Trung thần mẫn cán
Theo sách 'Đại Việt sử ký toàn thư', Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông phải bỏ Lý Chiêu Hoàng và lấy chị dâu là Thuận Thiên công chúa. Hành động này của ông là để dẹp bỏ mối nguy Lý Chiêu Hoàng trở thành thái hậu và sau đó thì cơ đồ nhà Trần có thể tan thành mây khói. Nhưng Trần Thủ Độ không chỉ thủ tiêu vai trò của Lý Chiêu Hoàng mà chính ông cũng thủ tiêu luôn cả vai trò thái hậu trong cung đình nhà Trần.
Dù Trần Thủ Độ tự nhận là người ít học nhưng với những năm tháng làm chính trị lọc lõi thì ông không thể không hiểu rằng việc nhà Đinh chuyển sang nhà Tiền Lê có vai trò lớn của thái hậu Dương Vân Nga. Nếu không được Dương Vân Nga hậu thuẫn thì chưa chắc Lê Hoàn đã lên ngôi hoàng đế dễ dàng như vậy khi các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú vẫn một lòng hướng về nhà Đinh.
Còn các thái hậu nhà Lý thì Linh Chiếu thái hậu trọng dụng Đỗ Anh Vũ vì tư tình, Chiêu Linh hoàng thái hậu âm mưu đảo chính vì muốn có ngôi cho con trai, Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu dùng em trai bất tài Đỗ An Di, Đàm thái hậu phong Đàm Dĩ Mông ít học làm Thái sư... Và Trần Thị Dung sau khi lên làm thái hậu là người khai tử triều đại nhà Lý thông qua việc cùng Trần Thủ Độ sắp xếp chuyển ngôi từ Lý Chiêu Hoàng sang Trần Thái Tông. Vai trò và ảnh hưởng của Trần Thị Dung thời điểm đầu nhà Trần vẫn rất lớn. Bà lúc đó không chỉ là mẹ vợ vua Trần Thái Tông mà còn là em gái của thái thượng hoàng Trần Thừa, đặc biệt là vợ của Trần Thủ Độ - người nắm giữ toàn bộ binh quyền khi ấy. Có thể nói vai trò của bà có ảnh hưởng tới triều đình nào có kém gì thái hậu khi Trần Thái Tông phải rất kính nể bà. Đó là lý do vì sao bà được tôn phong làm Thiên Cực công chúa, biệt hiệu Quốc mẫu, được hưởng quy chế ngựa, xe, nghi trượng ngang hàng với hoàng hậu.
Tuy trọng tình với Trần Thị Dung nhưng Trần Thủ Độ khi ấy lại không cho phép vợ mình lợi dụng vai trò để tham nhũng quyền lực. Có một số giai thoại ghi rõ hành xử cứng rắn của Trần Thủ Độ với Trần Thị Dung. Sử chép: Linh Từ quốc mẫu, vợ Trần Thủ Độ có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc bảo với Thủ Độ: Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế. Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói: Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa. Ông lấy vàng, lụa thưởng rồi cho về.
Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, vợ ông là bà Linh Từ xin riêng cho 1 người làm chức nhỏ ở địa phương. Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên, quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên ở đâu, người đó mừng rỡ, Thủ Độ bảo: Ngươi vì có công Linh Từ xin cho được làm câu đương (chức vị ở địa phương), không thể ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác. Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa.
Nhờ áp chế của Trần Thủ Độ mà cái nạn thái hậu can dự việc triều chính cuối thời Lý bị chặn đứng vào đầu thời Trần. Các vua sau đó của nhà Trần theo phép đó mà khiến hậu cung không được can dự việc triều chính. Tuy nhiên, cuối cùng thì nhà Trần cũng lại mất nước bởi tay người nhà một vị thái hậu. Ấy là chuyện gần 2 thế kỷ sau. Năm 1398, Hồ Quý Ly ép Trần Thuận Tông nhường ngôi cho thái tử An, tức Trần Thiếu Đế. Khâm Thánh hoàng hậu vốn là con gái của Hồ Quý Ly được tôn làm hoàng thái hậu. Khi ấy Thiếu Đế mới lên 3 tuổi, nhận truyền ngôi không biết lạy. Quý Ly sai bà lạy trước cho thái tử lạy theo. Ở đây, Hồ Quý Ly học đúng chiêu của họ Trần cướp ngôi nhà Lý khi cũng cho con gái nhập cung làm hoàng hậu, rồi leo lên ngôi thái hậu để thúc đẩy việc chuyển giao từ họ Trần sang họ Hồ.
Lời bàn:
Lịch sử của nhân loại trong thời kỳ phong kiến cho thấy, trước sự chuyển giao vương quyền từ dòng họ này sang dòng họ khác lại không xảy ra những bi kịch. Thế nhưng, nếu Trần Thủ Độ không quyết liệt trong việc bảo vệ sự tồn tại của triều Trần lúc khai quốc, thì có lẽ lịch sử Việt Nam cũng sẽ không có cơ hội để sau đó ghi nhận một chính quyền quân sự, một hào khí Đông A mạnh đến mức có thể 3 lần chặn đứng vó ngựa xâm lược của quân Nguyên - Mông. Và ngoài những chiến công chống ngoại xâm oanh liệt, nhà Trần còn là một triều đại có những thành tựu văn hóa rực rỡ.
Với tư cách là một ông quan đầu triều, Trần Thủ Độ đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm trước quốc gia, dân tộc. Trước thế mạnh của quân Nguyên - Mông, khi được vua hỏi, ông đã trả lời bằng một câu quả quyết: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Và có lẽ chính vì thế mà các hoàng đế nhà Trần, từ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đều là những triết gia, những thi sĩ đứng ở đỉnh cao của văn hóa Đại Việt, nhưng những ông vua giàu chữ nghĩa ấy đều phải sâu sắc chịu ơn của Trần Thủ Độ - một người vốn không biết chữ. Không biết chữ, nhưng ông biết cách dựng lên một vương triều hùng mạnh nhất trong lịch sử phong kiến của nước nhà.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/trung-than-man-can-15610