Trước mùa giải mới: Nhờ đâu Champions League trở thành 'ông trùm' của mọi giải đấu cấp CLB?
Chúng ta đều yêu Champions League, ai cũng đã từng trốn bố mẹ để thức khuya xem các trận đấu Champions League trong lo sợ. Tuy nhiên, ít ai trong chúng ta biết được làm thế nào giải đấu này trở thành một trong những 'siêu giải đấu' hàng đầu thế giới. Vậy, làm thế nào Champions League trở thành một biểu tượng và là 'Con gà đẻ trứng vàng' của bóng đá Châu Âu? Hy vọng bài viết dưới đây sẽ phần nào làm sáng tỏ thắc mắc kể trên trong mỗi chúng ta.
Những thống kê "khủng" của Champions League.
Ở thời điểm kỳ Euro 1992 đang diễn ra ở Thụy Điển, UEFA đã công bố cho thế giới bóng đá một kế hoạch mang tính “bước ngoặt” của bóng đá Châu Âu: một giải đấu mới với thể thức mới, cùng với đó là một cái tên “hào nhoáng” hơn: Champions League, trong tiếng Anh có thể hiểu là “giải đấu của những nhà vô địch”.
Các kế hoạch đã bắt đầu được vạch ra, các bước cuối cùng của chiến dịch quảng bá cho giải đấu mới đang được gấp rút tiến hành. Tuy nhiên, giải đấu này vẫn còn thiếu một điều, đó là một biểu tượng cho giải đấu.
Sau nhiều lần phác thảo rồi thống nhất với giới lãnh đạo của UEFA thời điểm đó, Craig Thompson, cựu giám đốc điều hành của hãng marketing TEAM, đã tìm ra được biểu tượng mới cho Champions League, đó là biểu tượng một quả bóng được cấu thành từ rất nhiều ngôi sao - một biểu tượng đã in dấu vào tâm khảm của bất cứ con tim yêu bóng đá nào trên thế giới.
Hồi tưởng lại quá trình tạo ra logo này với The Athletic, Craig Thompson chia sẻ: "Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày tôi giao phác thảo biểu tượng Champions League cho Lennart Johannson, Chủ tịch UEFA thời điểm đó, và Gerhard Aigner, Tổng thư ký. Ngày hôm đó, chúng tôi đã nhìn vào phác thảo biểu tượng, sau đó, nhìn lẫn nhau. Ngay sau đó, chúng tôi đều thống nhất với nhau: “Đây rồi”. Hiếm khi có chuyện các bên thống nhát với nhau một cách nhanh chóng đến như vậy, nhất là với việc thiết kế một biểu tượng thương hiệu, một phần vì ai cũng có ý kiến riêng của mình. Nhưng ngày hôm đó, tất cả chúng tôi đều thống nhất với nhau một cách nhanh chóng".
Kể từ khi được trình làng vào năm 1992, biểu tượng quả bóng được tạo thành từ các ngôi sao, được phác thảo bởi nhà thiết kế Phil Clements, cùng với đó là bản “thánh ca” mang tên “Die Meister! Die Besten!” (Những nhà vô địch! Những hảo thủ hàng đầu-ND), được viết bằng ba thứ tiếng Anh, Đức và Pháp, đã trở thành những biểu tượng bất hủ của một giải đấu đã đem về lợi nhuận hằng năm lên tới hơn 4,3 tỷ Euro cho UEFA.
Để có thể thấy được mức độ phát triển của Champions League trong vòng 32 năm kể từ ngày giải đấu này được UEFA “trình làng” thế giới bóng đá tới nay, chúng ta cần phải nhìn vào mức tiền thưởng của giải đấu này. Cụ thể, theo thống kê của The Athletic, ở mùa giải đầu tiên của Champions League, mùa giải 1992-1993, giải thưởng cho nhà vô địch là 38 triệu Francs Thụy Sĩ, tính theo thời giá tiền Bảng bây giờ là 34 triệu Bảng. Còn ở thời điểm hiện tại, nhà vô địch của Champions League mùa này sẽ được nhận mức thưởng lên tới 136 triệu Bảng, tức tăng lên tới 20 lần trong vòng 32 năm.
Một thống kê khác cũng cho thấy tốc độ phát triển chóng mặt của Champions League trong vòng 32 năm qua đó là tiền bản quyền truyền hình. Cụ thể, theo The Athletic, tiền bản quyền truyền hình trong vòng 3 mùa giải Champions League của hai hãng truyền hình TNT Sports và Amazon Prime đã lên đến 1,4 tỷ Bảng ở thị trường Vương Quốc Anh. Trong khi đó, ở thị trường Mỹ, con số này lên tới 250 triệu USD, tức 190 triệu Bảng một mùa, cao hơn tới 150 triệu USD so với mùa trước đó.
Dan Haddad, trưởng bộ phận thương mại của Octagon, một cơ quan chuyên trách về thể thao, giải trí và âm nhạc, đã đưa ra một nhận định có thể khiến những ai yêu bóng đá cấp độ đội tuyển quốc gia cảm thấy phật lòng, đó là bóng đá cấp độ đội tuyển quốc gia, đặc biệt là World Cup, đang dần bị lấn át bởi những giải đấu cấp độ CLB như Champions League. Cụ thể, ông chia sẻ với The Athletic: "Dù ở thời điểm hiện tại, World Cup vẫn là giải đấu được nhiều người theo dõi nhất thế giới, nhưng các trận đấu cấp CLB đã hoàn toàn lấn át các trận đấu cấp độ đội tuyển quốc gia ở góc độ thương mại. Giờ đây, Champions League đã trở thành một thứ không thể thiếu trong cuốn lịch bóng đá của NHM môn thể thao này, bởi đây là nơi tranh tài của các CLB hàng đầu Châu Âu cũng như thế giới".
Một điều khác cũng được Dan Haddad nêu ra để chứng minh cho tầm ảnh hưởng của Champions League lên bóng đá thế giới đó là việc FIFA quyết định nâng số đội tham dự FIFA Club World Cup lên thành 32 đội, đồng thời, đưa giải đấu này trở thành một giải đấu 4 năm một lần như World Cup cấp độ ĐTQG. Theo Haddad, nhờ thành công của Champions League mà FIFA dần nhận ra tầm quan trọng của bóng đá cấp độ CLB, điều mà tổ chức này chưa từng nghĩ đến trong quá khứ. Cụ thể, ông chia sẻ: “FIFA đang dần cho thấy ý định”xâm chiếm" mảnh đất bóng đá cấp CLB với Club World Cup. Có lẽ, cơ quan này đang dần nhận ra rằng nếu họ không chú ý tới bóng đá cấp độ CLB, lợi nhuận thương mại hằng năm của họ sẽ bị sụt giảm đi rất nhiều".
Tàn nhẫn và luôn làm mới mình để tồn tại.
Cũng trong buổi phỏng vấn với The Athletic, Dan Haddad cũng nêu ra một dẫn chứng khác để chứng minh cho việc Champions League đang dần trở thành một con “quái vật” bất khả chiến bại của làng bóng đá thế giới, đó là cho đến nay, chưa một ai có thể tạo ra một giải đấu đủ mạnh để thách thức giải đấu hàng đầu Châu Âu cũng như thế giới này. Cụ thể, ông chia sẻ: “Minh chứng lớn nhất cho thành công của Champions League đó là cho tới nay chưa ai có thể tạo ra một giải đấu đủ mạnh để thay thế nó”.
Đúng như nhận định của Dan Haddad, cho tới nay, làng bóng đá Châu Âu vẫn chưa thể tạo ra một giải đấu đủ lực để thay thế UEFA Champions League. Tuy nhiên, trưởng bộ phận của Octagon có lẽ đã bỏ qua một nguyên nhân khác khiến Champions League vẫn là “độc cô cầu bại” ở cấp độ CLB, đó là do sự “tàn nhẫn” của những người đứng sau giải đấu này, đó là Liên đoàn Bóng đá Châu Âu.
Như chúng ta đã biết, cách đây 3 năm, các ông chủ của các CLB hàng đầu Châu Âu đã nghĩ đến việc thành lập một siêu giải đấu để “thách thức” quyền lực của UEFA Champions League, một “siêu giải đấu” mà ở đó các ông lớn sẽ được đối đầu với nhau hằng tuần thay vì phải thi đấu với những đội bóng “cửa dưới” của bóng đá Châu Âu. Đương nhiên, UEFA không thể chấp nhận sự tồn tại của một “kẻ thách thức” như Super League, vì vậy, cơ quan quyền lực nhất bóng đá Châu Âu, bằng quyền lực và tiềm lực của mình, đã tìm đủ mọi cách để “triệt tiêu” giải đấu này trước khi nó “thành hình”. Đương nhiên, UEFA là kẻ chiến thắng trong “cuộc chiến” không cân sức này với giới chủ của các đội bóng hàng đầu Châu Âu.
Một lý do khác cũng khiến Champions League trở thành “con quái vật” không thể bị đánh bại trong làng bóng đá cấp CLB, đó là UEFA luôn cố gắng làm mới giải đấu này. Có thể thấy rõ điều đó qua việc giải đấu này đã quyết định thay đổi thể thức 32 đội đá vòng bảng đầy nhàm chán trước đây để thay thế bằng một thể thức thới mang tên “thể thức Thụy Sĩ” (Swiss Model-ND), đồng thời, nâng số đội lên thành 36 đội, qua đó, mở ra cơ hội cho những anh chàng lính mới như Aston Villa, Bologna, hay Girona, những đội bóng đã khiến NHM bóng đá Châu Âu bất ngờ với sự tiến bộ của họ ở mùa giải trước.
Đương nhiên, sẽ có nhiều ý kiến phản đối thể thức mới này của UEFA, nhưng với NHM bóng đá thế giới, việc nâng số đội, cùng với đó là việc đổi thể thức thi đấu của Champions League, đã cho thấy vì sao Champions League, cùng với đó là những người anh em của giải đấu này như UEFA Europa League hay UEFA Europa Conference League, sẽ luôn là những giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh ở cấp độ CLB và là niềm mơ ước của rất nhiều tài năng bóng đá trên toàn thế giới.
KDNX
Nguồn tư liệu, hình ảnh: The Athletic, UEFA, Sportcal, Internet...