Trước thềm Ngoại trưởng Mỹ thăm Kiev, hé lộ mục tiêu 'tối thượng' của Tổng thống Ukraine

Vị thế của Ukraine, nằm trong vùng tranh chấp ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây, khiến sự chú ý từ Mỹ là một yếu tố quan trọng cho chính giới Kiev.

Những cuộc gặp gỡ thậm chí là chụp ảnh cùng các quan chức cấp cao của Mỹ luôn nhận mang nhiều ý nghĩa đối với giới lãnh đạo Ukraine. Trong trường hợp của Tổng thống Ukraine Volodymy Zelensky, mục tiêu cao nhất chính là một cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Donald Trump tại Nhà Trắng. Còn đối với các quan chức cấp thấp hơn, chỉ cần được chụp ảnh với một nhân vật có ảnh hưởng của Mỹ cũng sẽ tương đương với một cơ hội cho sự nghiệp chính trị, thậm chí là "hình ảnh thu nhỏ của thành công" như một cựu quan chức Ukraine từng chia sẻ gần đây.

Và khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có chuyến công du tới Kiev vào thứ sáu (31/1), các nhà lãnh đạo Ukraine đang tìm kiếm những dấu hiệu về một cuộc gặp gỡ giữa hai ông Zelensky và Trump.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tháng 1/2020 (ảnh: getty)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tháng 1/2020 (ảnh: getty)

Theo những gì cựu đặc phái viên đặc biệt của Mỹ tại Ukraine Kurt Volker khai trong các cuộc điều trần tại Hạ viện, trong một họp tại Phòng Bầu Dục vào tháng 5/2019, không lâu sau khi ông Zelensky trúng cử, Tổng thống Trump nói người Ukraine "đều tham nhũng, đều là những người kinh khủng" và muốn "hạ bệ tôi".

Làm yên lòng ông Trump là một sứ mệnh quan trọng cho Tổng thống Zelensky. Cựu diễn viên hài tranh cử Tổng thống dựa trên những cam kết về việc chấm dứt tình trạng tham nhũng nghiêm trọng của Ukraine cũng như kết thúc cuộc chiến tranh với lực lượng li khai ở vùng Donbass.

Tuy nhiên, tờ The Washington Post nhận định, các tín hiệu cho Ukraine có vẻ như không quá lạc quan.

Ông Volker vẫn chưa có người thay thế sau khi từ chức vào tháng 9. Cũng không có tin tức bổ nhiệm vào vị trí đại sứ Mỹ tại Ukraine vốn bị bỏ trống do bà Marie Yovanovitch bị cách chức. Hơn thế nữa, một sự im lặng bất thường đang bao phủ lên mối quan hệ Mỹ-Ukraine trong bối cảnh Thượng viện Mỹ đang tiến hành phiên tòa liên quan tới cáo buộc ông Trump gây sức ép lên Kiev để điều tra đối thủ chính trị Joe Biden và con trai Hunter Biden.

Thêm một dấu hiệu xấu xuất hiện trong tuần trước. Phóng viên Mary Louise Kelly của đài NPR kể lại, khi được hỏi về tình hình Ukraine và đại sứ Yovanovitch, Ngoại trưởng Pompeo đã tỏ ra tức giận và hỏi vặn lại, liệu người Mỹ có quan tâm tới Ukraine hay không.

Nội dung các phiên điều trần tiết lộ, chính Volker là người tham gia vào các cuộc thương lượng từ hè năm ngoái với cố vấn của Tổng thống Zelensky Andriy Yermak về việc Kiev công bố điều tra hai cha con Biden để đổi lấy một cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng.

Hôm thứ ba (28/1), ông Volker kêu gọi Ngoại trưởng Pompeo đưa ra một ngày cụ thể cho cuộc gặp gỡ giữa hai tổng thống nhân chuyến công du tới Ukraine.

"Chuyến thăm của ông Pompeo tới Ukraine là cơ hội quan trọng để rốt cuộc biến nó thành sự thực", ông Volker viết trên tạp chí Foreign Policy. Ông cũng đánh giá, Tổng thống Zelensky là cơ hội tốt nhất để Ukraine đối phó với nạn tham nhũng, thực hiện cải cách và chống lại ảnh hưởng từ Nga.

Hồi tháng 12, cố vấn Yermak nói với tạp chí Time rằng, một cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng sẽ gửi đi thông điệp rằng, sự lãnh đạo mới của ông Zelensky đã đã được nhiều thành tựu.

Ukraine được nhìn nhận là sự đối trọng chủ chốt đối với quyền lực của Nga trong khu vực. Không chỉ phụ thuộc vào viện trợ quân sự từ Mỹ, Kiev đang đối mặt với cuộc chiến tranh chống lại lực lượng li khai tại miền đông, đồng thời vẫn chưa thoát khỏi những mất mát từ việc bán đảo Crimea bị sáp nhập vào Nga năm 2014.

Giới tinh hoa chính trị Ukraine tỏ ra cực kỳ lo ngại trước tình trạng xuống dốc của quan hệ Washington–Kiev sau các phiên điều trần luận tội.

Theo ông Volker, thậm chí ngay cả khi Pompeo đem tới tin tức tích cực về một cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng, tiêu điểm gần như chắc chắn sẽ dồn vào việc liệu ông Zelensky có đem lại điều gì tốt đẹp cho Washington hay không.

Tổng thống Zelensky liên tục phủ nhận cáo buộc phải chịu áp lực từ người đồng cấp Trump để mở điều tra nhà Biden trong cuộc điện đàm vào ngày 25/7.

"Rõ ràng chuyến thăm này [của ông Pompeo] có một cấu thành chính trị và tâm lý ý nghĩa, kết nối với cuộc điều tra luận tội tại Mỹ", ông Makar Taran, một chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Quốc gia Taras Shevchenko tại Kiev nhận định. "Tôi dám nói, nội dung của các tuyên bố công khai sau đó sẽ đáp ứng kỳ vọng của cả Ukraine và Pompeo".

Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Taras Semenyuk của tổ chức tư vấn KievStratPro cảnh báo, cho dù mong muốn có một cuộc gặp tại Nhà Trắng, Tổng thống Zelensky không nên để bị lún sâu hơn vào chính trường Mỹ đặc biệt là trong năm bầu cử 2020. Theo ông, logic của Tổng thống Trump là "lợi ích đổi lại lợi ích". "Tôi cho anh hỗ trợ quân sự và anh phải đưa tôi chứng cứ đổ tội cho Biden", ông Semenyuk nói. "Ông Zelensky sẽ không công khai giúp đỡ ông Trump trong bầu cử bởi vì nó sẽ đem lại hệ quả rất xấu cho tỷ lệ ủng hộ của ông cũng như tỷ lệ ủng hộ Ukraine nói chung".

Ông Andiry Buzarov, một chuyên gia đối ngoại của Bộ Ngoại giao Ukraine bổ sung, sứ mệnh chính của Tổng thống Zelensky là tái khởi động lại quan hệ Mỹ-Ukraine mà không nhúng tay vào chính trị Mỹ. "Zelensky và đội ngũ của mình sẽ làm mọi thứ có thể để tránh bị liên quan tới cuộc tranh đấu chính trị nội bộ của nước Mỹ theo bên này hay bên kia. Ngài Tổng thống có hai nhiệm vụ rõ ràng: tiếp tục lấy được hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine cho dù ai là tổng thống Ukraine hoặc Mỹ; và tối thiểu hóa việc bị dính dáng tới tranh cãi nội bộ Mỹ".

Mục tiêu chiến lược lâu dài của Nga là duy trì sức mạnh khu vực và hạn chế các nỗ lực của Ukraine trở thành một quốc gia thân phương Tây. Giới phân tích tại Kiev chỉ ra, bên được hưởng lợi nhiều nhất sau khi những ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine bị sụt giảm, chính là Moscow.

Ông Taran nói, Ngoại trưởng Pompeo nên đặt ưu tiên hàn gắn quan hệ giữa hai nước, khi mà cả Mỹ và Ukraine đều có những lợi ích chung.

"Hai bên cần phải cho thấy quan hệ song phương dù đã bị ảnh hưởng bởi chính trị nội bộ, vẫn đang trong tình trạng tốt và sẽ duy trì bền vững", ông nhấn mạnh.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/truoc-them-ngoai-truong-my-tham-kiev-he-lo-muc-tieu-toi-thuong-cua-tong-thong-ukraine-20200130150517156.htm