Truông Bồn - Thời hoa lửa: Được tìm thấy và còn sống là điều kỳ diệu

Bà Trần Thị Thông - nữ Tiểu đội trưởng gan dạ, là nhân chứng sống duy nhất của trận mưa bom tàn khốc tại Truông Bồn (Nghệ An). Dù tuổi cao, sức đã yếu nhưng qua lời kể của cựu thanh niên xung phong, từng ký ức bi tráng, khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Truông Bồn còn vẹn nguyên.

Tuổi mười chín rực lửa ở “tọa độ chết”

Năm 1965 khi vừa tròn 19 tuổi, cô gái có dáng người nhỏ thó, mảnh mai Trần Thị Thông rời quê xã Thọ Thành (huyện Yên Thành cũ) gia nhập vào lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP). Thời điểm ấy, đất nước đang bước vào những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, Đế quốc Mỹ leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, cắt nguồn viện trợ cho miền Nam.

 Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn ngày nay.

Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn ngày nay.

“Ngày đó còn trẻ, còn khỏe nên nghe lời kêu gọi, thanh niên đều hăng hái lên đường gia nhập vào bộ đội, vào TNXP. Ai cũng bừng bừng khí thế quyết tâm, sẵn sàng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, quyết giành lại độc lập, tự do”, bà Thông nhớ lại.

Những ngày đầu, bà Thông được phân vào Đại đội 317 rồi hành quân lên huyện Tân Kỳ (cũ) làm nhiệm vụ. 2 năm đầu, bà cùng đồng đội đã có mặt ở những điểm nóng nhất của chiến tranh như: cầu Cấm, rú Đụn, Rào Gang… ngày ngày, đêm đêm, những người TNXP lại miệt mài san đường mở lối, giữ vững mạch máu giao thông cho xe ra tiền tuyến.

 Từng ký ức hào hùng lịch sử Truông Bồn vẫn còn in đậm trong nữ Tiểu đội trưởng TNXP.

Từng ký ức hào hùng lịch sử Truông Bồn vẫn còn in đậm trong nữ Tiểu đội trưởng TNXP.

Cuối năm 1966, Bà Thông được phân về Truông Bồn và làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 thuộc Đại đội 317. “Lúc đó Truông Bồn được coi là vị trí quan trọng và cũng là nơi dữ dội, đau thương nhất. Ban ngày, máy bay Mỹ ném bom thì ban đêm, chúng tôi ra mặt đường làm nhiệm vụ. Chẳng ai sợ chết cả”, bà Thông nói và nhớ lại, ngoài san lấp hố bom, đêm đến, tiểu đội của bà Thông còn được giao nhiệm vụ dẫn đường cho xe bộ đội đi qua an toàn. “Hôm thì dựng cọc, rải lá chuối đánh dấu đường. Có hôm thì chúng tôi đứng trên đường làm “cọc sống” trực tiếp hướng dẫn cho xe qua. Khi xe đi qua phải lấy lá rải để xóa vết bánh xe, tránh bị lộ”, bà Thông hồi tưởng.

Khoảnh khắc sinh tử

6h sáng ngày 31/10/1968, tiểu đội của bà Thông được nhận lệnh ra mở đường. Một ngày trước khi Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom, trời trong vắt đến lạ, tưởng như bình yên đã cận kề. Nhưng trong chớp mắt, máy bay gầm thét trên bầu trời Truông Bồn. Chưa kịp định thần, trận mưa bom trút xuống, Truông Bồn chìm trong khói lửa mịt mù.

 Vợ chồng bà Thông xem lại bức ảnh chụp tiểu đội TNXP làm nhiệm vụ ở Truông Bồn.

Vợ chồng bà Thông xem lại bức ảnh chụp tiểu đội TNXP làm nhiệm vụ ở Truông Bồn.

Khi tiếng bom vừa dứt, bộ đội, các lực lượng, người dân xung quanh vội vã chạy vào tìm kiếm nhưng vô vọng, đau thương, Truông Bồn đã nhuốm máu và nước mắt. 13/14 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi này, trong độ tuổi trăng tròn và đầy hoài bão. Nhiều người vừa nhận được giấy báo nhập học, có người đã định ngày cưới, có người mơ ước ngày về với mẹ, với cha. Vậy mà, tất cả khép lại trong buổi sáng định mệnh ấy.

Trong trận mưa bom tàn khốc, chỉ duy nhất bà Trần Thị Thông - Tiểu đội trưởng còn sống sót. Với bà, việc mình được tìm thấy và còn sống là một điều vô cùng kỳ diệu. Bởi khi công tác tìm kiếm gần như đi vào tuyệt vọng thì mọi người vô tình phát hiện một phần nòng súng nhô lên trên lớp bùn đất. Vội vã đào xuống, mọi người phát hiện bà Thông bị vùi sâu dưới lớp đất, bất tỉnh nhưng vẫn còn hơi thở. “Khi được đưa về nhà dân điều trị, may mắn có 2 người bộ đội hành quân qua biết được đã đến và chữa trị. Nhờ đó tôi mới được cứu sống”, bà Thông nhớ lại.

 Bức ảnh phục chế lại thời điểm bà Thông mới gia nhập lực lượng TNXP.

Bức ảnh phục chế lại thời điểm bà Thông mới gia nhập lực lượng TNXP.

Năm 1969, bà Thông được đơn vị cho về học nghề may. 1 năm sau, bà nên duyên cùng anh bộ đội Trường Sơn Lê Hải Diên (SN 1941) và trở về sinh sống, lập nghiệp tại phường Thành Vinh (Nghệ An). Ở tuổi 79, bà Thông sống vui vầy, khỏe mạnh cùng chồng và con, cháu. Những năm trước còn khỏe mạnh, mỗi dịp đến ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), ngày kỷ niệm Chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968), bà lại được người thân, con cháu chở lên Truông Bồn thắp nén tâm hương cho 13 đồng đội đã hy sinh.

“Giờ sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. Chẳng muốn gì hơn chỉ mong có sức khỏe để hằng năm về lại Truông Bồn, thắp cho mỗi người một nén hương, vậy là toại nguyện”, bà Thông nói rồi hướng ánh mắt xa xăm hồi tưởng những ngày còn là TNXP cùng đồng đội vào sinh ra tử, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vì độc lập tự do.

Trong chiến tranh, Truông Bồn là huyết mạch giao thông để vận chuyển quân lương, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1964 đến 1968, không quân Mỹ đã trút xuống Truông Bồn 18.936 quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa, rốc-két, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến. 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sĩ TNXP Đại đội 317.

Ngọc Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/truong-bon-thoi-hoa-lua-duoc-tim-thay-va-con-song-la-dieu-ky-dieu-post1762084.tpo