Trước nhiều tranh cãi, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thảo luận về cách tiếp cận vaccine toàn cầu

Theo sáng kiến của Anh, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lên kế hoạch thảo luận về tình trạng tiếp cận các loại vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vào ngày 17/2 tới.

Trước nhiều tranh cãi, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thảo luận về thách thức tiếp cận vaccine toàn cầu. (Nguồn: The Wire)

Trước nhiều tranh cãi, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thảo luận về thách thức tiếp cận vaccine toàn cầu. (Nguồn: The Wire)

Cuộc thảo luận về vaccine được dự báo sẽ đề cập đến nhiều vấn đề bất đồng lớn giữa các nước thành viên.

Trong số các vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận có việc làm thế nào để phân phối vaccine công bằng, trong bối cảnh các nước giàu có ở Bắc bán cầu đang được nhận vaccine trước tiên trong khi các nước ở Nam bán cầu đang trong cảnh không có vaccine.

Một vấn đề khác liệu lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại 15 quốc gia, cùng với các nhân viên khác của LHQ được triển khai trên thế giới có nên được xếp vào diện các lao động chính và được ưu tiên tiêm vaccine hay không, kể cả ở những nước chưa có vaccine. Và trong trường hợp này, ai sẽ cung cấp vaccine cho họ: LHQ, các quốc gia cử các binh sĩ hay đất nước mà họ được điều động đến gìn giữ hòa bình?

Nhận định về việc này, một đại sứ tại LHQ khẳng định: "Vaccine và việc tiêm phòng thực sự không phải là công việc của HĐBA".

Sự can dự trực tiếp duy nhất của HĐBA trong dịch Covid-19 diễn ra vào tháng 7/2020, sau nhiều cuộc thảo luận kéo dài và khó khăn nhằm giải quyết căng thẳng Mỹ - Trung.

HĐBA thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước ngừng công kích nhau để tập trung ngăn chặn sự lây lan của dịch. Gần đây, Anh đã lan truyền tới một số nước bản dự thảo nghị quyết về cách thức quản lý vaccine.

Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại LHQ, Olof Skoog cho biết việc tiêm phòng "là thách thức lớn hiện nay", "vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi mọi người được tiêm phòng đầy đủ".

Theo ông Skoog, EU đã đóng góp vào việc tạo ra sáng kiến Cơ chế Tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) dưới sự điều tiết của LHQ, nhằm cung cấp ít nhất 2 tỷ liều trong năm nay, trong đó dành ít nhất 1,3 tỷ liều cho 92 quốc gia có thu nhập thấp.

Ông Skoog cũng nhận định các cuộc đàm phán về một nghị quyết của HĐBA sẽ "rất phức tạp".

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã liên tiếp nhắc lại lời cảnh báo rằng trong bối cảnh virus và các biến thể của SARS-CoV-2 đang lây lan khắp thế giới, an ninh toàn cầu chỉ có thể được đảm bảo khi mọi người được bảo vệ như nhau.

Ngày 12/2, tại phiên thảo luận của Nhóm bạn bè về Gìn giữ hòa bình về sáng kiến Hành động vì Gìn giữ hòa bình (A4P) của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và vaccine phòng ngừa Covid-19, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh sự cần thiết của chương trình tiêm vaccine cho nhân viên gìn giữ hòa bình, nhất là các đối tượng dễ bị lây nhiễm như các nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện dã chiến, các lực lượng hoạt động tại những vùng có mức độ lây nhiễm cao.

(theo TTXVN, UN News)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truoc-nhieu-tranh-cai-hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-se-thao-luan-ve-cach-tiep-can-vaccine-toan-cau-136648.html