Trùng tu, bảo tồn di sản một cách tốt nhất
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế ngày 14/1. Tham dự có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Văn Tuấn cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Năm 2024 là năm để lại nhiều dấu ấn trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Huế. Đã có 5 dự án hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng, 6 dự án được khởi công mới. Công tác trùng tu, phục hồi di tích được tiến hành một cách bài bản, khoa học, tuân thủ các quy định, nguyên tắc bảo tồn di sản.
Di sản Huế không chỉ mang lại giá trị về văn hóa mà còn đóng góp lớn vào phát triển du lịch và kinh tế của địa phương. Năm 2024 là năm có nguồn thu lớn nhất từ trước đến nay. Tổng doanh thu đạt trên 422 tỷ đồng (tăng 66,3 tỷ đồng, tức 18,63% so cùng kỳ năm 2023); đạt 132% so kế hoạch nhà nước giao. Nộp ngân sách nhà nước năm 2024 gần 246 tỷ đồng.
Năm qua cũng ghi dấu ấn với việc Huế có thêm 4 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, đặc biệt, “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” đã chính thức được ghi danh Di sản tư liệu Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mới đây, Lễ hội điện Huệ Nam được công nhận là di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Trung tâm BTDTCĐ Huế còn được xem là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cả nước. Các hoạt động dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách, gia tăng trải nghiệm đối với du khách khi đến tham quan di sản Huế…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của Trung tâm BTDTCĐ Huế thời gian qua trong phát huy và gìn giữ những giá trị di sản Cố đô Huế, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình đề nghị Trung tâm cần có sự phối hợp với các sở, ngành, tạo sự gắn kết, sức mạnh chung trong công tác phát huy, khai thác các giá trị di sản. Tăng cường công tác trùng tu, bảo tồn các di tích; gìn giữ di sản một cách tốt nhất. Có cơ chế để khai thác, phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản với định hướng du lịch là kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển dịch vụ. Đổi mới nâng cao năng lực điều hành, quản lý bằng ứng dụng công nghệ để có hệ thống dữ liệu trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy, sắp xếp bố trí việc làm phù hợp, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, người lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.