Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Xuân Thệ: 'Khe Sanh luôn ở trong trái tim tôi'

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, dẫu sức khỏe có phần giảm sút nhưng mỗi năm, Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Xuân Thệ, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 304, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2, nguyên Tư lệnh Quân khu 1 cũng vài lần vào Quảng Trị, thăm Khe Sanh. Trong trái tim Trung tướng Thệ, Khe Sanh là mảnh đất đặc biệt bởi nó gắn liền với ký ức về những năm tháng không thể nào quên.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ và những ký ức về Khe Sanh - Ảnh: NVCC

Trung tướng Phạm Xuân Thệ và những ký ức về Khe Sanh - Ảnh: NVCC

Hồi ức của người lính

Đang trong những ngày hè, tiết trời Hà Nội nóng ran, oi bức. Bầu không khí ấy khiến Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ Khe Sanh của 55 năm về trước. Tuy nhiên, thời điểm đó, cái nóng không phải là cái gì quá to tát đối với người lính trận. Cùng với đồng đội, Trung tướng Thệ còn phải đối diện thứ còn khốc liệt hơn, đó chính là bom đạn của chiến tranh.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ sinh năm 1947, quê ở xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Tuổi thơ của ông trôi qua khá yên ả ở miền quê thuần nông. Thế nhưng, sự bình lặng ấy không làm Trung tướng Thệ quên đi nỗi đau chung của đất nước. Từ rất sớm, ông đã tình nguyện xin đi đánh giặc nhưng không được chấp thuận vì chưa đủ tuổi. Năm 1967, khi đang làm việc ở Thủy điện Thác Bà, Trung tướng Thệ vui mừng nhận lệnh nhập ngũ.

21 tuổi, mang trong mình trái tim sục sôi của tuổi trẻ, Trung tướng Phạm Xuân Thệ bước chân vào chiến trường Khe Sanh. Trung tướng Thệ vẫn nhớ như in, đó là ngày 15/4/1968, ông và đồng đội được bổ sung vào Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.

Thời điểm ấy, ông cùng những người lính lần đầu bước vào chân chiến trường mang rất nhiều cảm xúc. Trong đó, thứ mạnh mẽ nhất vẫn là sự háo hức góp sức đánh tan giặc thù. “Chúng tôi vào Quảng Trị trên tuyến đường Trường Sơn. Núi rừng thâm u, cây cối rậm rạp. Khi đến Khe Sanh, ấn tượng đầu tiên là một mảnh đất bom cày, đạn xới. Cây cối ở đây gần như không kịp đâm chồi. Đêm đầu tiên nghỉ ngơi ở trạm giao liên, tôi nghe rất rõ tiếng gầm rú của máy bay B52…”, Trung tướng Thệ hoài niệm.

Ấn tượng ban đầu về mảnh đất Khe Sanh chỉ mới phản ánh một phần nhỏ sự ác liệt của cuộc chiến ở đây. Đến Khe Sanh được ít ngày, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã bước vào trận đánh đầu tiên, cùng với đại đội đặc công của Sư đoàn 304 tập kích tiêu diệt một đại đội Mỹ ở cao điểm 425, phía Tây Bắc quận lỵ Hướng Hóa. Quân thù không cho tướng Thệ và đồng đội yên sau khi giành được cao điểm, những đợt đấu trí, đấu súng liên tục diễn ra khiến những người lính trẻ gần như không có thời gian ngơi nghỉ.

Trung tướng Thệ vẫn nhớ, 10 giờ, ngày 3/5/1968, khi những tên lính Mỹ lao tới trước cửa hầm của mình, ông đã giương súng bắn gục 1 tên và sau đó là 2, 3 tên. Bên cạnh Trung tướng Thệ, người đồng đội quê Nghệ An cũng tiêu diệt được một số tên lính. “Thua thế, địch rút lui nhưng vẫn liên tục dùng phi pháo để đánh phá hòng chiếm lại cao điểm. Sau khi thấy nhiệm vụ này là bất khả thi, chúng mới chịu rút. Trong trận đánh đầu tiên, chúng tôi đã giành chiến thắng. Thế nhưng, niềm vui của anh em hòa lẫn với nước mắt. Nhiều đồng đội của chúng tôi đã hy sinh ở cái tuổi đẹp nhất. Một số người chỉ mới đặt chân đến Khe Sanh”, Trung tướng Thệ kể.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ dâng hương cho đồng đội - Ảnh: T.L

Trung tướng Phạm Xuân Thệ dâng hương cho đồng đội - Ảnh: T.L

4 tháng ở Khe Sanh, Trung tướng Phạm Xuân Thệ và đồng đội không đếm hết số lần đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Phần lớn thời gian của các ông dành cho việc bám chốt, giữ cao điểm. Những người lính ở tuổi đôi mươi dần quen với những bữa ăn chỉ có lương khô, gạo rang hay cơm nắm; tư thế chợp mắt với cây súng trong tay…

Dù nhiều lần bị thương nhưng ông Thệ không cho phép mình lùi về phía sau. “Trải qua những ngày tận cùng vất vả, đau thương, niềm hạnh phúc trong chúng tôi vỡ òa khi Khe Sanh được giải phóng. Bấy giờ, ai cũng “vui sao nước mắt lại trào”. Đến giờ, mỗi khi nhớ đến thời khắc ấy, trái tim tôi vẫn còn rung cảm”, Trung tướng Thệ chia sẻ.

Khe Sanh là “chốn mong về”

Nhận được cuộc gọi từ Quảng Trị vào những ngày nóng đỉnh điểm của Hà Nội, Trung ướng Phạm Xuân Thệ nói, mình cảm thấy như có một dòng nước mát chảy vào tâm hồn. Không biết từ bao giờ, những gì liên quan đến Quảng Trị, Khe Sanh lại trở nên thân thương, gắn bó với ông đến thế. Trung tướng Thệ chia sẻ, ngay trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt nhất, mình vẫn cảm nhận rõ thứ gọi là “ân tình Khe Sanh”.

Thứ ân tình ấy kết tinh từ tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Nó được vun đắp bằng sự chân chất, mộc mạc của người Vân Kiều, Pa Kô, những người không ngại vượt qua mưa bom, bão đạn để giúp bộ đội. Đó là cái thời tiết nóng đến bỏng rát vào ban ngày nhưng lại se lạnh mỗi khi đêm về đã tạo điều kiện cho những người lính trận có giây phút chợp mắt…

4 tháng ở Khe Sanh là sự “thử lửa” khắc nghiệt với một người lính mới bước chân vào chiến trận như Trung tướng Phạm Xuân Thệ. Thế nhưng, đó là sự “thử lửa” xứng đáng bởi ông đã vững gan, bền chí hơn rất nhiều sau khi rời chiến trường Khe Sanh. Năm 1970, ông Thệ lần thứ hai vào Quảng Trị.

Ở cương vị đại đội trưởng, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã chỉ huy đại đội đánh tan một tiểu đoàn và sở chỉ huy của E56 quân ngụy Sài Gòn nhảy dù xuống động Cô Tiên. Bắt đầu từ đây, cái tên Quảng Trị đã gắn liền với bước chân trưởng thành không ngừng của một vị tướng tài ba. Sau này, Trung tướng Thệ còn được lưu danh trong sách sử với nhiều chiến công khác. Cùng đồng đội, ông đã bắt sống và trực tiếp áp giải Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đến Đài phát thanh, đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh vào ngày 30/4/1975.

Du khách trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái ở Hướng Hóa -Ảnh: N.K

Du khách trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái ở Hướng Hóa -Ảnh: N.K

Sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống, công việc cuốn Trung tướng Phạm Xuân Thệ vào vòng quay không ngừng nghỉ. Thế nhưng, trong vòng quay ấy, ông chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ Quảng Trị, Khe Sanh. Bằng nhiều cách khác nhau, ông đã hướng về mảnh đất mình và đồng đội từng xông pha trận mạc bằng cả tấm lòng.

Năm 2014, sau ngày nghỉ hưu, Trung tướng Thệ trở lại Khe Sanh để cầu siêu cho đồng đội. Chiếc xe đưa ông trở lại chiến trường xưa chầm chậm lăn bánh lên con dốc dài như đưa người lính già về với những trang ký ức. Nhìn phố núi bừng lên sức sống mới, trái tim tướng Thệ dậy niềm vui. Ông cảm giác như mình đang ngược dòng thời gian, sống trong không khí của ngày đầu Khe Sanh hoàn toàn giải phóng.

Kể từ đó đến nay, hầu như năm nào, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cũng thu xếp thời gian để vào Quảng Trị, thăm Khe Sanh. Mỗi chuyến đi là rất nhiều kỷ niệm. Ông vẫn nhớ như in những ngày trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội. Chiến tranh đã lùi xa, dấu vết của một thời bom rơi, đạn lạc không còn nhiều.

Vì thế, việc tìm đồng đội luôn gặp khó khăn. Giữa chốn rừng thiêng, nước độc, tướng Thệ chỉ còn cách thắp một nén nhang, nhờ gió núi, mây ngàn chuyển những lời từ đáy lòng đến đồng đội. Mới đây, nghe tin người dân Quảng Trị gặp thiên tai, bão lũ, vị tướng già lại cùng đồng đội khăn gói lên đường, mang tiền, gạo, nhu yếu phẩm cần thiết… vào để hỗ trợ. Nhìn ông ân cần trao những món quà, ai cũng xúc động.

Theo dòng tâm sự, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho biết, rằm tháng giêng vừa rồi ông vào Quảng Trị. Dự kiến tháng 7 năm nay, ông sẽ trở lại mảnh đất này. Trải qua tận cùng những cảm xúc, tướng Thệ hiểu sâu sắc, những gì từ trái tim sẽ dễ đến với trái tim. Thứ gọi là “nghĩa tình Khe Sanh” đối với ông không chỉ nằm ở trong ký ức mà đang hiện diện ở thực tại.

Lần nào trở lại Khe Sanh, ông cũng được đón tiếp bằng những tình cảm thân thương, trìu mến. Có hôm, ông nghe vợ con báo có đoàn cán bộ lãnh đạo huyện Hướng Hóa đến nhà thăm, mời gia đình vào chơi. Những tình cảm đơn sơ, mộc mạc như thế làm Khe Sanh trở thành “chốn mong về” đối với tướng Thệ. Ông luôn tự nhủ sẽ trở lại mảnh đất này cho đến khi nào có thể còn đi được.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/trung-tuong-anh-hung-llvtnd-pham-xuan-the-khe-sanh-luon-o-trong-trai-tim-toi/178186.htm