Trước thời cơ lớn của ngành lúa gạo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khuyên cần 'bình tĩnh'

Khi thế giới nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm xuất hiện cơ hội, thời cơ cho ngành lúa gạo Việt Nam. Song Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị, trong tình hình như vậy, các bên liên quan cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt.

Chiều nay (15/8), phát biểu tại Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, ông hiểu rằng việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo không chỉ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, mà mỗi tin tức về giá cả, tin tức về giá lúa gạo là nỗi thấp thỏm, lo âu, niềm vui, sự phấn khởi của người dân làm nên hạt lúa gạo.

Giá gạo trong nước tăng mạnh

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, cho biết thời gian gần đây, giá lúa gạo tăng cao, vừa tạo lợi thế rất lớn cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, vừa mang lại niềm vui cho nông dân. Tuy nhiên, do giá lúa liên tục tăng nên một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao bất hợp lý và cũng là nỗi lo của người tiêu dùng, công nhân khi giá gạo tăng cao.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phân tích thời cơ và thách thức của ngành lúa gạo.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phân tích thời cơ và thách thức của ngành lúa gạo.

Điều này dẫn đến những hạn chế trong xuất khẩu, chưa tạo được sự liên kết vững chắc giữa người dân và doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT cho biết giải pháp cụ thể, hữu hiệu để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân làm ra lúa gạo vẫn có cuộc sống khó khăn, nghĩa là cây lúa không mang lại nhiều lợi nhuận cho người sản xuất. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của nghịch lý này và các giải pháp trong thời gian tới?

Thực tế, gần 1 tháng sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, thị trường lúa gạo Việt Nam trở nên rất “nóng”. Nhiều tiểu thương buôn bán gạo trong nước phản ánh, giá tăng theo ngày, thậm chí theo giờ, chưa bao giờ họ thấy giá gạo tăng mạnh như vậy.

Các cơ sở chế biến sản phẩm từ gạo cũng than phiền, giá nguyên liệu này bị đội lên “chóng mặt” khiến họ xoay sở không được. Ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Bích Chi cho hay, giá gạo tăng đột ngột trong những ngày gần đây đã gây khó khăn cho doanh nghiệp rất nhiều.

“Đầu tháng 8/2023, công ty thương lượng thu mua 100 tấn gạo IR504 giá 12.000 đồng/kg, trong khi còn chưa kịp “chốt” mua thì hôm sau giá đã tăng lên 13.700 đồng/kg, đến ngày tiếp theo, công ty quyết định mua thì đã là 14.800 đồng/kg, nhưng đối tác cũng đã thông báo hết hàng; còn gạo Hàm Châu cũng tăng giá từ 13.000 đồng/kg lên 16.200 đồng/kg”, ông Bình cho biết.

Theo ông Phạm Thanh Bình, từ đầu tháng 8/2023 đến nay, trung bình giá gạo nguyên liệu tăng từ 3.000-3.500 đồng/kg (tùy loại gạo) so với trước đây.

Trong khi đó, ở khâu xuất khẩu – được đề cập tới nhiều về cơ hội thì các doanh nghiệp phản ánh khó mua được lúa, đồng thời vẫn đang trả đơn hợp đồng giá thấp nhưng phải mua vào giá cao, lo thua lỗ…

Các bên cần chia sẻ thời cơ, nông dân hãy tham gia HTX

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đã sớm có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, đó là thời cơ cho Việt Nam.

Bộ NN&PTNT khẳng định, nếu không có biến đổi khí hậu bất thường, Việt Nam sẽ đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu từ 7-8 triệu tấn gạo trong năm nay.

Bộ NN&PTNT khẳng định, nếu không có biến đổi khí hậu bất thường, Việt Nam sẽ đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu từ 7-8 triệu tấn gạo trong năm nay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoan đề nghị các bên liên quan cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.

“Chúng ta cần đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, không gây sốc cho thị trường nội địa, tác động tới đời sống của người nghèo nếu giá gạo tăng cao”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ.

“Tại phiên chất vấn chiều nay, tôi tin có nhiều cử tri ở Đồng bằng Sông Cửu Long”, Bộ trưởng Hoan nói, đồng thời chia sẻ rằng ngày nào ở Đồng bằng Sông Cửu long cũng xuống giống, vì xuống giống theo con nước. Nếu không có biến động biến đổi khí hậu bất thường thì Việt Nam sẽ không gặp vấn đề gì trong việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo trong năm nay.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, vẫn còn tới 80% diện tích lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long nằm ngoài liên kết. Theo đó, việc giá tăng cũng có tích cực nhưng cũng bắt đầu xuất hiện những đứt gãy nhất định trong chuỗi cung ứng, nhất là khi có động thái nâng giá của những doanh nghiệp ngoài chuỗi thì người nông dân sẵn sàng bỏ chuỗi, bỏ cam kết với doanh nghiệp.

Trước thời cơ như hiện tại, Bộ trưởng kêu gọi các bên phải tôn trọng nhau, phải chia sẻ thời cơ, làm sao để mùa sau mọi người còn có thể mua bán, thỏa thuận, làm ăn với nhau. Theo Bộ trưởng, Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ, nhiệm vụ số một là đảm bảo an ninh lương thực, thứ hai mới là đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Việc xuất khẩu gạo, như một cam kết của Việt Nam với lương thực thế giới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, theo niên giám thống kê, khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong nông nghiệp, người trồng lúa là người có thu nhập thấp nhất. Ở bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày, đây cũng là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với những người nông dân. Theo đó, ông nhấn mạnh nông dân cần liên kết lại trong hợp tác xã, để có giá ưu đãi do mua nhiều, giúp tăng lợi nhuận.

"Chúng ta cần nhìn nhiều chiều hơn về cấu trúc ngành hàng lúa gạo, để có hướng khuyến khích bà con vào hợp tác xã, mua chung, bán chung, hưởng dịch vụ chung, để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, không phải chỉ từ nông sản nuôi trồng, tránh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, bao nhiêu người nông dân trên đất lúa đó, rồi một chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, những con người ở phía sau chuỗi ngành hàng đó…

Do đó, Bộ NN&PTNT sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/truoc-thoi-co-lon-cua-nganh-lua-gao-bo-truong-bo-nn-ptnt-khuyen-can-binh-tinh-1094648.html