Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh: 25 năm một chặng đường xây dựng và phát triển

Trợ giúp pháp lý là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng yếu thế trong xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Trợ giúp pháp lý cho người dân tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh. Ảnh: Đức Lam

Trợ giúp pháp lý cho người dân tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh. Ảnh: Đức Lam

Thực hiện Quyết định số 734/ TTg ngày 6/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập hệ thống Tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình được thành lập theo Quyết định số 1159/QĐ-UB ngày 6/10/1997 của UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện chức năng, nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngày đầu thành lập, Trung tâm gặp nhiều khó khăn, thách thức như đội ngũ cán bộ ít, chỉ có 3 biên chế (trong đó có 1 biên chế chuyên trách, 2 biên chế kiêm nhiệm), mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý (TGPL), tổ điểm cộng tác và Câu lạc bộ TGPL thời kỳ đầu chưa được hình thành, nguồn kinh phí dành cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ hạn hẹp trong khi số người được TGPL trong tỉnh khá nhiều, đặc biệt là người nghèo, người có công với cách mạng…

Sau 25 năm xây dựng và trưởng thành, hiện nay bộ máy tổ chức của Trung tâm đã được củng cố và kiện toàn. Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh góp phần không nhỏ trong chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho đối tượng thụ hưởng cũng như người dân có nhu cầu tư vấn pháp luật.

Hiện nay, tổ chức bộ máy của Trung tâm gồm: Lãnh đạo Trung tâm và 2 phòng chuyên môn. Tổng số viên chức, người lao động của Trung tâm là 25 biên chế, trong đó có 7 trợ giúp viên pháp lý; đội ngũ viên chức của Trung tâm phần lớn là lực lượng trẻ, được đào tạo bài bản, nhiệt huyết, tận tâm với công việc (88% viên chức có độ tuổi dưới 40 tuổi, trên 70% viên chức có thời gian công tác trong ngành 5 năm trở lên, gần 100% viên chức được đào tạo chuyên ngành luật, trong đó có 6 thạc sĩ luật).

Hàng năm, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm làm tốt việc tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Sở Tư pháp đề nghị UBND tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị, kế hoạch nhằm tăng cường chỉ đạo kiện toàn về tổ chức và triển khai hoạt động TGPL phù hợp với từng chính sách Nhà nước và đặc điểm tình hình thực tế địa phương.

Hoạt động TGPL được hướng mạnh về cơ sở; trong suốt hơn 20 năm qua, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Tư pháp cấp huyện và các đơn vị thuộc Hội Luật gia tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Người khuyết tật tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức 670 buổi TGPL lưu động, đã thực hiện tư vấn pháp luật cho 9.394 trường hợp và tổ chức 28 buổi đối thoại chính sách, pháp luật cho gần 5.000 người đại diện cho hộ nghèo, người khuyết tật, phụ nữ; đồng thời cấp phát miễn phí hơn 120.000 tờ gấp pháp luật cho nhân dân tham dự.

Bên cạnh đó, Trung tâm đôn đốc, hướng dẫn 44 Câu lạc bộ TGPL duy trì sinh hoạt hàng tháng, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ. Thực hiện Luật TGPL năm 2017, Trung tâm tập trung tăng cường công tác truyền thông về TGPL và tham gia tố tụng.

Từ ngày 1/1/2018 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 1.377 vụ việc, hoàn thành 1.328 vụ việc, cụ thể: Thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí tại trụ sở Trung tâm và tại xã, phường, thị trấn cho 796 trường hợp thuộc diện được TGPL. Tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 517 trường hợp thuộc diện được TGPL. Đại diện ngoài tố tụng cho 15 trường hợp thuộc diện được TGPL.

Công tác truyền thông về TGPL được triển khai kịp thời và thường xuyên, bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực như: tư vấn pháp luật tại trụ sở Trung tâm; tư vấn pháp lý lưu động tại Nhà văn hóa thôn, phố, xóm; tổ chức lồng ghép hội nghị, tọa đàm; qua hệ thống thông tin đại chúng… Tổ chức 150 cuộc truyền thông về TGPL cho hơn 4.800 lượt người dân tham dự. Phối hợp với Đài Truyền thanh các huyện Nho Quan, Kim Sơn và UBND các xã nghèo, xã có thôn đặc biệt khó khăn phát thanh chuyên mục TGPL trên hệ thống truyền thanh ở địa phương.

Huy động vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh trong công tác TGPL; Trung tâm đã phối hợp tổ chức gần 100 buổi tư vấn pháp luật, đối thoại chính sách pháp luật tại chỗ cho hơn 6.000 người tham dự là hội viên phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật, công nhân khu công nghiệp và tư vấn cho hơn 700 trường hợp thuộc diện TGPL.

Thực hiện cấp 1.856 bảng thông tin TGPL cho Trại tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng, Nhà văn hóa thôn, phố, xóm và công an thuộc địa bàn UBND xã, phường, thị trấn của các huyện, thành phố; cấp, phát 20.500 tờ gấp pháp luật và cẩm nang về TGPL cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm luôn duy trì hoạt động thường xuyên đường dây nóng về TGPL với 7 đầu số kết nối trực tiếp với các trợ giúp viên pháp lý, cập nhật danh sách, số điện thoại trợ giúp viên pháp lý phân công theo địa bàn gửi cho các cơ quan tiến hành tố tụng để tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL kịp thời tiếp cận thông tin khi có yêu cầu TGPL hoặc cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng gửi thông tin tới Trung tâm để vụ việc TGPL được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm tốt nhất và nhanh nhất quyền lợi của người được TGPL.

Bên cạnh những hình thức tuyên truyền về TGPL theo hình thức trực tiếp, Trung tâm đã thực hiện tuyên truyền qua hình thức Internet, qua trang thông tin điện tử của cơ quan, qua trang facebook của Trung tâm. Trên cơ sở trang facebook đã lập, Trung tâm hình thành một nhóm đội ngũ viên chức, trợ giúp viên pháp lý thực hiện quản trị, tổ chức, điều hành, viết bài với hình thức và nội dung phong phú đa dạng lan tỏa tới đông đảo người dân.

Qua hoạt động truyền thông và tư vấn pháp luật tại cơ sở đã tác động tích cực đến nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm đến công tác TGPL và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người được TGPL thụ hưởng các hình thức TGPL; đặc biệt giúp cho các cơ quan Nhà nước nắm bắt ý kiến, phản ánh của người dân và nhìn nhận, xem xét lại những quyết định của mình (vì một số vụ việc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của đối tượng được TGPL, có liên quan đến quyết định của cơ quan Nhà nước hoặc hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước); đồng thời góp phần nâng cao dân trí pháp luật và giúp giải quyết vụ việc tranh chấp hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL một cách thuận lợi, nhanh chóng, đúng nơi, đúng chỗ, đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Do đó, hoạt động TGPL của Trung tâm đã tạo được niềm tin của người dân cũng như được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận. Công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng được duy trì thường xuyên. Trung tâm đã tham mưu với Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh tổ chức 7 hội nghị quán triệt các nội dung cơ bản pháp luật về TGPL; 6 lớp bồi dưỡng cập nhật các văn bản pháp luật mới về dân sự, hình sự, hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính cho 815 lượt cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh và công chức Tư pháp hộ tịch cấp xã; tổ chức 3 cuộc hội thảo về giải pháp nâng cao chất lượng TGPL trong hoạt động tố tụng và hàng năm tổ chức hội nghị tổng kết công tác phối hợp về TGPL với sự tham dự của các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp, thành viên Hội đồng phối hợp, Đoàn Luật sư tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện và đội ngũ người thực hiện TGPL...

Qua đó, đã giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo thuận lợi cho người được TGPL thụ hưởng chính sách TGPL; quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL trong các vụ việc tham gia tố tụng được đảm bảo khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng quy trình thủ tục theo pháp luật tố tụng và pháp luật về TGPL.

Nhận thức rõ nguồn nhân lực giữ vai trò nòng cốt cho sự phát triển công tác TGPL, cung cấp hiệu quả, chất lượng dịch vụ TGPL nên công tác đào tạo và kiện toàn đội ngũ người thực hiện TGPL luôn được quan tâm. Trung tâm đã cử hàng chục lượt viên chức tham dự tập huấn nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức, 13 viên chức học lớp bồi dưỡng nguồn trợ giúp viên pháp lý, 8 viên chức học lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư, 5 viên chức học lớp cao học luật; tổ chức 64 lớp tập huấn nghiệp vụ TGPL cho 6.999 lượt người tham dự.

Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL cho hơn 850 người tham gia, chủ yếu là đội ngũ người thực hiện TGPL, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã và đại diện hòa giải viên cơ sở, đặc biệt là đội ngũ trợ giúp viên pháp lý.

Hiện nay, Trung tâm có 7 luật sư ký hợp đồng với Trung tâm, trợ giúp viên pháp lý đều đã qua đào tạo nghề luật sư, 3 chuyên viên đã hoàn thành tập sự TGPL theo Luật TGPL, 2 trợ giúp viên pháp lý được nâng hạng trợ giúp viên pháp lý lên hạng II và 3 trợ giúp viên pháp lý hoàn thành khóa học lớp bồi dưỡng trợ giúp viên pháp lý hạng II, 2 chuyên viên đang theo học lớp đào tạo nghề luật sư.

Do đó, chất lượng tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý và luật sư ký hợp đồng với Trung tâm luôn được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu các tiêu chí đánh giá chất lượng do Bộ Tư pháp ban hành. Thông qua các lớp tập huấn đã nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện TGPL, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức Tư pháp - hộ tịch và hòa giải viên ở xã, phường, thị trấn tạo được cầu nối hỗ trợ pháp lý cho người được TGPL và niềm tin của chính quyền, nhân dân địa phương; giúp cho chính quyền địa phương và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ vai trò, chủ động phối hợp thực hiện TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thuộc diện TGPL.

Có thể khẳng định, trong 25 năm đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách, hoạt động TGPL ngày càng hiệu quả, chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.

Hệ thống TGPL được kiện toàn và tăng cường năng lực; người thực hiện TGPL ngày càng được nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp; hoạt động TGPL ngày càng hiệu quả, chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động TGPL. Truyền thông về TGPL không ngừng được đổi mới theo các phương thức khác nhau.

Đạt được những thành tích trên, trong suốt 25 năm qua, Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Sở Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, sự đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể, cơ quan trong tỉnh, đặc biệt là sự đoàn kết đồng lòng của tập thể đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nhờ vậy, hoạt động TGPL trong tỉnh ngày càng phát triển lớn mạnh qua từng thời kỳ gắn liền với xu thế phát triển chung của hoạt động TGPL cả nước và của một chính sách nhân đạo mang bản chất nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta.

Bùi Thị Thanh Tâm
(Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trung-tam-tro-giup-phap-ly-nha-nuoc-tinh-25-nam-mot-chang/d20221004074838540.htm