Trung tướng Nguyễn Thành Út: Lấy tình yêu Tổ quốc làm sức mạnh để chiến thắng

Trung tướng Nguyễn Thành Út (nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5) có 46 năm trong quân đội, 27 năm gắn bó ở chiến trường, 7 lần bị thương. Với ông, tình yêu Tổ quốc là sức mạnh... và có sức mạnh là chiến thắng.

Từ một thanh niên “nhảy núi”

Trưởng thành từ một người chiến sĩ, được bà con đồng bào các dân tộc thương yêu, che chở, đùm bọc, Trung tướng Nguyễn Thành Út (nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5) luôn nhớ về những kỷ niệm trên chiến trường, nhớ về chiến sĩ, đồng đội, nhớ những bà con đồng bào các dân tộc, trong đó có cả nhân dân Campuchia đã từng cưu mang ông và đồng đội trong công tác, huấn luyện, chiến đấu.

Một thời gian khá dài là cấp dưới của Trung tướng Nguyễn Thành Út, từng nghe ông quán triệt nghị quyết, lên lớp chính trị, nói chuyện chuyên đề, chuyện thời sự rồi giao nhiệm vụ… nhưng lần gặp này tôi vẫn thấy hồi hộp và xúc động. Bởi tuổi thanh xuân, trai trẻ đã gắn bó với cuộc đời binh nghiệp, lên đến Trung tướng - Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5, ấy thế mà sau khi được nghỉ hưu theo chế độ, ông lại chọn phố núi Pleiku để quay về làm nơi sinh sống cho mình và cả gia đình? Sự tò mò thôi thúc tôi tìm đến với Tướng Út (cách gọi thân mật của mọi người dành cho ông), người thủ trưởng cũ của mình.

Trung tướng Nguyễn Thành Út luôn nâng niu bảo quản chân dung Bác Hồ.

Trung tướng Nguyễn Thành Út luôn nâng niu bảo quản chân dung Bác Hồ.

Dù đã bước sang tuổi 82, nhưng mỗi ngày ông vẫn dành thời gian đọc báo, xem truyền hình, theo dõi thời sự, vui chơi cùng con cháu. Ông cũng tranh thủ chăm sóc vườn cây ăn trái, rồi miệt mài trồng thêm nhiều giống hoa trước nhà....

Nhắc nhớ lại câu chuyện cũ, Trung tướng Nguyễn Thành Út kể lại: "Tôi sinh năm 1942 tại thôn Bàn Nham, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Khi đang học đệ tứ thì phải bỏ học giữa chừng. Năm lên 18 tuổi, sau nhiều lần thuyết phục và được ba mẹ đồng ý, tôi đã khoác ba lô và “nhảy núi” đi theo bộ đội. Từ làm công vụ cho tỉnh đội trưởng, đến bộ đội đặc công, về Sư đoàn 2, đến Quân đoàn 3, sang Quân đoàn 4 rồi vào đầu quân cho Quân khu 7. Sau khi miền Nam giải phóng, cứ tưởng hòa bình rồi được về với gia đình, quê hương nhưng tiếng súng lại vang lên trên vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, tôi lại cùng đồng đội sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng của Khmer Đỏ. Đến năm 1990, từ Quân khu 7, tôi được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam điều về làm Phó chủ nhiệm Chính trị; rồi Chủ nhiệm Chính trị; Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5. Tôi được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1994 và 8 năm sau được thăng quân hàm Trung tướng.

Không khỏi xúc động khi nhớ lại, khóe mắt cay đỏ, ông trải lòng: “Thời điểm những năm 60-70, chiến trường rất khốc liệt, với sự hiểu biết của một thanh niên tuổi mới mười tám, đôi mươi, nếu không phải sinh ra trong gia đình cách mạng có khi tư tưởng tôi cũng dao động vì rất nhớ nhà, nhớ người thân. Nhưng cuối cùng, tôi đã trụ vững và chiến thắng. Trước khi trở thành tướng lĩnh trong quân đội, tôi đã từng là “một chiến sĩ lâu năm”. Đây chính là khoảng thời gian đủ để tôi thấu hiểu và dành trọn tình thương của mình cho người chiến sĩ. Vì vậy, sau này, dù ở vị trí nào, kể cả khi đảm nhậm chức Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5, tôi vẫn luôn đề cao và quý trọng người chiến sĩ".

Ngồi nghe Tướng Út kể chuyện, tôi lại càng hiểu hơn về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh, sức mạnh của tinh thần đoàn kết quân dân để chiến thắng kẻ thù.

Trả lời câu hỏi của tôi: "Điều gì đã thôi thúc “một chàng trai mới 18 tuổi "nhảy núi" theo cách mạng” và tự nguyện gắn bó với quân đội để chiến đấu chống kẻ thù, góp sức giải phóng Tổ quốc?", Trung tướng Nguyễn Thành Út trả lời mộc mạc: “Tôi sinh ra trong một gia đình cách mạng, quê hương tôi khi đó bị giặc xâm chiếm, đồng bào mình bị áp bức, đọa đày, nhà của mình bị đốt, bị đập phá, đói khổ, lầm than. Hằng ngày, tôi nhìn thấy kẻ thù càn quét, bắn giết bà con vô tội. Yêu Tổ quốc, thương bà con, gia đình, quê hương và quyết chí trả thù những kẻ đi cướp nước nên tôi đã xin phép cha mẹ, gia đình nhảy núi theo cách mạng...”.

Đã 17 năm trở về với gia đình, qua theo dõi tình hình thế giới, trong nước, Trung tướng Nguyễn Thành Út càng thấy sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc “Tập trung xây dựng tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc” mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định.

"Kẻ thù thì không bao giờ từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta bằng nhiều thủ đoạn, chỉ mong đội ngũ cán bộ các cấp phải quán triệt, triển khai và thực hiện hiệu quả tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân. Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên từng khu vực, hướng chiến lược và phạm vi cả nước. Tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố vững chắc, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, khả năng kinh tế địa phương, bảo đảm vừa thuận tiện sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu theo phương châm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”; gắn kết chặt chẽ với thế trận tác chiến phòng thủ quân khu, hình thành thế trận phòng thủ trên các hướng chiến lược và cả nước. Cùng với đó là tập trung xây dựng tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng “thế trận lòng dân”, mà cốt lõi là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ngày càng vững chắc. Có nhân dân, có niềm tin của nhân dân, thì chúng ta luôn chiến thắng!", Trung tướng Nguyễn Thành Út nói.

Câu chuyện của Trung tướng Nguyễn Thành Út đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là thế hệ trẻ, củng cố sức mạnh nội lực, sức mạnh đoàn kết, niềm tin và lòng tự hào về chiến thắng tiềm ẩn trong mỗi người dân đất Việt. Qua đó, giúp họ có cái nhìn khách quan, chân thực về những sự kiện lịch sử của dân tộc, kính trọng sự xả thân, hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chuyện chọn phố núi Pleiku để quay về

Chuyện Trung tướng Nguyễn Thành Út sau khi nghỉ hưu theo chế độ, đã tự nguyện trả lại căn nhà công vụ ở thành phố Đà Nẵng, không về quê hương Phú Yên mà đưa cả gia đình lên sinh sống ở thành phố Pleiku – Gia Lai đã trở thành một đề tài bàn tán hấp dẫn thời đó không những với cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 mà cả người dân Đà Nẵng và nhất là bà con nơi ông sinh ra.

Với 46 năm miệt mài công tác trong quân đội, từ một thanh niên “nhảy núi”, một binh nhì làm liên lạc, ông đã can trường đi qua hai cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc, phát triển lên đến Trung tướng, Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5. Đến tháng 8 năm 2006, sau khi được nghỉ hưu theo chế độ quy định, Trung tướng Nguyễn Thành Út đã quyết định đưa cả gia đình lên phố núi PLeiku, Gia Lai sinh sống. Không ít bạn bè, người thân đã kịch liệt phản đối quyết định này, thậm chí còn nói ông bị gàn dở. Nhiều câu hỏi đặt ra: “Tại sao ông không ở Đà Nẵng, một thành phố đáng sống? Hay trở về quê hương Phú Yên, thành phố biển trong lành, có bà con dòng họ thân thuộc với bao kỷ niệm…Duy chỉ có vợ ông, bà Lê Thị Hiền Linh lại rất ủng hộ quan niệm: “Cái gì mình không thay đổi được thì phải theo quy luật của tạo hóa, của thiên nhiên, còn cái gì thay đổi được thì thay đổi” của chồng mình.

Một trong số những điều mà tướng Út cho rằng không thể thay đổi được là khí hậu. “Tôi đã đi một số nước trên thế giới và rất nhiều các tỉnh, thành phố trong cả nước thì thấy không đâu bằng phố núi Pleiku. Đất đai màu mỡ, khí hậu tốt: Ở đây một ngày có bốn mùa: Sáng mùa xuân, trưa mùa hè, chiều mùa thu và tối mùa đông. Mùa hè không nóng, mùa đông không lạnh, rất tốt cho sức khỏe tuổi già”, Tướng Út nói về lý do chọn Pleiku để gắn bó những năm cuối đời.

 Niềm vui thường ngày của vợ chồng Trung tướng Nguyễn Thành Út.

Niềm vui thường ngày của vợ chồng Trung tướng Nguyễn Thành Út.

Kể tiếp với chúng tôi về cơ duyên quay lại với Tây Nguyên nói chung, Gia Lai và TP Pleiku nói riêng, Tướng Út nói: “Trong những ngày quân ngũ, nhất là thời gian ở Quân đoàn 3, rồi những ngày về Quân khu 5 công tác, mặc dù đảm nhiệm các chức vụ khác nhau, nhưng tôi có nhiều thời gian hoạt động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Hồi đó vất vả lắm, hoang vu lắm nhưng cũng rất nhiều kỷ niệm. Thời gian này, tôi nhận ra mảnh đất Gia Lai rất trù phú, giàu tiềm năng và khí hậu tuyệt vời”.

Một lý do khác “kết níu” chân ông, ấy là khu vực nhà ông có nhiều gia đình cũng là bộ đội trở về sinh sống. Đặc biệt, trở lại đây sinh sống là được trở về với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, về với bà con đồng bào các dân tộc một thời đã giúp đỡ, cưu mang Bộ đội Cụ Hồ nói chung, các đơn vị của Quân đoàn 3, Quân khu 5 trong đó có ông vượt qua gian khó để chiến thắng kẻ thù.

Đến đây, Tướng Út hạ giọng trong xúc động: Chiến tranh đã đi qua, tôi còn sống được đến bây giờ đã là quá may mắn. Những cán bộ, chiến sĩ anh dũng xông pha giữa trận mạc, chi chít bom đạn khốc liệt của kẻ thù, hoàn thành nhiệm vụ họ lại trở về quê hương với chiếc ba lô con cóc và con “búp bê” làm quà tặng cho con cháu cùng với những ký ức không thể quên về bao đồng đội đã mãi mãi đi xa sau những trận đánh giữa rừng già.

Ngoài hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh nằm lại trên các chiến trường, kể cả bên nước bạn Campuchia, thì không ít người trong số đồng đội của tôi trở về bị bệnh tật dày vò do những di chứng của chất độc, do những mảnh đạn bom còn nằm trong cơ thể, nhưng ngày ngày vẫn phải vật lộn với cuộc sống để lo miếng cơm manh áo nuôi gia đình. Có những người mẹ đã hiến dâng chồng con mình cho đất nước, và họ đã hy sinh những gì quý giá nhất của bản thân để cho thế hệ trẻ chúng ta được hạnh phúc vẹn toàn. Nhiều gia đình bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk - Tây Nguyên đã nhịn ăn, nhịn khát hỗ trợ gạo, muối, nước cho bộ đội huấn luyện, chiến đấu.

 Nụ cười vui bên con cháu của Tướng Út.

Nụ cười vui bên con cháu của Tướng Út.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, với 46 năm trong quân đội, 27 năm gắn bó ở chiến trường, 7 lần bị thương… Tướng Út đã lưu giữ nhiều ký ức khó phai. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, là thương binh hạng 2/4, lại mang trong mình nhiều căn bệnh của tuổi già nhưng Tướng Út lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ. Các ngày lễ, tết, ông đều đi thắp hương tưởng nhớ đồng đội ở các nghĩa trang; lâu lâu khi sức khỏe tốt, Tướng Út lại về thăm chiến trường xưa, thăm, tặng quà, động viên bà con các làng bản mà một thời ông đã được cưu mang, giúp đỡ.

Có một lần Tướng Út về thăm bà con dân tộc thiểu số Jơ rai ở vùng biên giới Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai), hàng trăm bà con dân làng nghe tin đã tạm dừng việc làm trên nương rẫy để về đón ông. Người ở gần chạy bộ, người xa chạy xe máy trở về, bởi ai cũng muốn được gặp lại “thằng Út bộ đội”, được nắm tay thằng cán bộ của thôn làng và đặc biệt là được uống cùng ông những can rượu cần “quân dân một ý chí” như thời chiến tranh, bom đạn khi xưa...

Nắm chặt tay tôi trước lúc ra về, Tướng Út bộc bạch: "Thời gian trôi qua đã làm thay đổi nhiều thứ, nhưng có một thứ chắc chắn vẫn còn nguyên vẹn trong tôi, trong đồng đội tôi, đó là nghĩa tình, là ký ức về những cán bộ, chiến sĩ một thời chiến đấu, về những người dân không sợ hiểm nguy mà bao bọc, cưu mang che chở. Ngọn lửa nghĩa tình ấy đã thôi thúc tôi trở lại với Tây Nguyên, trở lại với phố núi Pleiku với Gia Lai, với đồng đội và bà con thân thuộc!"

Bài, ảnh: LÊ QUANG HỒI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-nguyen-thanh-ut-lay-tinh-yeu-to-quoc-lam-suc-manh-de-chien-thang-760898