Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, Quảng Ninh

Trên nền tảng kế thừa và phát huy các giá trị cốt lõi (tâm linh - lịch sử, văn hóa - thiên nhiên) vốn có của núi Yên Tử, KTS lừng danh người Mỹ Bill Bensley cùng các nghệ nhân thời nay đã tái hiện một không gian văn hóa - lịch sử cổ xưa gợi nhớ về thời Đại Việt, cách nay hơn 700 năm, mang phong cách thiền - thời Trần, thế kỷ XIII cũng là bản sắc riêng của Yên Tử. Quần thể mới này là một vùng đệm, làm nền, bổ sung, tôn vinh, tăng thêm giá trị cho vùng lõi di tích và di sản tâm linh ở trên núi Yên Tử, gắn chặt thêm đạo và đời, hòa quyện cảnh và người, kết nối xưa và nay. Câu Slogan được nhà văn Hoàng Quốc Hải (tác giả của bộ tiểu thuyết lịch sử 'Bão táp triều Trần') chọn chữ là 'Hồn Việt, nét Trần, và tinh thần Thiền Trúc Lâm' đã thể hiện được đúng bản sắc của quần thể này. Đó cũng chính là thông điệp, hồn cốt của quần thể mà các tác giả của 'tác phẩm' này ấp ủ qua năm tháng và gửi gắm vào công trình.

Đây đồng thời là một tổ hợp công trình đa chức năng nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách thập phương về một hạ tầng văn hóa - dịch vụ khang trang, tiện nghi và hiện đại, đảm bảo được điều kiện phục vụ tốt nhất cho các hoạt động hành hương, hội họp, tham quan, lễ Phật, thưởng ngoạn, trải nghiệm, tu tập... ở Yên Tử. Công trình được lên ý tưởng qua một hành trình nghiên cứu, tìm kiếm tâm huyết và công phu trong hơn 10 năm, xây dựng trong 2 năm và đi vào hoạt động từ mùa Xuân năm 2018.

Trích văn hóa thương hiệu của QUO: Lấy cảm hứng từ Huệ Quang Kim Tháp, các di sản văn hóa, lịch sử của Việt Nam và Thiền phái Trúc Lâm trên Núi Yên Tử, và sử dụng những bàn tay khéo léo của những nghệ nhân tinh hoa hiện tại, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm theo phong cách thời Trần, thế kỷ XIII được tái hiện dưới chân núi Yên Tử mang “Hồn Việt, Nét Trần, và tinh thần Thiền Trúc Lâm” mời gọi du khách vào một hành trình trải nghiệm văn hóa độc đáo duy nhất trên đất nước này.

Với cảm hứng sáng tạo từ Huệ Quang Kim Tháp - hiện vật lịch sử gần như duy nhất còn lại từ thời Trần, thế kỷ XIII, các di sản của Thiền phái Trúc Lâm trên núi Yên Tử, các di tích văn hóa và các kiến trúc làng Việt cổ, KTS tài hoa Bill Bensley, đội ngũ Tùng Lâm và những nghệ nhân thời nay đã thực sự thăng hoa và sáng tạo nên Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm có một không hai dưới chân núi Yên Tử mang đậm “hồn Việt, nét Trần, và tinh thần Thiền Trúc Lâm”.

Ngôn ngữ kiến trúc chứa đựng “hồn đất nước”, tiếp nối giá trị văn hóa, tinh thần, thiên nhiên của đất nước và con người Việt Nam. Không gian đủ rộng cho các công năng nhưng không quá “khủng” như một số khu tâm linh khác, tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc với tinh thần, tâm hồn người Việt. Các hình ảnh, cách bài trí quen thuộc, vật liệu tự nhiên được sản xuất thủ công tại địa phương.

Tiếp nối giá trị lịch sử của các thời đại trước, đặc biệt là thời Trần. Nét Trần gắn kết chặt chẽ với Thiền Trúc Lâm. Từ yếu tố gốc được coi là "gien di truyền" (ADN) của Tháp Tổ chứa đựng cả 2 yếu tố này, KTS đã nhân bản một số đường nét cơ bản và truyền tải tinh thần nhà Trần, thế kỷ XIII vào toàn bộ quy hoạch, kiến trúc tổng thể và chi tiết của toàn bộ quần thể.

Các đường nét chính mà quần thể công trình được kế thừa từ Tháp Tổ bao gồm cổng/ cửa cuốn vòm, bức tường dày, được vuốt cao lên ở 2 bên, mái ngắn lợp ngói mũi sen xẫm màu thời gian, các đường phào chỉ dọc theo riềm mái, khuôn mái hơn lượn xuống như bị võng xuống do chịu sức nặng dồn xuống theo thời gian. Đao mái ngắn, chắc khỏe, đơn giản, mộc mạc chất phác.

Kiến trúc chứa đựng nối tiếp giá trị tâm linh của Thiền Tông Trúc Lâm với một số đặc trưng riêng có - tự nhiên, đơn giản mà mạnh mẽ, hài hòa với thiên nhiên (khác biệt với Thiền Tông Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc…).

Là điểm dừng chân trước và sau khi lên núi Yên Tử của khách thập phương, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm được xây dựng ở nơi có địa thế đẹp về hai phương diện cảnh quan và phong thủy. Đây là nơi có "tứ linh" (long - hổ - quy - phụng) che chở. Dải núi bên phải là Thanh Long. Dải núi bên trái là Bạch Hổ. Núi Ngọc phía sau Cung Trúc Lâm có dáng hình con quy (rùa) là huyền vũ. Phía trước cổng Khai Tâm có hồ Thanh Thủy là Chu Tước (chim sẻ đỏ, biểu trưng cho chim phụng = phượng hoàng) và xa hơn một chút, khuất sau vạt cây rừng có "trường lưu thủy" là dòng suối Giải Oan quanh co uốn lượn, quanh năm đưa nước ra sông, biển. Thuyết phong thủy cho rằng: Nơi nào có thế đất "tứ linh", nơi ấy "đắc địa", môi trường sống an lành.

Các thành tố chính bao gồm ba cụm công trình lớn là Trục Tâm Đạo; Làng Nương; Khu Tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử - MGallery by Sofitel (theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế của Tập đoàn Accor).

Trục Tâm Đạo còn gọi là "trục linh" là không gian theo một đường thẳng nối từ chính giữa cổng Khai Tâm (điểm bắt đầu), đi qua một loạt hạng mục công trình tới cung Trúc Lâm (điểm kết thúc). Nối tiếp lên núi thì trục này hướng vào những địa danh lịch sử linh thiêng nhất ở trên núi như vườn tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên…

Trục này còn được gọi là “Con đường hướng thượng”/ “Con đường Giác ngộ” (the journey to enlightment). Một số hạng mục trên trục này được đặt tên có chữ “Tâm” (心ß) (theo triết lý của Thiền phái Trúc Lâm là “Phật tại tâm”) và một số tên khác có ý nghĩ tương đồng thể hiện hành trình giác ngộ trong tâm thức của người Phật tử Trúc Lâm theo quan niệm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đó là cổng Khai Tâm, gương Thiền, hồ Ngoạn Nguyệt, Quảng trường Minh Tâm, vườn Hoa Tâm, cung Trúc Lâm, cung Phật.

Xuất phát từ quan niệm của Phật giáo nói chung và của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng là “Phật tại tâm” nên không gian này được gọi là “trục Tâm Đạo”. Đi theo trục Tâm Đạo qua các công trình, khách sẽ có sự trải nghiệm và hiểu được ý niệm về hành trình giác ngộ Phật trong tâm thức của người Phật tử Trúc Lâm với đích đến là “Giải thoát” và “Giác ngộ”.

Mỗi một hạng mục trong câu chuyện nói trên có tên hàm chứa nội dung văn hóa Phật giáo riêng được tóm tắt như sau: Cổng Khai Tâm có ý nghĩa nhập môn, khai mở tâm thức, bắt đầu hành trình tìm đến giác ngộ Phật. Gương Thiền: Tâm “lắng”, tĩnh lặng, không vọng động và tự soi lại tâm mình (phản quan tự kỷ). Quảng trường Minh Tâm: Tâm sáng, trí tuệ xuất hiện. Vườn Hoa Tâm: nơi tâm và tuệ nở hoa, cùng dâng lên phật. Cung Trúc Lâm: Đạt được “giải thoát” và “giác ngộ”, được gặp Phật Hoàng và được Ngài chứng ngộ.

Tại trục Tâm Đạo không có các tượng Bồ Tát, La Hán, ý tưởng ở đây là củng cố tinh thần Trúc Lâm - “Phật tại tâm” và “Ai cũng có thể thành phật được nếu đạt giác ngộ”.

Phật tổ từng nói “ Ta là Phật đã thành, chúng sinh là phật sẽ thành”.

Điều Ngự Giác Hoàng cũng từng viết trong Cư Trần Lạc Đạo phú: “Bụt ở trong nhà; chẳng phải tìm xa. Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt, Đến cóc hay chỉn Bụt là ta”.

Trọng Thanh (Nguồn: Yên Tử Nhật Trình)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/trung-tam-van-hoa-truc-lam-yen-tu-quang-ninh.html