Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức: Đào tạo lực lượng CAND ngày càng toàn diện để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Mỗi cán bộ, chiến sĩ, SV, học viên đã đứng trong lực lượng CAND luôn phải yêu nghề, không quản ngại khó khăn, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2024), phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, lắng nghe những chia sẻ về kỳ vọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đối với lực lượng này.
Trong đó, Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức đặc biệt quan tâm đến chủ trương “toàn diện”, “học đi đôi với hành”, cho người học được “nhúng” mình vào thực tiễn, cũng như tiếp tục chính sách đưa các nhà giáo đi luân chuyển thực tế để mỗi bài giảng “mang đầy đủ hơi thở cuộc sống”.
Khâu tuyển sinh của các học viện, trường công an nhân dân thuộc Bộ Công an đã có sự chọn lọc kỹ lưỡng
Phóng viên: Thưa Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, trước khi trở thành đại biểu Quốc hội, ông đã có 22 năm đứng trên bục giảng, kinh qua nhiều môi trường đào tạo với đa dạng đối tượng người học. Đến nay, bận rộn với công việc nghị trường như vậy, ông có còn dành nhiều thời gian cho công tác đào tạo, nghiên cứu?
Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Tôi đến với nghề giáo cũng như một cái duyên, bắt đầu sự nghiệp “trồng người” với vai trò là giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân từ tháng 6/1995.
Nhiều năm qua và hiện tại, mặc dù công việc tại Quốc hội khá bận rộn, song, hằng năm, tôi vẫn cố gắng sắp xếp tham gia công tác đào tạo tại các học viện, nhà trường Công an nhân dân và thỉnh giảng tại một số trường đại học, giảng các chuyên đề cho các lớp Cao học, Nghiên cứu sinh, Cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, quản lý...
Về nghiên cứu khoa học, trước đây, khi còn công tác tại Học viện Cảnh sát nhân dân và một số cơ sở giáo dục đại học, tôi có môi trường và điều kiện để thực hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện tại, hoạt động nghiên cứu khoa học chủ yếu với hoạt động khoa học của Quốc hội xoay quanh việc phục vụ thẩm tra, giám sát các dự án luật, qua đó công bố một số bài báo khoa học tại các Hội thảo khoa học quốc gia và trên một số tạp chí chuyên ngành. Đối với biên soạn sách và giáo trình, mỗi khi được mời, tôi cũng cố gắng tham gia cùng các tác giả thêm một chương hay một phần, với mong muốn tiếp tục chia sẻ những kết tinh về kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm của mình đến thế hệ tương lai.
Bên cạnh đó, tôi vẫn tham dự các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, chẳng hạn đối với một số hội nghị, hội thảo, tọa đàm như các diễn đàn của Hội đồng liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU),... tôi vẫn có những bài phát biểu đăng đàn về các nội dung như an ninh khu vực, an ninh môi trường, an ninh mạng,...
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về công tác đào tạo của các học viện, trường Công an nhân dân trong thời gian qua?
Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Phải khẳng định một điều, lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng thời gian qua và hiện nay đang được đào tạo rất tốt. Ngay từ khâu tuyển sinh, đã có sự chọn lọc kỹ lưỡng các thí sinh giỏi nhất, xuất sắc nhất qua kỳ thi đánh giá của các học viện, nhà trường thuộc Bộ Công an.
Công an là một nghề tổng hợp, mục tiêu đào tạo của ngành là các sinh viên, học viên phải am hiểu kiến thức tổng hợp sâu, rộng. Khi tốt nghiệp sĩ quan Công an, đòi hỏi các sĩ quan tốt nghiệp phải được trang bị đủ kiến thức tự nhiên, xã hội, pháp luật, tâm lý, ngoại ngữ, công nghệ,... để vận dụng vào công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; phòng ngừa các loại tội phạm, điều tra khám phá các vụ án, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm,...
Hiện nay, các học viện, nhà trường Công an nhân dân đang đào tạo cơ bản đáp ứng các yêu cầu đó và ngày càng được nâng cao chất lượng đào tạo, đa số người tốt nghiệp luôn phát huy tốt các kiến thức được các thầy cô giáo trong các học viện, nhà trường Công an nhân dân trang bị.
Phóng viên: Công tác đào tạo lực lượng Công an nhân dân hiện đang đứng trước những thách thức lớn nào, thưa ông?
Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Có thể kể đến, đó là những khó khăn khi tình hình thế giới luôn có rất nhiều biến đổi khó lường, khó dự báo; các mối nguy cơ đe dọa an ninh “phi truyền thống” ngày một nhiều từ nhiều góc độ khác nhau, nhất là từ góc độ chủ quan, phần nào tác động tới đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, tội phạm đang khai thác triệt để thành tựu của công nghệ 4.0 để hoạt động chống phá, tuyên truyền, xuyên tạc chế độ; vi phạm pháp luật, phạm tội trên không gian mạng, với tính ẩn danh rất cao, thường xuyên thay đổi phương thức, cách thức, công nghệ, thủ đoạn để thực hiện tội phạm - đó là một thách thức lớn trong công tác đào tạo.
Chính vì vậy, muốn làm chủ, vượt trên ngăn chặn, phòng ngừa “từ sớm, từ xa”, rõ ràng trong chiến lược đào tạo, chúng ta phải luôn đổi mới, đội ngũ các thầy cô trong các học viện, nhà trường phải luôn đi trước một bước nghiên cứu, phân tích, dự báo, bổ sung vào chương trình đào tạo với những kiến thức mới thì sẽ hóa giải được những thách thức trên, đồng thời mới đào tạo ra những cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ có tâm, có tầm, đủ năng lực với trách nhiệm hết mình vì Tổ quốc, vì Nhân dân đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong mọi lúc, mọi nơi.
Phóng viên: Vậy, theo ông, người thầy trong lực lượng Công an nhân dân hiện nay cần có những gì?
Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Hiện nay, trong các nhà trường, có rất nhiều thầy giỏi. Thực sự, những người thầy hiện nay có trình độ nâng cao hơn so với thế hệ trước về ngoại ngữ, về tiếp cận khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0. Tuy nhiên, nhu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh hiện nay đang đòi hỏi ở một tầm cao mới, bởi tính chất “phi truyền thống” rất là nhiều.
Vì thế, thế hệ sau này khi giảng dạy, các bài giảng phải được củng cố kiến thức mới thường xuyên, phải có tư duy, tầm nhìn cả trong nước và quốc tế, phải có tính dự báo. Sự biến đổi của tình hình thế giới và khu vực cũng đòi hỏi người thầy phải luôn cập nhật, luôn đi trước một bước trong vấn đề phân tích, nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nắm rõ về pháp luật và phải nghiên cứu sâu về thực tế, từ đó, đưa ra những dự báo để có những tham mưu, hoạch định và lồng ghép trong các bài giảng. Từ đó, mới đáp ứng nhu cầu của người học và định hướng cho người học có tư duy, có tầm nhìn.
Các trường CAND luôn xác định đào tạo, bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ trọng tâm
Phóng viên: Được biết, ông cũng rất mong mỏi sinh viên của khối ngành Công an vừa được học lý thuyết trong trường, vừa được “nhúng” mình vào thực tế. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả bước đầu khi thực hiện chủ trương này?
Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Thực hiện Nghị quyết 17-NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân, các trường Công an nhân dân luôn xác định đào tạo, bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ trọng tâm. Để nâng cao năng lực này, phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tổ chức tốt công tác thực tế cho đội ngũ giáo viên dưới nhiều hình thức.
Theo đó, trong khoảng 10 năm qua, các học viện, nhà trường Công an nhân dân đã chú trọng công tác đào tạo thực tế cho đội ngũ nhà giáo thông qua việc luân chuyển thực tế đối với giáo viên về công tác, chiến đấu trực tiếp tại các đơn vị nghiệp vụ Công an địa phương, đặc biệt là Công an xã hiện nay. Thông qua đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên được bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghề nghiệp, trau dồi bản lĩnh chính trị, rèn luyện kỹ năng thực tiễn, phục vụ đắc lực công tác giảng dạy; nhờ thế, chất lượng bài giảng của giảng viên phần nào được nâng cao, mang tính thời sự và có “hơi thở thực tiễn”.
Thế nên, theo tôi, rất cần phải duy trì công tác này, nâng cao chất lượng hơn nữa, đồng thời cần phải cân đối hài hòa, tạo ra động lực cho giảng viên thêm yêu nghề và sáng tạo trong nghề giáo của mình.
Phóng viên: Ông có kỳ vọng gì về việc đào tạo trong lĩnh vực Công an nhân dân thời gian tới?
Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Trong thời gian tới, tôi rất mong muốn, các trường Công an nhân dân cũng như cơ quan quản lý - Cục Đào tạo (Bộ Công an) phải gắn kết giữa việc truyền đạt lý luận và thực tiễn.
Phải lựa tính toán đưa các thầy giáo đi thực tiễn nhiều hơn, thực chất hơn, thời gian luân chuyển có thể 3-5 năm có tính chuyên sâu hơn thành các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghề.
Đồng thời lựa chọn các đồng chí đang công tác thực tiễn có năng khiếu sư phạm, đã có bằng cấp chính quy từ hệ thống các học viện, nhà trường có nghĩa vụ phục vụ giảng dạy, truyền đạt những kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tại các nhà trường và có nghĩa vụ kèm cặp các sinh viên đang thực tập, giảng viên đang thực tế tại địa phương gắn với tiêu chí thi đua, bổ nhiệm thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Nếu làm được như thế, những kiến thức thực tiễn của sinh viên thực tập và giảng viên đi luân chuyển thực tế sẽ đi vào thực chất và được nâng lên rất nhiều.
Cần khuyến khích nghiên cứu khoa học tập trung vào những vấn đề mới
Phóng viên: Nhiều năm kinh nghiệm trong việc tham gia giảng dạy trình độ sau đại học, cũng như tham gia hội đồng khoa học, hội đồng chấm luận văn..., ông có ấn tượng gì đối với khía cạnh này?
Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Về các diễn đàn khoa học hiện nay, tôi cho rằng, phải có những nghiên cứu từ thấp đến cao, thật chi tiết, cụ thể và tường tận đối với từng vấn đề. Mỗi một vụ án, lớn nhỏ mà có những vấn đề mới, sau khi tổng kết, các nhà trường, đơn vị nghiên cứu cần phối hợp tọa đàm, mổ xẻ và đưa vào báo cáo chuyên đề, cập nhật kiến thức cho sinh viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu.
Về nghiên cứu đề tài khoa học, khóa luận, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, cần rà soát kỹ hạn chế tới mức thấp nhất trùng lặp, khuyến khích nghiên cứu những vấn đề mới, những kinh nghiệm quốc tế. Đối với các Đề án luôn gắn với những vấn đề ở tầm quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, phải có được dự báo và tham mưu chiến lược cho Đảng và Nhà nước và phục vụ cho việc thể chế hóa chính sách của Đảng, Nhà nước trong hệ thống pháp luật sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả.
Phóng viên: Nhân Ngày Truyền thống Công an nhân dân Việt Nam 19/8, ông có điều gì muốn gửi gắm đến đội ngũ toàn ngành?
Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Mỗi cán bộ, chiến sĩ, sinh viên, học viên đã đứng trong lực lượng Công an nhân dân luôn phải yêu nghề, không quản ngại khó khăn, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, được phân công, trách nhiệm với Tổ quốc, với Đảng, Nhân dân, luôn thấm nhuần đạo đức và học tập làm theo lời Bác dạy Công an nhân dân.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!