Trước làn sóng Covid-19 thứ 5, một số nước châu Âu tính đến chuyện tái phong tỏa
Một số nước châu Âu đã bắt đầu tái áp đặt các biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế nghiêm ngặt hơn nhằm đối phó với sự tăng mạnh số ca mắc Covid-19 .
Dù có tỷ lệ tiêm chủng vượt trội, song châu Âu lại đang đứng trước nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 5 nghiêm trọng khi gần một nửa trên tổng số 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu có diễn biến dịch bệnh “rất đáng lo ngại” theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật châu Âu.
Hà Lan hôm nay (13/11) đã trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên phải áp đặt trở lại một số biện pháp phong tỏa khi tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 tăng cao trở lại trong những tuần gần đây, lên tới 720 ca/100.000 dân. Theo đó, các quán bar, nhà hàng và cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa trước 20h. Các sự kiện thể thao phải diễn ra mà không có khán giả, trong khi người dân được khuyến khích làm việc tại nhà. Thống kê của Viện Y tế Hà Lan cho thấy, khoảng 55% trong số các bệnh nhân nhập viện tại nước này và 70% trong số những người phải điều trị tích cực là chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đầy đủ. Theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, đây là một biện pháp khó khăn nhưng cần thiết:
"Hôm nay, tôi xin thông báo một thông điệp rất khó chịu với tất cả chúng ta về việc tái áp dụng các biện pháp phong tỏa sâu rộng, những biện pháp mà chúng tôi đã thảo luận một cách sâu sắc và mất rất nhiều thời gian trong những ngày qua, bởi chúng đụng chạm đến rất nhiều lợi ích khác nhau. Bắt đầu từ ngày 13/11, chúng ta sẽ phải đóng cửa bắt buộc đối với các quán bar, nhà hàng, cửa hiệu và mọi thứ thuộc các dịch vụ không thiết yếu”.
Không chỉ Hà Lan, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang cân nhắc những biện pháp mạnh mẽ hơn để đối phó với làn sóng dịch bệnh mới, đặc biệt là đối với những người đủ điều kiện nhưng từ chối tiêm chủng. Trong khi Chính phủ Áo thừa nhận việc áp dụng biện pháp phong tỏa với người chưa tiêm vaccine “có khả năng trở nên không thể tránh được”, thì Latvia, một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong Liên minh châu Âu (57% dân số), đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe. Những người chưa được tiêm phòng chỉ được phép mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm trong các cửa hàng được chỉ định.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tử vong do Covid-19 tại châu Âu tăng 10% trong tuần qua. Khu vực này một lần nữa trở thành “tâm dịch của thế giới”, đặc biệt là ở Đông Âu, nơi tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp. Tuy vậy, một số nước Tây Âu như Đức và Anh cũng đang nằm trong danh sách quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới.
Làn sóng dịch hiện nay được cho là chủ yếu đến từ việc nhiều người chưa tiêm vaccine và nới lỏng các biện pháp hạn chế, cũng như sự suy giảm miễn dịch ở những người được tiêm từ nhiều tháng trước. Nhiều quốc gia vẫn đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh mà không cần tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.
Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, điều này vẫn có thể đạt được nếu tỷ lệ tiêm chủng được nâng cao tại khắp nơi trên thế giới, kết hợp với việc duy trì các công cụ phòng dịch cần thiết:
“Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị việc sử dụng phù hợp và tương xứng với xét nghiệm, khẩu trang, cân bằng thể chất, các biện pháp để ngăn chặn tình trạng đông đúc, cải thiện hệ thống thông gió và tiêm phòng khi đến lượt. Mỗi quốc gia phải liên tục đánh giá tình hình và điều chỉnh phương pháp tiếp cận cho phù hợp, tìm được sự cân bằng giữa việc giảm lây truyền và mở cửa xã hội và nền kinh tế”./.