Trước diễn biến của dịch Covid-19: Xử lý nghiêm vi phạm để bình ổn thị trường
Thời gian qua, những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới thị trường hàng hóa. Trước tình hình trên, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cùng lực lượng quản lý thị trường đã tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu và thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh, góp phần bình ổn thị trường.
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra mặt hàng khẩu trang tại trung tâm dược trên phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân.
Ngăn ngừa hành vi gian lận
8h sáng 16-3, ngay khi siêu thị Big C Hà Đông bắt đầu mở cửa cũng là lúc anh Lưu Đức Hà, kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) có mặt. “Nhiệm vụ của chúng tôi là giám sát, kiểm tra việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, tăng giá. Tuy nhiên, theo ghi nhận, lượng hàng hóa tại siêu thị rất dồi dào, người dân có thể thoải mái mua sắm”, anh Hà cho biết.
Cùng với anh Lưu Đức Hà, từ ngày 7-3 vừa qua, hơn 500 công chức, kiểm soát viên của 30 đội quản lý thị trường toàn thành phố đã liên tục bám sát các siêu thị, chuỗi bán lẻ, chợ (bao gồm cả chợ cóc, chợ tạm) nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Sau một số ngày thị trường xáo trộn cục bộ do diễn biến mới của dịch Covid-19, với sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành, tình hình cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu đã ổn định. Tuy nhiên, cũng do tác động của dịch bệnh, một số mặt hàng chống dịch khan hiếm, nên nhiều đối tượng đã lợi dụng kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) Hoàng Đại Nghĩa cho biết, mới đây, qua quá trình kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1 đã thu giữ tại một số nhà thuốc hàng trăm chai cồn có dấu hiệu làm giả. Bóc gỡ các đầu mối, đội đã phát hiện Công ty TNHH Dược phẩm Cường Thủy (địa chỉ xã Vân Tảo, huyện Thường Tín) là nơi sản xuất số hàng này. Sản phẩm cồn của doanh nghiệp này được giám định 2 lần đều cho kết quả là hàng giả có thành phần methanol rất độc hại. Vụ việc đã được chuyển cơ quan công an điều tra để xử lý nghiêm minh.
Hay như, Đội Quản lý thị trường số 15 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Hoàng Mai) đã kiểm tra, phát hiện 20.000 chiếc khẩu trang không có hóa đơn chứng từ hợp lệ tại nhà BT04 - TT1A Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai… Số hàng này đã được lực lượng chức năng thu giữ, xử lý theo quy định.
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho thấy, với các mặt hàng phòng, chống dịch bệnh, từ ngày 31-1 đến nay, các đội quản lý thị trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát 250 trường hợp, xử lý 211 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hơn 604 triệu đồng, thu giữ hơn 900 nghìn chiếc khẩu trang, gần 10 nghìn chai dung dịch sát khuẩn, 285 thẻ đeo diệt vi rút, 35.000 đôi găng tay y tế, 454 nhiệt kế điện tử…
Kiểm chặt, soát kỹ thị trường
Ông Nguyễn Đình Ngọ, Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) nhận định, diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn còn tăng cao, nên khả năng các đối tượng lợi dụng tình hình để buôn lậu, làm giả mặt hàng này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. “Chắc chắn thủ đoạn, hành vi vi phạm cũng sẽ ngày càng tinh vi, vì vậy việc kiểm tra, kiểm soát và sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng càng phải chặt chẽ hơn”, ông Nguyễn Đình Ngọ nói.
Theo Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) Dương Ngọc Viện, kiểm soát cung - cầu, nguồn gốc, chất lượng hàng hóa… là nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng quản lý thị trường. Song, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp có nguy cơ tác động mạnh tới thị trường, nhất là với các mặt hàng thiết yếu và thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh, đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường phải thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa. “Chúng tôi đề ra mục tiêu bóc gỡ, ngăn chặn tận gốc các hành vi vi phạm sản xuất, kinh doanh vật tư y tế để xử lý triệt để. Tùy tính chất vụ việc có thể đề xuất cơ quan công an điều tra, xử lý hình sự để bảo đảm tính răn đe”, ông Dương Ngọc Viện khẳng định.
Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm tra, ứng trực, giám sát tại các địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng dịch bệnh để mua gom, đầu cơ, tăng giá, định giá mua, bán bất hợp lý các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, lương thực, thực phẩm. Cùng với đó, các kiểm soát viên tại cơ sở tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh ký cam kết không tăng giá các mặt hàng này. Ngoài ra, Cục cũng đẩy mạnh giám sát việc kinh doanh vật tư, thiết bị y tế nói riêng, hàng hóa nói chung trên môi trường mạng.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên thông tin: “Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, chúng tôi rất cần sự chung tay của người dân trong việc tố giác hành vi gian lận thương mại. Bên cạnh đó, người dân cũng nên cẩn trọng, lựa chọn các địa chỉ, trung tâm có uy tín khi mua hàng hóa”.