Trung thu trăng không tròn

Cơn bão Yagi mạnh nhất 30 năm đã đi qua, nhưng sức tàn phá của nó vẫn còn tiếp tục để lại những hậu quả nặng nề, khó có thể tính toán hết. Bùng lên và quẫy đạp dữ dội ngay những ngày đầu tháng 9, cơn bão khiến cho mùa Trung thu năm 2024 bỗng trở nên không tròn vẹn.

Vui sao được khi 17 trường học bị bão quật tan hoang không thể phục hồi, cũng không thể ngày một, ngày hai xây mới để đón các em học sinh tới trường? Lòng ai không quặn thắt khi hay tin 27 trẻ em làng Nủ huyện Bảo Yên, Lào Cai bị lũ cuốn vĩnh viễn ra đi khi còn đang say giấc ngủ, 8 em may mắn còn sống sót, thì cũng mất cha, mất mẹ, trở thành những đứa trẻ mồ côi? Một lớp học của Trường Mầm non số 1 Phúc Khánh tại Làng Nủ, có 18 học sinh thì 9 em đã tử vong sau trận sạt lở kinh hoàng, trong đó học sinh nhỏ nhất chỉ mới 38 ngày tuổi…

Vừa mới bước vào năm học mới được một ngày thì bão đến, hơn một tuần sau bão, đến nay hàng chục ngàn trường học bị hư hại; hàng triệu học sinh chưa thể đến trường.

26 tỉnh, thành miền Bắc và Thanh Hóa bị ảnh hưởng năng nề của bão, nay vừa lo tìm kiếm cứu nạn, vừa phải bắt tay vào dọn dẹp đống đổ nát, tiêu độc khử trùng, lo cho đời sống của nhân dân từ cái ăn, cái mặc, việc đi lại, cho đến việc học hành… Các tỉnh đang dồn dập gửi những con số thống kê không mấy lạc quan về cho ngành Giáo dục: Chỉ riêng tại Lào Cai có 65 trường học bị ảnh hưởng, 35 học sinh của tỉnh thiệt mạng và mất tích, 15 em bị thương do bão lũ; Tuyên Quang có 33 trường học bị ngập nước, sạt lở đất, trong đó có 14 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 7 trường trung học cơ sở, 5 trường trung học phổ thông…

Quân khu 2 đã điều động 300 cán bộ, chiến sĩ vào khu vực Phúc Khánh, thôn Làng Nủ. Ảnh:TL.

Quân khu 2 đã điều động 300 cán bộ, chiến sĩ vào khu vực Phúc Khánh, thôn Làng Nủ. Ảnh:TL.

Những mất mát, đau thương khó có thể cầm lòng được, khiến cho Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong lúc đang chỉ đạo hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả bão Yagi đã phải nghẹn lời, rơi nước mắt. Chắc khi đó, ông xót xa nhớ lại hình ảnh làng Nủ tang thương với những tiếng kêu khóc xé lòng mà ông đã chứng kiến trong chuyến đi thị sát vừa qua.

Trong 6 nhiệm vụ cấp bách khắc phục hậu quả bão lũ và 8 giải pháp ổn định tình hình cho nhân dân, Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt chú ý chỉ đạo rà soát, thống kê, sửa chữa các trường lớp, thiết bị học tập để trong tháng 9 này tất cả các cháu học sinh được trở lại trường; đồng thời nghiên cứu miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng.

Bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Thống kê đến thời điểm này đã có hơn 350 người chết và mất tích, hơn 2.000 người bị thương; 230.000 nhà ở, nhiều trụ sở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh bị tốc mái, hư hỏng; gần 70.000 nhà bị ngập; trên 190.000 ha lúa, 48.00 ha hoa màu, 31.000 ha cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; hơn 3.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 21.000 gia súc và trên 2,6 triệu gia cầm bị chết… Còn đó bao gia đình mất người, mất của, và đặc biệt là những ảnh hưởng nặng nề về tâm lý còn ám ảnh từng thôn xóm, từng gia đình, mỗi em thơ.

Trung thu mỗi năm đều được trẻ em mong ngóng, bởi đó là lúc trẻ thơ được chăm sóc, vui chơi trong sự bao bọc của cha mẹ. Vậy mà Trung thu năm nay, còn bao nhiêu gia đình đau khổ, còn bao nhiêu em nhỏ gặp rủi ro, thiếu ăn, thiếu mặc, chưa được tới trường. Và bao nhiêu bé đã vĩnh viễn không còn được đi chơi Trung thu nữa!

Trung thu năm nay trăng không tròn đầy viên mãn, trăng khuyết như lòng người quặn thắt đau thương…

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những ngày qua, chúng ta đã huy động gần nửa triệu người, 6.600 phương tiện ứng phó với bão; hơn 100.000 lượt người và hơn 2.100 lượt phương tiện ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỉ đồng.

Kim Thanh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trung-thu-trang-khong-tron-159637.html