Trước thềm Tết Thiếu nhi, đồ chơi bạo lực bày bán công khai giữa lòng Thủ đô
Trước thềm Tết Thiếu nhi 01/6, những món đồ chơi cứ tưởng vô hại như súng nhựa, đao, kiếm nhựa,.. lại được bày bán tràn lan, công khai giữa lòng Thủ đô. Đặc biệt là những điểm thu hút nhiều trẻ em.
Trước thực tế hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đang có rất nhiều tin tức về các xung đột vũ trang trên thế giới, kèm theo đó là những hình ảnh bạo lực, kích động bạo lực. Vì vậy, hoạt động kinh doanh các sản phẩm đồ chơi có hình như súng, kiếm… gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách, tâm lý của trẻ.
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) khẳng định, trước thềm Tết thiếu nhi, lực lượng Quản lý thị trường đã chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, có xu hướng bạo lực đảm bảo môi trường phát triển an toàn cho trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Gia đình & Xã hội (Báo Sức khỏe & Đời sống) vào những ngày qua, những đồ chơi mang tính bạo lực như súng, gươm… vẫn được bày bán tràn lan ở các điểm tập trung nhiều trẻ em.
Cụ thể, tại khu vực 2 cổng ra vào của công viên và tại các khu vui chơi thiếu nhi bên trong công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình) đều bày bán những khẩu súng, thanh gươm, đao, kiếm… bằng nhựa.
Tính riêng khu vực phía bên trong cổng, đã có hơn chục quầy hàng bày bán đồ chơi trẻ em.
Điều đáng chú ý, để tạo sự thu hút với trẻ em, các ki-ốt này mặc nhiên treo những thanh gươm, đao, lựu đạn, kiếm nhựa… lơ lửng ở phía trần và lối ra vào.
Với giá bán dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/khẩu súng nhựa ngắn, súng dài 50.000 - 100.000 đồng/khẩu, hầu hết trẻ em đều tỏ ra thích thú khi nhìn thấy, tiếp cận hoặc cầm trên tay các món đồ chơi này. Thậm chí là không ngại thể hiện những sự va chạm ở chỗ đông người.
Anh Lê Văn Hùng (36 tuổi, Phùng Hưng, Hà Đông), thường xuyên cho các con đến khu vui chơi, anh chia sẻ: “Đứa bé nhà tôi năm nay 4 tuổi. Cứ cuối tuần, gia đình tôi hay đưa cháu đến công viên hoặc khu vui chơi trẻ em. Mỗi lần đi qua sạp bán đồ chơi, các con cứ đòi bố mẹ mua súng nước, thấy con thích thú nên tôi cũng chiều theo ý con chứ không để ý đến nguy cơ tiềm ẩn của loại đồ chơi này".
Theo tìm hiểu của phóng viên, đặc điểm quan trọng nhất của loại súng này là sử dụng khí nén, hoạt động dựa vào lực đẩy của lò - xo, kích thước đạn lớn, lực bắn rất mạnh, hoàn toàn có đủ khả năng gây sát thương đối với người bị bắn.
Khảo sát thêm một số cửa hàng bán đồ chơi ngay cạnh khu chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ đầu mối Hà Đông (Hà Đông)... không khó để bắt gặp những món đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực được bán trôi nổi trên thị trường.
Chị Nguyễn Thị Hoa (35 tuổi), chủ một sạp hàng đồ chơi trẻ em tại chợ Phùng Khoang cho biết, các loại súng nhựa có giá từ 50.000 - 200.000 đồng/khẩu, tùy loại và mẫu mã. Trong đó, loại súng nước có giá dao động từ 80.000 - 100.000 đồng được mua nhiều hơn cả.
Những sản phẩm đồ chơi như súng bắn nước, súng bắn bằng mút xốp, kiếm nhựa,...không chỉ được bày bán công khai tại các cửa hàng, góc phố vỉa hè mà còn được người bán quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội như trang thương mại điện tử Shopee, Tiki, Khohangdocvip.net, iprice.vn, beeCost.vn...
Theo đó, giá của mỗi loại đồ chơi này cũng dao động từ 30.000 - 1.000.000 đồng, tùy kích cỡ và mẫu mã. Người mua có nhu cầu chỉ cần ở nhà "click chuột" vào xem mẫu mã, kiểu dáng, họng và nòng súng, loại đạn nhựa, hộp bao nhiêu viên rồi xem giá và chọn mua một cách dễ dàng.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng: “Đồ chơi bạo lực như súng đạn, kiếm,… hay những đồ chơi có hình dáng giống súng, các loại vũ khí khác bằng nhựa được coi là đồ chơi nguy hiểm có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an ninh xã hội”.
Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã quy định rõ, việc vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm sẽ bị xử phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.
Như vậy, có thể hiểu rằng, người kinh doanh, buôn bán các loại đồ chơi mang tính bạo lực như súng, đao kiếm nhựa,... có thể bị xử phạt từ từ 5.000.000 -10.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, hiện nay các loại đồ chơi xuất hiện tràn lan đa dạng dưới nhiều hình thức. Trong đó không phải loại đồ chơi nào cũng an toàn và được phép lưu hành. Hơn ai hết, các bậc phụ huynh nên định hướng cho trẻ hiểu biết về sự nguy hại từ đồ chơi bạo lực để tránh tình trạng “đồ chơi giả, tai nạn thật”.