. Trong bối cảnh đó, các trung tâm tài chính toàn cầu cũng đang tái cấu trúc mạnh mẽ, từ việc đơn thuần cung cấp dịch vụ vốn, sang trở thành nơi hội tụ đổi mới sáng tạo, công nghệ tài chính (fintech), tài chính xanh và các sản phẩm đặc thù. Việt Nam đang đứng trước "cơ hội vàng" để định vị vai trò, vị trí của mình trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu. Việc xây dựng trung tâm tài chính đối với Việt Nam là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Chúng ta sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ”, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Nguyễn Quang-Lệ Hằng/VOV -TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-viet-nam-da-khoi-dong-nhung-buoc-di-quan-trong-nhat-post1188295.vov