Trùng tu Chùa Cầu: Phục hồi màu sắc theo cách nào?

Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa TP khẳng định việc sơn quét vôi Chùa Cầu phải tiến hành quét 2-3 lượt mới xong chứ không phải điều chỉnh màu sơn.

Liên quan vấn đề trùng tu Chùa Cầu gây tranh cãi, trả lời PV tối 30-7, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho hay các chuyên gia ‘khẳng định đó là màu gốc’.

Theo ông Sơn, TP đang làm lại một số vị trí quá đậm, cho hợp với màu móng đá (trụ cầu) bên dưới.

 Hình ảnh thợ đang quét vôi tại Chùa Cầu được chụp vào ngày 30-7. Ảnh: CTV

Hình ảnh thợ đang quét vôi tại Chùa Cầu được chụp vào ngày 30-7. Ảnh: CTV

Trả lời báo chí, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết phần tường và chi tiết trang trí trên mái cần phải được phục hồi.

Bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi. Chính vì vậy, việc phục hồi màu sắc cho tường và trang trí mái là cần thiết.

Ông Ngọc khẳng định việc phục hồi màu sắc dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích ‘mới’ ra. Nhưng điều quan trọng là đã giữ được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích.

Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An khẳng định việc sơn quét vôi thì phải tiến hành quét 2-3 lượt mới xong chứ không phải điều chỉnh màu sơn như dư luận đang xôn xao trên mạng xã hội.

 Theo Chủ tịch Hội An, TP đang làm lại một số vị trí quá đậm, cho hợp với màu móng đá (trụ cầu). Ảnh: CTV

Theo Chủ tịch Hội An, TP đang làm lại một số vị trí quá đậm, cho hợp với màu móng đá (trụ cầu). Ảnh: CTV

“Trong sáng 30-7, chúng tôi chỉ cho điều chỉnh lại một số thanh đà gỗ thôi. Còn về màu sắc của Chùa Cầu sẽ không có thay đổi gì. Theo quy trình quét vôi thì phải quét 2-3 nước mới xong. Chúng tôi đang khẩn trương vệ sinh, dọn dẹp, dặm vá… hoàn thiện công đoạn cuối cùng của việc trùng tu di tích”, ông Ngọc trả lời báo chí.

Như PLO thông tin, Như PLO thông tin, sau trùng tu, đơn vị thi công tháo dỡ toàn bộ phần khung che chắn lộ ra hình ảnh Chùa Cầu mới lạ. Diện mạo mới của Chùa Cầu sau trùng tu nhận nhiều ý kiến khen – chê từ dư luận.

Nhiều người cho rằng việc trùng tu đã làm mất đi vẻ cổ kính, “trẻ hóa” Chùa Cầu – di tích có tuổi đời gần 500 năm tuổi, đã trở thành biểu tượng của Hội An.

Ngược lại, có ý kiến chuyên gia cho rằng việc trùng tu Chùa Cầu đã đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và tính chân xác của di tích.

THANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/trung-tu-chua-cau-phuc-hoi-mau-sac-theo-cach-nao-post802893.html