Trung úy Lê Tuấn Thành và tinh thần hành động vì cộng đồng - Bài 1: Gieo mầm tri thức, lan tỏa yêu thương

Với người dân xã Hra (tỉnh Gia Lai), hình ảnh Trung úy Lê Tuấn Thành (sinh năm 1996) luôn tận tụy, trách nhiệm với công việc bảo vệ bình yên cho buôn làng đã trở nên gần gũi thân quen. Thế nhưng, ngoài công việc chuyên môn, người chiến sĩ công an ấy còn có một trái tim giàu lòng nhân ái, luôn nhiệt huyết sáng tạo nên nhiều mô hình, dự án, hành động tận tâm phục vụ cộng đồng, phục vụ nhân dân.

Người “gieo chữ” ở buôn làng

Năm 2023, Lê Tuấn Thành được phân công về công tác tại xã Hra, huyện Mang Yang (nay là xã Hra, tỉnh Gia Lai). Cũng từ đây, chàng trai gốc Quảng Trị đã gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số (gần 80% là người Ba Na) từ trong công việc đến đời sống thường nhật.

Trong quá trình làm việc, Thành thấy những ánh mắt ngơ ngác, những cái lắc đầu bất lực của người dân khi được hỏi về con chữ. Anh hiểu sâu, phía sau sự chân chất, hiền lành là một khoảng tối u uẩn, nơi những tờ giấy khai sinh hay đơn từ hành chính chỉ được điểm bằng dấu vân tay thô ráp. Chàng trung úy khắc khoải: “Tôi rất trăn trở và cảm thấy mình cần phải làm điều gì đó để thắp sáng con đường tri thức cho bà con”, anh trải lòng.

Được sự ủng hộ của chính quyền, anh vận động bà con đến lớp. Tuy nhiên, đây là việc hết sức khó khăn, bởi các cô chú, anh chị một phần ngại vì lớn tuổi, phần khác họ chỉ muốn nghỉ ngơi sau một ngày dài vất vả chạy theo ánh mặt trời để mưu sinh. Chưa kể, gặp không ít khó khăn về rào cản ngôn ngữ giao tiếp. Ấy vậy mà, chưa một lần Thành thoái chí. Bởi với anh được khoác lên mình màu áo đồng phục công an thì sứ mệnh “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" đã đặt trọn nơi tim mình.

Trung úy Lê Tuấn Thành (giữa) nhận khen thưởng "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" tỉnh Gia Lai năm 2025.

Trung úy Lê Tuấn Thành (giữa) nhận khen thưởng "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" tỉnh Gia Lai năm 2025.

Sau chuỗi ngày miệt mài vận động và bằng chính sự nhiệt tình của Trung úy Thành mà các mẹ, các chị đã cố gắng thu xếp việc nhà để tham gia. Thế là, “lớp học tình thương” được mở ra từ tháng 12-2023. Và, người “gieo chữ”, thắp lên ngọn lửa tri thức ấy không ai khác ngoài anh.

Kể từ đó, cứ vào mỗi tối thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, "lớp học tình thương" lại sáng đèn từ 19 giờ đến 20 giờ 30 phút. Anh chia sẻ: “Bản thân tôi chưa qua đào tạo về nghiệp vụ sư phạm. Hành trang mang theo chỉ có tinh thần tận hiến, trái tim yêu và bàn tay ấm”. Lớp học ban đầu chỉ có vài người, hữu xạ tự nhiên hương có lúc lên gần 30 học viên.

Khung cảnh lớp học hiện ra trước mắt tôi, sống động như thước phim quay chậm: Những người phụ nữ Ba Na, có người tóc điểm sương, có người địu cả con thơ đi tìm con chữ. Nhìn những em nhỏ ngủ ngon trên lưng mẹ, những người phụ nữ dạn dày sương gió nắn nót tập viết từng nét chữ đầu đời, tiếng ê a đánh vần hòa cùng tiếng gió cao nguyên, như có sức mạnh vô hình, chạm sâu vào trái tim tôi, khơi dậy một xúc cảm nghẹn ngào, lay động và tràn đầy hy vọng. Trong khoảnh khắc ấy, trong tôi chợt văng vẳng những câu hát quen thuộc từ thời học sinh: “Khi ông mặt trời đi ngủ, mẹ đến lớp bên ánh đèn...”.

Chứng kiến cảnh những người mẹ địu cả con nhỏ đến lớp học vào buổi tối muộn, sau một ngày vất vả trên nương rẫy, mới thấy hết được sự vượt khó và khát khao mở mang tri thức. Càng chứng kiến, tôi càng thêm trân trọng tấm lòng cao đẹp của người chiến sĩ công an này. "Lớp học tình thương" không chỉ đơn thuần là những buổi học chữ mà còn là nơi lan tỏa sự ấm áp, sự quan tâm, giúp bà con cảm nhận được tình người giữa cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Bác Đưi (48 tuổi, làng Kon Hoa, xã Hra, tỉnh Gia Lai), cho biết: “Thời xưa khó khăn, không đủ ăn, đủ mặc nên lo làm kiếm sống không quan tâm đến việc học. Sau này mới thấy không biết chữ rất khó khăn, làm gì tôi cũng nhờ người khác nhất là giấy tờ thủ tục, xấu hổ lắm. Từ ngày thầy Thành về làng mở lớp học, tôi đã biết đọc, biết viết tên mình, biết xem giấy tờ và không phải xấu hổ với bà con cũng như con cháu của mình”.

Năm nay, “ánh sáng văn hóa” được thắp lêm tại làng Kon Hoa, được đặt tại Phân hiệu Trường Tiểu học Hra số 1. Lớp học dao động từ 15-25 học viên. Trong lớp học của thầy Thành, có cặp vợ chồng Thun và Trănh cùng nhau đi học khiến tôi vô cùng cảm kích. “Hai vợ chồng tôi từ nhỏ đã không biết chữ vì hoàn cảnh khó khăn, không được học đến nơi đến chốn. May mắn có thầy Thành mở lớp học và hết lòng động viên nên vợ chồng tôi càng quyết tâm học. Động lực lớn nhất giúp hai vợ chồng tôi đi học là để có thêm hiểu biết, có cái chữ để giúp ích cho bản thân, cũng là tấm gương cho các con học tập theo”, Thun hào hứng chia sẻ.

 Đồng chí Lê Tuấn Thành trong một lần tham gia Ngày hội hiến máu "Giọt hồng Tây Nguyên".

Đồng chí Lê Tuấn Thành trong một lần tham gia Ngày hội hiến máu "Giọt hồng Tây Nguyên".

Qua trò chuyện với học viên, chúng tôi được biết từ khi thầy Thành về làng mở lớp học đã góp phần thay đổi nếp sống sinh hoạt của hàng chục người dân ở làng Kon Hoa và Kret Krot. Những người từng chỉ biết điểm dấu vân tay nay đã tự tin cầm bút, đọc chữ, viết tên mình. Họ không chỉ học chữ, mà còn học cách vượt qua giới hạn, học cách tin vào chính mình. Thành như chú “ong thợ” cần mẫn mang cho đời “mật ngọt”, bằng những điều giản dị xuất phát từ trái tim người chiến sĩ trẻ.

Miệt mài trao yêu thương

Trước khi về công tác tại xã Hra, Lê Tuấn Thànhtừng có thời gian công tác tại trại giam, nơi anh chứng kiến những ánh mắt khao khát cơ hội làm lại cuộc đời. Với nhãn quan sắc bén và bằng chính những trải nghiệm ấy đã hun đúc trong anh một niềm tin mãnh liệt: Tri thức và lòng nhân ái có thể làm thay đổi số phận con người.

Năm 2022, Thành và các đồng đội khởi xướng mô hình “Tủ sách thắp sáng đạo đức”, là hoa tiêu mang những “người bạn đồng hành” đến thanh lọc tâm hồn những phận đời lầm lỡ, giúp họ tìm thấy các giá trị sống tốt đẹp, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Và bảo chứng là đã có 16 trại giam và 8 trung tâm cai nghiện trên cả nước được tiếp cận với những đầu sách hay.

Thành cho biết: “Bản thân tôi lớn lên cùng sách. Mỗi trang sách luôn có những thứ khiến ta học hỏi, là nguồn cảm hứng giúp tôi thay đổi tích cực. Tôi muốn lan tỏa tinh thần ấy đến thế hệ trẻ”. Từ khát vọng ấy, anh bền bỉ vận động, quyên góp sách thiếu nhi, truyện tranh trao cho hơn 20 thư viện trường học còn thiếu thốn trong tỉnh, thậm chí vượt sóng gió đến đảo Bích Đầm xa xôi để gieo mầm tri thức. Đến nay, hơn 40.000 đầu sách các loại và hơn 5.000 phần quà đã được trao đi.

Hai năm công tác tại địa bàn xã Hra nhưng anh Thành đã đóng góp rất nhiều cho các hoạt động an sinh-xã hội ở địa phương. Với trái tim đầy yêu thương và tinh thần trách nhiệm cao, anh đã vận động nhu yếu phẩm, hỗ trợ thường xuyên cho bà con trong những dịp lễ, tết. Đặc biệt, anh kết nối với các nhà hảo tâm để xây dựng ba ngôi nhà tình thương, trao tặng những mái ấm vững chãi cho các gia đình khó khăn và quan tâm chăm lo hỗ trợ trẻ em.

 Đồng chí Lê Tuấn Thành (thứ 5, từ phải sang) trao tặng nhu yếu phẩm thường xuyên cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đồng chí Lê Tuấn Thành (thứ 5, từ phải sang) trao tặng nhu yếu phẩm thường xuyên cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Ảnh do nhân vật cung cấp

Thời gian qua, anh cùng đồng đội và Đoàn Thanh niên cơ sở tổ chức hàng loạt chương trình thiện nguyện, không chỉ trong Tháng hành động vì trẻ em mà hầu như xuyên suốt cả năm. Từ học bổng, thẻ học tiếng Anh, đồng phục, dụng cụ học tập và nhiều quà tặng khác đã được trao đến tay hàng nghìn học sinh tại Hra và các địa bàn lân cận như: Krông Pa, Chư Păh, Đức Cơ...

Trong những lần tuần tra, nhận thấy những con đường tối tăm tiềm ẩn nguy hiểm, Thành không chỉ làm tròn nhiệm vụ chuyên môn mà còn vận động lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời, mang ánh sáng đến các buôn làng, xua tan bóng tối và những mối nguy tiềm tàng. Anh trở thành cầu nối yêu thương, lan tỏa sự tử tế đến những nơi cần nhất.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Lê Thu Hà (Bí thư Đoàn xã Hra, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Đồng chí Lê Tuấn Thành là một cán bộ công an xã mẫn cán, không những làm tốt công tác chuyên môn mà còn là người tư vấn một số vấn đề về pháp luật khi bà con cần. Luôn nhiệt tình giúp đỡ người dân khi họ đến giải quyết công việc, hỗ trợ cho bà con nhân dân rất nhiều trong cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần. Người dân địa phương rất thương và quý mến anh”.

Trung úy Lê Tuấn Thành - người chiến sĩ công an bình dị nhưng có những việc làm cao cả, đã và đang viết nên câu chuyện về lòng nhân ái, về sức mạnh của tri thức, và niềm tin vào những giá trị tốt đẹp. Hành trình của anh là bảo chứng sống động rằng: Chỉ cần một trái tim biết yêu thương và một ý chí kiên định, bất kỳ ai cũng có thể gieo mầm tử tế, lan tỏa yêu thương cho cộng đồng.

(còn nữa)

ĐẶNG HOÀNG AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/trung-uy-le-tuan-thanh-va-tinh-than-hanh-dong-vi-cong-dong-bai-1-gieo-mam-tri-thuc-lan-toa-yeu-thuong-837592