Trungnam Group thoát hiểm ở nhà máy điện mặt trời Ninh Thuận

Sau khi chủ đầu tư kêu cứu Thủ tướng, EPTC ra thông báo tiếp tục mua điện phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện Trung Nam – Thuận Nam tại Ninh Thuận.

Từ chỉ đạo của Bộ Công thương, cũng như cam kết, kiến nghị của chủ đầu tư, việc cắt giảm phần công suất điện (do chưa có cơ chế giá điện) đã phải tạm dừng nhằm đảm bảo khả năng duy trì hoạt động, vận hành hệ thống đồng thời tránh nguy cơ phá sản doanh nghiệp.

Từ chỉ đạo của Bộ Công thương, cũng như cam kết, kiến nghị của chủ đầu tư, việc cắt giảm phần công suất điện (do chưa có cơ chế giá điện) đã phải tạm dừng nhằm đảm bảo khả năng duy trì hoạt động, vận hành hệ thống đồng thời tránh nguy cơ phá sản doanh nghiệp.

Công ty Mua bán điện (EPTC) vừa có văn bản thông báo về việc chưa thực hiện dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam kể từ 0h00 ngày 5/3/2022.

Thông báo trên của EPTC được đưa ra sau khi đơn vị này nhận được các văn bản của chủ đầu tư nhà máy điện mặt trở Trung Nam - Thuận Nam, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 về việc “đề nghị tiếp tục huy động phần công suất chưa có cơ chế giá điện" của những nhà máy điện này.

Các chủ đầu tư cho biết đang phối hợp với các cơ quan nhà nước xác định cơ chế giá đối với phần công suất chưa có cơ chế giá của nhà máy điện và dự kiến được ban hành trong tháng 3/2022.

Mặc dù tiếp tục khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá để tránh nguy cơ phá sản doanh nghiệp, nhưng các chủ đầu tư cũng chấp nhận không yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán tiền điện khi giá điện chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cam kết không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện.

Trungnam Group là chủ đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam tại Ninh Thuận với công suất 450MW kết hợp trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối.

Dự án có tổng vốn đầu tư là 11.814 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư là 30% và vốn vay là 70%. Riêng công trình hạ tầng truyền tải 500kV được Trungnam Group tự đầu tư và bàn giao lại cho EVN quản lý, vận hành với chi phí 0 đồng. Được biết, dự án đã hoàn thành, đưa vào vận hành đồng bộ từ tháng 10/2020.

Tuy nhiên, trong khoảng 16 tháng kể từ thời điểm vận hành tới nay, dự án không đảm bảo doanh thu do một phần công suất nhà máy chưa được xác định cơ chế giá bán điện. Cũng theo chủ đầu tư, phần công suất này vẫn được huy động nhưng chưa được thanh toán, khiến Trungnam Group gặp nhiều khó khăn và chịu áp lực rất lớn trong hoàn trả nợ vay theo phương án tài chính của dự án.

3 nhà máy điện mặt trời quy mô lớn sắp bị dừng một phần công suất

Tháng 9 - 10/2021, EVN kiến nghị Bộ Công thương và Thủ tướng cho phép dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của các nhà máy điện mặt trời Trung Nam, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 cho đến khi có uyết định của Thủ tướng về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000MW tại tỉnh Ninh Thuận.

Còn chỉ đạo của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo ngày 15/10 cũng nêu rõ: “Theo nội dung tại văn bản số 5441/EVN-TTĐ nêu trên, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư các dự án điện mặt trời. Đề nghị EVN thực hiện theo hợp đồng mua bán điện đã ký và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành”.

Ngày 23/11/2021, tại cuộc họp với Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Trung Nam) và Công ty CP Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận (chủ đầu tư Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3), EVN thông báo sẽ dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của các nhà máy nêu trên cho đến khi có quyết định của Thủ tướng về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000MW tại tỉnh Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group cho biết doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc thu xếp tài chính để trả nợ vay ngân hàng cũng như bố trí nguồn kinh phí để vận hành, duy trì hoạt động của hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam.

Do đó, để đảm bảo lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng và Bộ Công thương có ý kiến chỉ đạo EVN ưu tiên khai thác toàn bộ công suất của dự án. Đối với phần công suất hơn 172MW chưa xác định giá, tiếp tục huy động, ghi nhận sản lượng, việc thanh toán phần sản lượng điện đã huy động cần được thực hiện sau khi có cơ chế giá bán điện được Thủ tướng ban hành.

Lãnh đạo Trungnam Group cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét và ban hành quyết định sửa đổi Quyết định 13, bổ sung cơ chế giá bán điện 7.09 Uscent/kWh đối với phần công suất nhà máy điện mặt trời ngoài phạm vi 2.000MW tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng đã COD trước ngày 31/12/2020, đồng thời cho phép hồi tố để thực hiện thanh toán phần công suất đã được huy động và ghi nhận sản lượng.

Nguyễn Cảnh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/trungnam-group-thoat-hiem-o-nha-may-dien-mat-troi-ninh-thuan-1646468315236.htm