Trung tướng Khuất Duy Tiến - Hành trình của người anh hùng - Bài 3: Vị tướng trận trên các cương vị mới (tiếp theo và hết)

Tháng 6 năm 1989, sau khi ổn định vị trí đóng quân cho các đơn vị trong các quân đoàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 Khuất Duy Tiến được điều về giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Vị tướng trận chia tay Quân đoàn 3 - cái nôi nuôi dưỡng, rèn luyện ông từ một chiến sĩ Đại đội 9 - Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 48 trở thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320; Tư lệnh Quân đoàn 3 với bao tình cảm, nghĩa nặng tình sâu đặc biệt là với hàng vạn cán bộ chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường. Vị tướng trận như cảm thấy ý nghĩa hơn, thiêng liêng hơn trên cương vị mới.

Khi đọc những dòng Hồi ký của vị tướng trận, chúng tôi đã rất xúc động trước mẩu đối thoại ngắn của ông với Tổng Tham mưu trưởng Đoàn Khuê:

- Đồng chí về nhận công tác mới đã về qua nhà chưa? Con cái, mức sống gia đình ra sao?

Vị tướng bao nhiêu năm trận mạc trả lời:

- Thưa anh, tôi được 4 con, 2 trai, 2 gái, còn phải nuôi hai cháu: Một cháu đại học năm thứ 2, một cháu học lớp 10. Tiền lương eo hẹp, vợ tôi phải nuôi thêm lợn, phải nấu xôi bán thêm buổi sáng, các cháu phải tranh thủ vào cơ quan xin nước vo gạo, cơm thừa, lấy cây chuối và rau nuôi lợn. Vất vả nhưng vui, các cháu ngoan, học hành tốt, gia đình êm ấm.

Gia đình người lính bao gồm gia đình của những vị tướng lừng danh trên chiến trường của chúng ta luôn giản dị đến thắt lòng.

Tôi vẫn luôn thấy ở vị tướng trận Khuất Duy Tiến một phong thái giản dị, khiêm nhường ấy. Cấp trên của ông, đồng đội của ông cũng đều như vậy. Chính điều này đã giải thích tại sao những người lính của nhân dân Việt Nam anh hùng luôn chiến thắng trước mọi kẻ thù xâm lược. Họ luôn biết thu xếp thật bình dị, nhẹ nhàng, đơn sơ nhất gia đình mình, cá nhân mình, để dành toàn bộ trí tuệ, kể cả máu xương của mình cho nghĩa lớn, cho Tổ quốc non sông.

 Trung tướng Khuất Duy Tiến và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: qdnd.vn

Trung tướng Khuất Duy Tiến và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: qdnd.vn

Trên cương vị Cục trưởng Cục Quân lực khi đất nước ta vẫn ở trong tình trạng “vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh”, Khuất Duy Tiến đã nhanh chóng nhập cuộc. Bằng những điều đã tích lũy được trong hai cuộc kháng chiến, bằng trái tim nhiệt huyết, tầm nhìn chiến lược mới, vị tướng trận mau chóng thấy rõ một điều phải tham mưu cho Bộ Quốc phòng quyết định điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội một cách khoa học hơn, phù hợp hơn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phù hợp với khả năng đảm bảo các mặt của đất nước, trên nền tảng điều chỉnh thế bố trí chiến lược, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Vị tướng trận càng hiểu hơn quân đội ta phải xây dựng theo hướng chính quy hiện đại, kỷ luật chặt chẽ, có trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, tiếp tục phát triển dân quân, tự vệ về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường xây dựng lực lượng dự bị, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển nền khoa học, quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Thực hiện đầy đủ chính sách hậu phương quân đội. Từng bước phát triển công nghiệp quốc phòng đi đôi với tăng cường tiềm lực của đất nước. Đây cũng là quan điểm và phương hướng lâu dài của quân đội ta.

Những đề án lớn được tiến hành khoa học, cụ thể, sát với từng nhiệm vụ. Trước mỗi đề án quan trọng mang tính chiến lược - chiến dịch, dài hạn, ngắn hạn đều được thảo luận thống nhất trong Cục và thâm nhập lấy ý kiến các cơ quan bộ, ngành, quân khu, quân đoàn, quân binh chủng để chắt lọc và làm thí điểm trước khi báo cáo Bộ thực hiện. Trong hai năm (1990-1991), Cục Quân lực đã lần lượt hoàn thành các nội dung của kế hoạch giảm quân số điều chỉnh biên chế, tổ chức lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới.

Những chuyển biến lớn, phù hợp với xu thế phát triển chung trên nguyên tắc nâng cao sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội trong việc xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại đã ngày càng ổn định vững chắc.

Tháng 3 năm 1994, Khuất Duy Tiến được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Vị tướng trận trở về với ngôi nhà từng đào luyện ông từ người chiến sĩ trở thành sĩ quan cao cấp của quân đội. Trở về mái trường mà từ đó, đồng chí đồng đội ông lớp lớp nối nhau vào chiến trường đánh giặc khắp các miền Nam - Trung - Bắc, nhiều người đã mãi mãi không trở về nơi họ từng học tập, rèn luyện. Trở về mái trường, cũng là nơi quê hương ông từng một thời đói rét, từng những buổi đầu theo cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ. Trở về mái trường là nơi vị tướng trận từng ở đó khi tóc còn xanh nay đã dần bạc trắng. Những cảm xúc thật khó nói hết lên lời.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và đồng đội. Ảnh do nhân vật cung cấp. Ảnh: qdnd.vn

Trung tướng Khuất Duy Tiến và đồng đội. Ảnh do nhân vật cung cấp. Ảnh: qdnd.vn

Về đảm trách Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 là đoạn đường cuối cùng của cuộc đời binh nghiệp của vị tướng trận - là đoạn đường sáng đẹp được mang những kiến thức, kỹ năng quân sự đã trải qua 50 năm quân ngũ từ một chiến binh trở thành một Tư lệnh quân đoàn, đúc kết, sàng lọc kỹ càng, đóng góp với nhà trường đào tạo đội ngũ sĩ quan tương lai cho Tổ quốc ngàn lần yêu quý là một vinh dự, một đặc ân của quân đội dành cho vị tướng trận và cũng là đền ơn trả nghĩa nhà trường lục quân đã đào tạo ông trở thành một sĩ quan có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức chỉ huy, quản lý, lãnh đạo các quân nhân dưới quyền, nhất là các thế hệ học viên, sĩ quan trẻ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong tình hình mới.

Vị tướng trận - vị hiệu trưởng khả kính giàu thực tiễn chiến trường luôn vô cùng bình dị, bằng trí tuệ và niềm tin lớn đã có những cống hiến đáng ghi nhận trên cương vị mới.

Trung tướng Khuất Duy Tiến, người con của quê hương Đại Đồng từ những buổi đầu theo cách mạng, trải qua các cuộc chiến tranh, trải qua các cương vị công tác, tôi luyện, đều luôn sáng rõ một phẩm chất trung trinh với Đảng, với Bác Hồ, với nhân dân và Tổ quốc. Ở ông luôn phảng phất phong thái của kẻ sĩ buổi đất nước liên miên giặc giã đã cùng với nhân dân mình, đồng chí đồng đội đi một mạch cùng đất nước trên những chặng đường vô cùng gian khổ, hy sinh.

Trung tướng Khuất Duy Tiến, người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành cùng với sự trưởng thành của quân đội ta, góp phần tô thắm lá cờ quyết chiến quyết thắng của người chiến sĩ.

Nói về nguyên nhân làm nên những chiến thắng của quân đội ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trung tướng Khuất Duy Tiến cho rằng, điều căn bản nhất là tinh thần chiến đấu dũng cảm, không ngại gian khổ, khó khăn, ý chí quyết chiến quyết thắng của các chiến sĩ bộ đội. Bên cạnh đó còn là nghệ thuật quân sự sáng tạo, linh hoạt của các cấp chỉ huy với cách bày trận sáng tạo, biết phân tích thế trận giữa ta và địch... Đó là sự kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta, là sự sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới ánh sáng soi đường của Đảng, Bác Hồ, giúp quân đội làm nên những chiến thắng vẻ vang, tô thắm thêm lịch sử hào hùng của dân tộc và mãi là niềm tự hào của các thế hệ đời sau.

Hành trình của vị tướng anh hùng quê hương Đại Đồng - Thạch Thất luôn đúng như lời một bài thơ của Hồ Chủ tịch:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

Sống ở trên đời người cũng vậy

Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Viết về hành trình của vị tướng trận - Trung tướng Khuất Duy Tiến, về thế hệ của các vị tướng từng trải qua các cuộc chiến tranh, luôn cho chúng tôi, thế hệ trẻ niềm tin và lẽ sống ở đời, niềm tin và lẽ sống để bước tiếp chặng đường mà cha anh mình đã và đang bước.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/trung-tuong-khuat-duy-tien-hanh-trinh-cua-nguoi-anh-hung-bai-3-vi-tuong-tran-tren-cac-cuong-vi-moi-tiep-theo-va-het-804403