Trung thu vắng mẹ!
Tết Trung thu trong quan niệm xưa cái gì cũng phải tròn đầy, từ mâm cỗ, ánh trăng đến niềm vui của những đứa trẻ và niềm hạnh phúc của gia đình đoàn viên. Nhưng, từ sau trận đại dịch kinh hoàng quét qua thành phố, Trung thu đã không còn trọn vẹn với nhiều gia đình, những đứa trẻ như vầng trăng khuyết, vắng bóng người thân yêu nhất trong cuộc đời…
Khi đại dịch quét qua
“Mẹ không còn thì vẫn còn ba để nương nhờ. Ba sẽ mua đèn ông sao và quà Trung thu cho em, nhưng niềm vui sẽ không thể trọn vẹn được nữa, ký ức về mẹ lại đậm sâu hơn, nhớ nhung nhiều hơn”, đứa con trai của anh Hùng bần thần khi nhắc về nỗi đau mất mẹ trong đêm trăng sáng.
Vào những ngày khốc liệt của tháng 8 năm ngoái, 3 đứa con của anh Nguyễn Văn Hùng, 50 tuổi, ngụ phường 17, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh bị nhiễm COVID-19 phải đi cách ly. Vài ngày sau, vợ anh Hùng cảm thấy trong người mệt mỏi, chán ăn, sốt cao. Anh Hùng đưa vợ đi bệnh viện nhưng đều quá tải, chạy loanh quanh cuối cùng cũng có một bệnh viện tuyến quận tiếp nhận. Sau khi kiểm tra, bác sĩ thông báo vợ anh Hùng bị nhiễm COVID-19 phải cách ly điều trị.
10 ngày đầu tiên, sức khỏe ổn định, hai vợ chồng vẫn gọi điện hỏi thăm nhau. Những đứa con ở khu cách ly cũng gọi điện, chúng rất nhớ nhà, nhớ mẹ, chỉ muốn được sớm trở về. 3 ngày sau, anh Hùng không còn liên lạc được với vợ nữa. Những cuộc gọi cứ đổ chuông vô vọng rồi im lặng.
Những đứa con lúc này đã đi cách ly về, chúng một mực đòi vào bệnh viện thăm mẹ. Ngày hôm sau, bệnh viện báo về, vợ anh đã qua đời. Anh Hùng không thể tin vào sự thật đó. Vài ngày trước, vợ anh còn khỏe, nói cười vui vẻ, còn ra hành lang tập thể dục và hứa hẹn sẽ trở về sớm thôi.
Các con nghe tin mẹ mất, chúng gào khóc thảm thiết. Không lời trăng trối, không lời từ biệt và không có những cái ôm sau cùng, tất cả chỉ là giọt nước mắt và nỗi đau khôn cùng.
Vợ chồng anh Hùng làm nghề buôn sắt vụn. Mỗi ngày, anh Hùng đi đến các cơ sở sửa chữa ôtô nhập các loại bình ắc quy hỏng và dây đồng mang về nhà. Hai vợ chồng sau đó ngồi lựa nhặt, phân loại ra thành phẩm các loại đồng và sắt rồi mang bán cho cơ sở tái chế. Thu nhập từ công việc không có nhiều tiền nhưng họ vun vén chắt chiu nuôi được 3 đứa con có cơm ăn, áo mặc và được cắp sách tới trường.
Đại dịch quét qua, vợ mất, một mình anh Hùng lầm lũi nuôi con. Đứa con gái đầu đã đi lấy chồng. Đứa thứ hai Nguyễn Thị Thùy Linh đang học lớp 12 bổ túc, bé út Nguyễn Thành Phát học lớp 7. Đây là mùa tựu trường đầu tiên hai chị em vắng bóng mẹ. “Cảm giác thì không thể nói thành lời được, chỉ thấy trong lòng trống vắng và nhớ mẹ rất nhiều”, Thùy Linh tâm sự.
Vì thương ba, thương những ngày ba lam lũ nắng mưa đi chở sắt vụn nên cô bé Thùy Linh đã quyết tâm đi làm thêm để đỡ đần. Một buổi đi học, buổi còn lại Linh phụ việc cho người cậu, thù lao chỉ là hai bữa cơm no, không có lương. Em trai Thành Phát 14 tuổi nhưng mới học lớp 7, vì năm ngoái dịch bệnh, phải đi cách ly, nghỉ giữa chừng và bỏ thi cử nên em phải bảo lưu kết quả, năm nay học lại. Trong tâm hồn non nớt của cậu bé, hình bóng của mẹ vẫn luôn hiện về dù thời gian đã qua hơn một năm trời.
Ngày còn sống, mẹ là người gần gũi chăm lo cho Phát từng bữa ăn giấc ngủ, đón đưa tới trường, một tiếng ho của con cũng làm mẹ lo lắng. Những mùa trăng trước, chị em Phát đều được mẹ mua đèn lồng ông sao và bánh Trung thu, mẹ chở ra công viên xem múa lân và nghe chú Cuội, chị Hằng hát bài “Trung thu rước đèn ông sao”. Nay, mẹ đã đi thật xa, mẹ ở một nơi nào đó trên cung trăng có chị Hằng che chở. Phát cứ nghĩ và hình dung như thế.
Những đứa con của “chú bộ đội”
Cận đêm trăng rằm, chúng tôi ghé thăm ba anh em mồ côi Nguyễn Đình Huy, 11 tuổi, Nguyễn Thị Bảo Ngọc, 9 tuổi và Phạm Thị Bảo Châu, 5 tuổi, hiện đang sống cùng bà ngoại Huỳnh Thị Ngôn, 89 tuổi tại phường 8, quận 4, TP Hồ Chí Minh.
Căn nhà của bốn bà cháu nhuộm đen bồ hóng, các vết tường tróc lở, mái che bằng tôn lâu ngày hoen gỉ mục nát khiến nắng thì nóng gắt mà mưa thì ẩm ướt. Mắt cụ Ngôn đã mờ đục, chân lúc khỏe lúc yếu nhưng mỗi ngày, cụ vẫn cặm cụi đi chợ mua đồ ăn về nấu cơm cho các cháu. Năm nay, Huy và Ngọc đều vào lớp 4 Trường Tiểu học Lý Nhơn, quận 4, TP Hồ Chí Minh. Trường cách nhà vài trăm mét nên hai anh em tự đi bộ đến lớp học và chiều thì cũng tự về.
Câu chuyện về ba đứa trẻ mồ côi mẹ trong đại dịch COVID-19 năm 2021 đã lấy đi nước mắt của biết bao người. Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga chia tay chồng khi đang mang thai bé Bảo Châu. Do hoàn cảnh khó khăn, chị Nga gửi bé Huy cho mẹ ruột chăm sóc, còn mình thì ôm bé Bảo Ngọc và đứa trẻ trong bụng ra ngoài thuê nhà trọ. Một mình vượt cạn sinh con, làm lụng đủ thứ nghề để nuôi hai đứa trẻ cho đến ngày cơn “bão” COVID-19 tràn về. Cả xóm trọ bị nhiễm bệnh, ba mẹ con chị Nga cũng không ngoại lệ và chị đã không qua khỏi.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, cán bộ Ban chỉ huy Quân sự TP Thủ Đức, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh khi ấy là người đi giao tro cốt chị Nga đã bắt gặp hình ảnh bé Bảo Châu một mình trong căn nhà trọ (Bảo Ngọc lúc này đang đi cách ly). Sau khi biết hoàn cảnh, Thiếu tá Kiên đã nhận làm cha đỡ đầu của Bảo Châu. Anh không ngờ, Bảo Châu còn một anh, một chị nữa và cũng muốn được làm con của “ba Kiên”. Không thể cầm lòng trước sự khao khát có một người cha của đám nhỏ, anh Kiên đã dang rộng vòng tay chào đón cả ba anh em.
Thể theo nguyện vọng của bà ngoại, anh Kiên đã để ba đứa trẻ sống cùng bà, anh sẽ thường xuyên lui tới hỏi thăm, những ngày nghỉ anh đón chúng về nhà ở TP Thủ Đức chơi cùng gia đình và hai con ruột của mình.
Đã hơn một năm sau ngày tang thương, ba anh em Bảo Châu bây giờ đã có cuộc sống êm đềm bên bà ngoại, dẫu con đường tương lai còn lắm gian nan. Năm học mới, Bảo Ngọc khoe hai anh em được nhận học bổng dành cho trẻ mồ côi. Ngoài ra, chúng được miễn hoàn toàn học phí và cả tiền ăn uống trong nhà trường. Trên lớp, Huy và Ngọc được các thầy cô giáo dành cho một tình cảm đặc biệt, được các bạn học rất mực yêu thương.
Hàng xóm láng giềng cũng luôn quan tâm để ý đến bà cháu, có vấn đề gì họ đều chung tay giúp đỡ. Bà Hồ Thị Bông - Tổ trưởng khu phố 2, phường 8, quận 4, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Sẽ không ai bỏ rơi đám nhỏ, chúng được cả xã hội đồng hành. Chúng tôi luôn để những trường hợp này vào danh sách ưu tiên. Tết Trung thu, chúng tôi cử tình nguyện viên tới nhà dẫn các em đi dự lễ hội rước đèn tại nhà văn hóa”.
Dù đủ đầy, dù nhận được vô vàn yêu thương, nhưng ở một góc nào đó trong tâm hồn, những đứa trẻ này vẫn cảm thấy thiếu vắng một thứ gì đó thật thiêng liêng. Huy bảo, ngày mẹ còn sống, Trung thu nào mẹ cũng chở đi chơi ngoài phố và mua đèn lồng.
Còn Bảo Ngọc thì vẫn nhớ như in mùa trăng hai năm trước, khi ấy dịch bệnh chưa về, thành phố xốn xang và náo nhiệt bởi ánh đèn lồng xanh đỏ vui nhộn biết bao. Ngọc được mẹ mua cho một chiếc đèn lồng con cá, có gắn cái kèn phía trên, rồi mẹ dẫn ra hành lang của khu nhà trọ chơi rước đèn với đám trẻ, tiếng cười vang khắp ngõ nhỏ. Ngọc không thể ngờ rằng, đó là mùa trung thu cuối cùng còn mẹ trên đời.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/trung-thu-vang-me--i666818/