Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá kết quả hoạt động 5 năm của các đơn vị trực thuộc
Sáng 22/8, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị các đơn vị trực thuộc TW Hội Khuyến học Việt Nam – Đánh giá kết quả hoạt động 5 năm (2016-2021) và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2026.
Chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng và Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Thị Hòe. Cùng dự có Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc các đơn vị trực thuộc Hội Khuyến học Việt Nam.
Hiện nay, Hội Khuyến học Việt Nam có 26 đơn vị trực thuộc, được chia thành các nhóm: nhóm hợp tác Giáo dục và Đào tạo; Nhóm hỗ trợ Giáo dục và Đào tạo, Dịch vụ du học; Nhóm thông tin, truyền thông và văn hóa; Nhóm nghiên cứu khoa học; Nhóm khai thác viện trợ trong nước và nước ngoài.
Trong 5 năm qua, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam luôn chỉ đạo, lãnh đạo, củng cố, kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị trực thuộc hoạt động đúng pháp luật. Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cùng hoạt động thực hiện các nhiệm vụ theo Điều lệ của Hội, góp phần vào công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên cả nước.
Kết quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc được thể hiện trong các hoạt động hỗ trợ, hợp tác, liên kết, dịch vụ đào tạo trong nước và quốc tế; hỗ trợ tài chính, vật chất cho việc dạy và học; khai thác, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án do các tổ chức phi Chính phủ tài trợ. Đối tượng thụ hưởng là sinh viên, học sinh nghèo, học sinh ở vùng sâu, vùng xa.
Về việc hỗ trợ học sinh vùng nghèo, các đơn vị đã vận động tài trợ hàng chục tỷ đồng cho việc xây dựng lớp học, dụng cụ, sách vở học tập và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó của trên 80 xã khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình hoạt động, các đơn vị trực thuộc Hội Khuyến học Việt Nam cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hai năm 2020-2021, hầu hết các đơn vị trực thuộc gặp khó khăn. Nhiều đơn vị không duy trì được hoạt động hoặc phải ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian.
Hiệu quả hoạt động của một số trung tâm, đơn vị trực thuộc còn chưa cao. Một số trung tâm hoạt động có các dự án nước ngoài, nhưng chế độ báo cáo, thanh quyết toán, thẩm định các quyết toàn còn lúng túng…
Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đã thảo luận thẳng thắn về những vấn đề tồn tại, hạn chế, đồng thời kiến nghị một số nội dung.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Thị Hòe đánh giá: Thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Hội đã có những hoạt động thiết thực, có đóng góp vào công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, thậm chí khuyết điểm cần phải điều chỉnh, xử lý; Vì vậy, các đơn vị phải căn cứ các quy định pháp luật để chủ động tự khẳng định mình, phải tháo gỡ và phải thay đổi; Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tăng cường quản lý và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm...
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến hoc Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã phát biểu kết luận hội nghị. Theo đó, thời gian tới, quan điểm nhất quán của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam là quản lý chặt chẽ các đơn vị trực thuộc không phải bó chặt mà là phải bảo đảm hoạt động đúng quy định của pháp luật, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thông thoáng để các đơn vị hoạt động có hiệu quả cao hơn. Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hùng khẳng định, trong thời gian tới cần thực hiện một số việc quan trọng sau đây:
- Yêu cầu các đơn vị phải thường xuyên tham gia triển khai thực hiện theo 10 nhiệm vụ của Hội Khuyến học Việt Nam hiện nay với tư cách là đơn vị thành viên của Hội.
-Trung ương Hội sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, tiếp tục sắp xếp lại các đơn vị theo hướng gọn nhẹ, ít nhưng thực sự chất lượng, hiệu quả, thực sự phục vụ, hỗ trợ các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
-Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục, kiểm tra, rà soát, những đơn vị nào không hoạt động hiệu quả, không đủ cơ sở pháp lý sẽ buộc phải giải thể, chuyển mô hình hoạt động, hoặc không để tồn tại trực thuộc Hội Khuyến học Việt Nam...
-Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quyết định 262/QĐ/KHVN ngày 15/9/2009 cho phù hợp với yêu cầu hiện nay, vừa chặt chẽ, vừa tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc hoạt động thông thoáng và hiệu quả.
-Đặc biệt, nghiên cứu sâu và áp dụng nghiêm túc Nghị định 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam, để hướng dẫn các đơn vị thực hiện các dự án có yếu tố nước ngoài đúng quy định pháp luật và có hiệu quả.