Trước ngày gặp ông Trump, ông Tập Cận Bình phê phán chủ nghĩa bảo hộ
Một ngày trước cuộc gặp Tổng thống Mỹ bên lề thượng đỉnh G20, Chủ tịch Trung Quốc có những phát biểu được cho là ngầm chỉ trích Mỹ...
Sáng 28/6, lãnh đạo các nước thành viên nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) đã bước vào kỳ họp thượng đỉnh tại Osaka, Nhật Bản.
Vào sáng mai (29/6) theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp bên lề hội nghị này. Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo được kỳ vọng sẽ giúp xuống thang phần nào cuộc chiến thương mại căng thẳng đã kéo dài hơn 1 năm qua giữa Washington và Bắc Kinh.
Một ngày trước cuộc gặp quan trọng nói trên, ông Tập sáng thứ Sáu đã có những phát biểu được cho là ngầm chỉ trích Mỹ.
Theo hãng tin Bloomberg, phát biểu tại một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Phi trước khi thượng đỉnh G20 chính thức bắt đầu, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lên án chủ nghĩa bảo hộ và "những hành động bắt nạt".
"Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đặt lợi ích của riêng mình lên trên hết, gây ảnh hưởng đến lợi ích của nước khác đều không được chấp nhận", ông Tập nói.
Tờ Wall Street Journal ngày thứ Năm dẫn nguồn thạo tin nói rằng khi ông Trump, ông Tập sẽ đưa ra các điều kiện mà Bắc Kinh muốn Washington phải đáp ứng để hai bên có thể đi đến một thỏa thuận kết thúc chiến tranh thương mại. Trong đó, Trung Quốc muốn vấn đề Huawei phải là một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung nếu có.
Về phần mình, ông Trump sáng thứ Sáu đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông Trump nói với các nhà báo rằng ông hy vọng sẽ sớm công bố những thỏa thuận thương mại "rất lớn" giữa Mỹ với Nhật Bản và Mỹ với Ấn Độ.
"Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có một số thứ rất lớn để công bố. Thỏa thuận thương mại rất lớn", ông Trump nói.
Từ khi lên cầm quyền, ông Trump không chỉ gây căng thẳng trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, mà với cả Nhật Bản và Ấn Độ. Ông đã dọa áp thuế lên xe hơi Nhật Bản và đã chấm dứt ưu đãi thuế quan GSP đối với hàng hóa Ấn Độ, dẫn tới việc New Delhi áp thuế lên hàng chục mặt hàng Mỹ để trả đũa.
Giới quan sát không kỳ vọng ông Trump và ông Tập ký kết một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại trong lần gặp này, mà khả năng cao nhất là hai nhà lãnh đạo sẽ nhất trí tiếp tục đàm phán. Trước khi tới Nhật Bản, ông Trump đã nhiều lần cảnh báo rằng nếu cuộc gặp giữa ông với ông Tập không đạt tiến bộ nào, thì ông sẽ ngay lập tức áp thuế lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin CNBC rằng các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang bất đồng xung quanh yêu cầu của Bắc Kinh về "một thỏa thuận cân bằng". Theo nguồn tin, Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer đã nói với các quan chức Trung Quốc rằng sự cân bằng mà Bắc Kinh đòi hỏi là không thể bởi Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua đã có những hành vi thương mại bất bình đẳng với Mỹ. Trong đó, ông Lighthizer nhấn mạnh việc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ.
Nguồn tin nói, trong một cuộc điện đàm vào ngày thứ Hai, ông Lighthizer đã bác bỏ ý tưởng thỏa thuận thương mại "cân bằng" mà Trung Quốc đưa ra.