Trung thu tuổi thơ

Lần nào về quê đúng dịp Tết Trung thu, ngồi nhìn mấy đứa nhỏ xôn xao vót tre, cắt giấy bóng kính làm lồng đèn, tôi cũng thấy bồi hồi da diết. Thông thường, người ta từ phố thị trở về sẽ kể cho nhau nghe chuyện Tết Trung thu ở thành phố vui vẻ như thế nào, rộn rã ra sao. Riêng tôi lại thích kể về Tết Trung thu nơi xóm nhỏ của mình vào những năm xa xưa khi tôi còn là một đứa trẻ thơ dại.

Mấy đứa đồng trang lứa với tôi giờ chẳng còn ai trụ lại xóm quê êm đềm. “Chắc bọn nó chê quê nghèo nên bỏ xứ mà đi”, ông tôi buồn bã nói vậy. Trung thu năm xưa vui hơn! Trung thu năm nay, tôi thấy trống vắng vô hạn, quẩn quanh chơi với đám nhóc cách tôi hơn chục tuổi, lạc lõng giữa những nói cười hớn hở, hồn nhiên và rồi ngậm ngùi nhận ra thời ấu thơ của mình đã trôi qua.

Trung thu tuổi thơ tôi không ồn ã, náo nhiệt như Trung thu phố thị. Ở phố thị ngày nào chẳng phải Trung thu? Ngày nào cũng rực rỡ đèn hoa, thơm nồng vị bánh, trẻ con được ba mẹ dẫn vào hàng quán, siêu thị, công viên…, và rồi Trung thu chỉ là một ngày trong những ngày bình thường mà thôi. Có chăng chỉ là sự xuất hiện của lồng đèn điện tử, ấn nút là tiếng nhạc tự động phát ra.

Trung thu ở quê, lồng đèn điện tử là nỗi khao khát của chúng tôi. Nhà đứa nào khá giả mới được mẹ sắm cho chiếc lồng đèn điện tử, nhà nghèo thì ra bờ chặt, chẻ tre rồi vót thành những que dài xếp thành khung hình ngôi sao năm cánh, dán giấy bóng kính mà thành lồng đèn. Hồi đó, mỗi dịp Trung thu, tôi lại đòi má làm lồng đèn ông sao. Má tỉ mẩn vót từng thanh tre, căng tờ giấy bóng kính màu đỏ tươi áp lên khung, rồi mang lồng đèn ra sân phơi nắng để giấy bóng kính căng ra, láng mịn.

Tôi thích lồng đèn ông sao thủ công hơn lồng đèn điện tử bởi nó gắn liền với má tôi, hơn nửa đời cơ cực vẫn nỗ lực làm vui lòng con trẻ trong những ngày tháng tám trăng tròn nơi quê nghèo xa tít.

Đêm Trung thu trăng tròn, các trường học ở nông thôn thường tổ chức những buổi rước đèn, phát quà bánh cho học sinh. Chiều chiều, chúng tôi ăn mặc tươm tất rồi hẹn nhau dưới gốc cây cổ thụ bên kia sông. Thế là cả đám đi bộ trên con đường quê đến trường, tay cầm lồng đèn, chuyện trò rôm rả. Ở trường, chúng tôi tham gia văn nghệ góp vui, thầy cô ngày thường nghiêm nghị, vậy mà Tết Trung thu cũng hòa cùng chúng tôi trong những bài hát thiếu nhi phá cỗ rước đèn. Trăng lên, đèn ông sao, đèn con gà, con bướm, tên lửa… được thắp lên lung linh như hàng vạn ngôi sao lạc lối xuống trần. Đường quê vắng vẻ nên các thầy cô thường phát quà bánh để chúng tôi về sớm. Quà bánh cũng chẳng có gì nhiều, mỗi phần chỉ được một ít bánh in, bánh pía, vài viên kẹo bòn bon xanh đỏ, miếng bánh Trung thu nhỏ chỉ bằng hai ngón tay ép lại với nhau. Vậy mà vui!

Trăng Trung thu sáng quá, trăng dát vàng con đường dẫn lối tôi về. Đám trẻ với những bài hát Trung thu và dư âm nôn nao còn sót lại cứ thế mà vang vọng. Tết Trung thu, các nhà trong xóm thường thức đến tận khuya cúng đất trời rồi quây quần bên nhau thưởng thức bánh ngọt, uống nước trà, kể cho nhau nghe những chuyện xa xôi từ thuở nào không ai nhớ…

Tôi đã đi qua bao mùa Trung thu. Mùa nào cũng đẹp. Mùa nào cũng rộn rã nói cười. Tôi ngồi ngắm mấy đứa trẻ - thế hệ em út của tôi chuẩn bị đèn lồng đón Tết Trung thu trong niềm hân hoan, phấn khởi, ký ức ùa về sao ấm áp, thân thương.

HOÀNG KHÁNH DUY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/228193/trung-thu-tuoi-tho.html