Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - bậc thầy nghi binh không quân Mỹ (bài 2)

'Trong vận tải chiến tranh, đừng bao giờ chỉ có đường độc đạo. Phá được thế độc đạo, không quân Mỹ sẽ thua. Đường Trường Sơn phát triển lên như 'bản đồ bát quái', máy bay Mỹ không biết đâu là trọng điểm để đánh phá. Mỹ thiết lập 'hàng rào' bộ binh chắn ngang ở đường 9, Quảng Trị cũng bị quân và dân ta đập tan' - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đưa ra chiến thuật.

Bài 2: Phá được thế độc đạo, không quân Mỹ sẽ thua

Tư lệnh khóc ở trọng điểm

Tôi đã đặt câu hỏi phỏng vấn thẳng thắn Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên khi ông còn sống: “Là Tư lệnh chiến trường rộng lớn, có lần bác đã khóc ở trọng điểm. Đó là vấn đề gì?”. Vị tướng tài ba trả lời: “Lần đó, tôi đi kiểm tra ở trọng điểm, thấy nhiều thanh niên xung phong hy sinh ở Cha Lo (Quảng Bình). Khóc là quá bực tức người chỉ huy tại đó kém, thiếu kiến thức quân sự, để gần 40 anh em phải hy sinh. Gần Cha Lo, Bãi Dinh, có một cái đồi cheo leo, coi như “chỗ hiểm” nhất, máy bay đánh một loạt bom là “tắc” hết. Máy bay ném bom xong bay về, chỉ huy ở đây điều động hàng trăm người ra san lấp lại mặt đường. Thời gian sau, máy bay đến trinh sát thấy đường thông trở lại, nó tiếp tục tới đánh phá, coi như “công dã tràng” và hy sinh tính mạng”.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh: Hải Luận

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh: Hải Luận

Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đưa ra giải pháp ngay, chỗ trọng điểm đang bị đánh phá này, cứ sửa bằng phẳng, ngụy trang để “hút” máy bay đến đánh. Phải nhanh chóng mở con đường tránh thứ 2 sang bên kia quả đồi. Mở tiếp đường tránh thứ 3 nữa, cứ cho xe chạy ở hai đường tránh. Đường cũ là trận địa nghi binh để thu hút từng tốp máy bay đến ném bom.

“Tắc đường” vận tải chiến lược tại các trọng điểm đánh phá là nỗi lo lắng nhất của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đường “tắc”, bộ đội phải lấy bao nilon, thùng nhỏ… gùi xăng, dầu vượt qua trọng điểm. Ý chí rất kiên cường, gian khổ, vắt kiệt cả sức lực mình, nhưng chỉ giải quyết cho thắp sáng nội bộ. Dùng vào vận tải, quân sự ở chiến trường thì chẳng có ý nghĩa gì, không thể đánh lớn.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên kể tiếp: “Trọng điểm Độc Lập bị “tắc” 1 tháng, xăng dầu, gạo… ở chiến trường khô kiệt. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi điện cho tôi: “Anh Nguyên đi ra Độc Lập xem tại sao tắc lâu thế?”. Máy bay Mỹ thi nhau đánh phá nát be nát bét cả một vùng. Tôi điều nhiều máy ủi cỡ lớn và đơn vị công binh đến mở ngay đường tránh, đường cũ làm trận địa “dụ” máy bay đến đánh”.

Tiêu diệt “pháo đài di động” trên không

Giới quân sự, khoa học của Mỹ đã phát minh ra nhiều loại thiết bị, vũ khí chiến đấu phù hợp với đặc thù của chiến trường Trường Sơn. Chẳng hạn, Mỹ sản xuất ra “cây nhiệt đới”, là cột thu - phát tín hiệu tiếng động giống như cây rừng, từ máy bay thả xuống dọc các trục đường, bộ đội hành quân, xe ô tô… đi qua, “cây nhiệt đới” thu tín hiệu về trung tâm chỉ huy, điều máy bay ra ném bom. Sau thời gian, bộ đội Trường Sơn bị mất nhiều xe, mới phát hiện được “cây nhiệt đới”, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã lập ra những đơn vị chuyên đi săn lùng “cây nhiệt đới” và trở thành công cụ “lừa” máy bay Mỹ đến ném bom chỗ trống, mở đường tránh cho xe ô tô chạy.

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (đoạn qua huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) ngày nay. Ảnh: Hải Luận

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (đoạn qua huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) ngày nay. Ảnh: Hải Luận

Phát minh “cây nhiệt đới” của Mỹ bị thất bại hoàn toàn ở Trường Sơn. Năm 1971, Mỹ sử dụng loại máy bay vận tải cỡ lớn AC130, sửa lại thành “pháo đài di động” trên không, sử dụng pháo 20 ly, 40 ly bắn liên tục đánh phá trực diện vào đội hình xe của ta vào ban đêm.

“Tháng đầu “pháo đài di động” mới vào, ta chưa hiểu kỹ tính năng tác dụng của nó, nó đánh mất 100 xe vận tải. Cả Bộ Tư lệnh như ngồi trên đống lửa, tôi yêu cầu tất cả các đồng chí chỉ huy Bộ Tư lệnh xuống hiện trường đào hầm ngồi đấy, để nghiên cứu cách bay, cách bắn như thế nào, phát hiện ra máy bay với tốc độ bay chậm, bay vòng lượn ngắn. Muốn “trị” nó phải dùng pháo 57 ly, tên lửa và cả pháo 37 ly, bố trí lực lượng bao vây vòng tròn. Đồng thời với lực lượng phục kích bắn máy bay, tôi điều động 6 tiểu đoàn công binh mở đường kín (cây rừng ngụy trang ở trên) để cho xe chạy ban ngày. Dùng một đường cũ làm nghi binh để “dụ” máy bay đến đánh ban đêm, là trận địa bao vây của ta. Cộng 3-4 thứ đó lại với nhau thành một sức mạnh tổng hợp, với thời gian ngắn ta đã bắn hạ được 3 chiếc “pháo đài di động”. Bắn được 3 chiếc, nó sợ tịt luôn không dám ló mặt ra nữa” - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên kể.

Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lấy tư tưởng tiến công, “địch đánh, ta cứ đi”, chạy theo đội hình có tổ chức, có nhiều đội hình kế tiếp nhau, có chỉ huy trực tiếp, có chỉ huy bộ đội hợp thành ở các trọng điểm; vượt cung tăng chuyến, chạy lấn sáng, lấn chiều…

“Bộ đội công binh liên tục mở đường mới, kết hợp bám trụ trọng điểm, bám sát đội hình xe vận tải, nhanh chóng khắc phục hậu quả địch đánh phá, đảm bảo cầu đường kịp thời, hiệu quả. Binh chủng Phòng không Trường Sơn “quay nòng pháo theo bánh xe lăn”, tiêu diệt máy bay địch trên đội hình tiến công của xe vận tải. Xây dựng trận địa kiên cố bám trụ ngay tại trọng điểm cầu đường, chủ động đánh địch, bảo vệ đội hình hành tiến của bộ đội vận tải, bảo vệ cầu đường, kho tàng…” - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên tóm lược mang tính tư tưởng và nguyên tắc.

Chính việc xác định và vận dụng nhuần nhuyễn học thuyết chiến tranh nhân dân và tư tưởng quân sự của Đảng ta: “Lấy tư tưởng tiến công làm chủ đạo, lấy đánh tiêu diệt làm nguyên tắc cơ bản” đã huy động lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân giao thông… “xẻ dọc Trường Sơn” ra trận, hình thành hệ thống vận tải dài hơn 17.000km. Đường được mở gồm nhiều trục dọc - ngang nối từ miền Bắc vào các chiến trường miền Nam, Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Trường Sơn trở thành trận địa “thiên la địa võng” góp phần to lớn cho những chiến dịch toàn thắng.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trung-tuong-dong-si-nguyen-bac-thay-nghi-binh-khong-quan-my-bai-2-post460808.html