Trung tướng Phạm Tuân: Nỗ lực hết sức để sẵn sàng khi cơ hội đến

Từ bài học được rút ra từ chính cuộc đời mình, Trung tướng Phạm Tuân khuyên các em học sinh nên nỗ lực hết sức, rèn luyện bản lĩnh để sẵn sàng đón nhận các cơ hội và biến cơ hội thành thành công.

Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân giao lưu cùng các học sinh. (Ảnh: Hưng Phạm)

Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân giao lưu cùng các học sinh. (Ảnh: Hưng Phạm)

Trong không khí hào hùng của 68 năm kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu,” sáng nay, 7/5, Trung tướng Phạm Tuân đã có buổi giao lưu với thầy và trò Trường Trung học phổ thông IVS (Hà Nội) về những năm tháng hào hùng.

Buổi giao lưu đã mang lịch sử đến gần hơn với học sinh khi trước mắt các em là người lính bình dị nhưng đã ba lần được phong tặng danh hiệu anh hùng với các chiến công lừng lẫy. Và bản hùng ca của cuộc đời ông cũng chính là một bài học sống động cho thế hệ trẻ về sự nỗ lực không ngừng để sẵn sàng đón nhận cơ hội khi lịch sử gọi tên.

Hai lần bị loại

Đến buổi giao lưu trong bộ quân phục, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ ông rất vui và hạnh phúc khi được nói chuyện với học sinh đúng trong cao điểm kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, ngày chiến thắng phát xít 9/5.

Kể về việc bén duyên với nghề phi công, Trung tướng Phạm Tuân cho hay đi thi tuyển lái máy bay, ông bị trượt vì sức khỏe yếu, không đủ cân nặng, rối loạn nhịp tim và đau mắt hột.

“Trượt tuyển phi công, tôi được phân công sang Liên Xô học về kỹ thuật sửa chữa thiết bị radar. Nhìn các học viên phi công người Việt xúng xính trong bộ đồ rất nhiều túi, tôi ngưỡng mộ lắm, mơ ước dù chỉ một lần được ngồi trên buồng lái,” Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.

Cơ hội đến với Phạm Tuân khi nhiều phi công người Việt khi học ở Liên Xô không đáp ứng được yêu cầu khiến cho các chuyên gia đào tạo phải tuyển thêm từ các học viên kỹ thuật. “Nhờ được ăn uống tốt hơn và tập luyện nên tôi đã khắc phục được những nhược điểm về sức khỏe khi còn ở Việt Nam và may mắn được chọn chuyển học lái máy bay. Cảm xúc khi đó hạnh phúc vô cùng,” Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.

Buổi giao lưu đã thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh. (Ảnh: Hưng Phạm)

Buổi giao lưu đã thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh. (Ảnh: Hưng Phạm)

Trở về từ Liên Xô, phi công Phạm Tuân đã anh dũng chiến đấu trong hàng ngũ không quân Việt Nam. Mỗi lần cất cánh là mỗi lần đối diện với sinh tử khi đối đầu với đế quốc Mỹ trên bầu trời, nhưng Phạm Tuân bảo ông chưa bao giờ run sợ và luôn tin mình sẽ chiến thắng trở về. “Niềm tin chiến thắng vô cùng quan trọng. Không tin mình thắng thì mình sẽ thua ngay từ khi cất cánh,” Trung tướng Phạm Tuân nói.

Với niềm tin tất thắng, đêm ngày 27/12/1972, ông đã trở thành người Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay B52 của Mỹ và trở về an toàn. Kỳ tích này đã gây sửng sốt cho không chỉ đế quốc Mỹ mà cả thế giới, khi Mỹ từng tự tin tuyên bố B52 là siêu pháo đài bay không thể công phá. Với kỳ tích này, ông đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam năm 1973, khi mới 26 tuổi.

Năm 1977, Phạm Tuân tiếp tục được cử sang Liên Xô học tại Học viện Không quân Gagarin. “Phía Liên Xô yêu cầu Việt Nam cử 4 người sang học để bay vào vũ trụ. Từ bốn người này, sau khi đào tạo sẽ chọn một người để bay. Giống như lần trước, tôi cũng không nằm trong danh sách được chọn, nhưng vì ở trong nước chỉ chọn được ba người nên tôi được ‘điền vào chỗ trống’, làm ‘quân xanh’ cho đủ danh sách 4 người,” Trung tướng Phạm Tuân vui vẻ kể.

Gần 18 tháng học để bay vào vũ trụ là những kỷ niệm không thể quên với Phạm Tuân khi phải trải qua những buổi tập luyện đặc biệt để rèn sức chịu đựng về thể lực, tâm lý và tinh thần để làm quen với trạng thái không trọng lượng và đối mặt với những sự cố bất ngờ. Mỗi ngày, ông phải buộc chân treo lên và chúi đầu xuống đất trong 30 phút, khi ngủ phải kê đầu giường cao lên 20-30 cm để thích nghi với việc máu sẽ bị chảy dồn từ chân xuống đầu, tập nằm trong trạng thái gần như bất động trong suốt 8 tiếng… Với những nỗ lực tập luyện và học hỏi không ngừng, sau thời gian huấn luyện, từ ‘quân xanh,’ Phạm Tuân trở thành người có điểm số cao nhất khi kiểm tra về thể lực và chuyên môn, được lựa chọn để bay vào vũ trụ.

Năm 1980, anh hùng Phạm Tuân đã mang theo ảnh Bác Hồ, bản di chúc của Bác bay vòng quanh Trái Đất trong 8 ngày, trở thành người Việt Nam đầu tiên, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Một lần nữa, ông được phong danh hiệu anh hùng bởi cả hai nhà nước: anh hùng Lao động Việt Nam và anh hùng Liên Xô.

Nỗ lực để sẵn sàng cho các cơ hội

Trung tướng Phạm Tuân khiêm tốn cho hay những thành tựu trong cuộc đời ông phần nhiều do may mắn khi đã liên tiếp có những cơ hội mở ra, nhưng vị anh hùng cũng nhấn mạnh với các em học sinh về việc phải luôn luôn chủ động, nỗ lực để sẵn sàng đón nhận, chớp thời cơ để có thể gặt thành quả. Đó cũng là bài học mà ông rút ra từ cuộc đời mình, bài học của lịch sử và vẫn còn nguyên giá trị cho thế hệ trẻ hôm nay.

Học sinh đặt câu hỏi cho Trung tướng Phạm Tuân tại buổi giao lưu. (Ảnh: Hưng Phạm)

Học sinh đặt câu hỏi cho Trung tướng Phạm Tuân tại buổi giao lưu. (Ảnh: Hưng Phạm)

“Khi thất bại cũng không nản chí, luôn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao thì những nỗ lực đó sẽ đem đến thành quả, những thành quả sẽ được mọi người ghi nhận và trân trọng. Mỗi người đều sẽ có những cơ hội của riêng mình, nhưng phải rèn luyện không ngừng để có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm và biết cách làm để sẵn sàng chớp lấy khi thời cơ đến,” anh hùng Phạm Tuân nhắn nhủ.

“Thế hệ trẻ hôm nay là tương lai của dân tộc và cần nỗ lực để đưa đất nước phát triển, sánh vai với bạn bè quốc tế,” ông nói.

Trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề của học sinh trung học phổ thông, vị anh hùng cũng khuyên các em nên chọn ngành phù hợp với năng lực bản thân thay vì chạy theo số đông hay những ngành học "hot."

Tham dự buổi giao lưu, Nguyễn Hoài Phương, lớp 10A4, Trường Trung học phổ thông IVS cho hay đây là lần đầu tiên em được gặp anh hùng Phạm Tuân. “Em cảm thấy rất vui, rất tự hào về anh hùng Phạm Tuân. Buổi giao lưu không chỉ giúp em hiểu biết rộng hơn về kiến thức lịch sử bên ngoài sách giáo khoa mà còn có thêm bài học về cuộc sống cho chính mình,” Hoài Phương chia sẻ.

Theo cô Nghiêm Thị Nguyệt Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông IVS, mở rộng kiến thức cho học sinh và giúp các em có định hướng tốt hơn cho tương lai cũng là mục đích mà nhà trường hướng đến khi tổ chức các buổi giao lưu giữa học sinh và các chuyên gia, các nhân vật tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực.

“Buổi gặp gỡ anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân hôm nay, trong không khí cả nước kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5 sẽ bồi đắp thêm cho các em niềm tự hào dân tộc, biết ơn thế hệ cha anh và khơi dậy trong các em khát khao cống hiến. Những chia sẻ của anh hùng Phạm Tuân với những kinh nghiệm đúc rút từ chính cuộc đời ông cũng sẽ là bài học sinh động, thiết thực cho các em trong hành trang bước tới tương lai,” cô Nguyệt Anh nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/trung-tuong-pham-tuan-no-luc-het-suc-de-san-sang-khi-co-hoi-den/788840.vnp