Trước tòa, liệu tình nghĩa cũ của ông Yến, ông Đức, ông Duy Hoàng có còn không?
Phiên tòa ngày 15/10 tới đây, liệu tình xưa, nghĩa cũ của các thành viên Ban Giám đốc cũ của Sở Giáo dục Sơn La liệu có còn sau những thăng trầm, biến cố?
Vụ án gian lận điểm thi ở tỉnh Sơn La sẽ được mở lại vào ngày 15/10/2019 tới đây đang nhận được sự quan tâm, chờ đợi của nhiều người. Điều khác biệt so với 2 địa phương Hòa Bình và Hà Giang là Ban Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La ở thời điểm năm 2018 đều có liên quan đến vụ án này.
Vì vậy, phiên tòa sơ thẩm được xét xử công khai trong mấy ngày tới đây là cơ hội để Ban Giám đốc cũ gồm: Giám đốc Hoàng Tiến Đức và 2 cấp phó của mình là ông Nguyễn Duy Hoàng và bị cáo Trần Xuân Yến có dịp diện kiến, đối chất với nhau.
Ngày 16/9 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị can liên qua đến bê bối trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 gồm:
Ông Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo); Ông Lò Văn Huynh (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (phòng khảo thí); bà Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng khảo thí), Cầm Bun Sọn (cựu Phó trưởng phòng Chính trị Sở Giáo dục và Đào tạo);
Ông Đặng Văn Thủy (cựu Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu); bà Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó phòng Khảo thí); ông Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá công an); ông Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá công an).
Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn lại vì nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã vắng mặt nên Hội đồng xét xử đã hoãn phiên tòa và ấn định thời gian mở lại phiên tòa vào 8h ngày 15/10 tới đây.
Nhằm đảm bảo việc xét xử công minh, chính xác, đúng người đúng tội thì vừa qua, Thường trực tỉnh ủy Sơn La đã có công văn chỉ đạo đến những người liên quan phải có mặt tại tòa vào phiên xét xử tới đây.
Đồng thời, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La cũng cho biết, để phiên tòa diễn ra thuận lợi, những người làm chứng nhưng cố ý vắng mặt gây trở ngại cho việc xét xử thì có thể bị áp giải hoặc dẫn giải theo quy định.
Chính vì thế, những người làm chứng liên quan quan trọng như ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La;
Ông Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở Giáo dục; ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sơn La; ông Nguyễn Minh Khoa, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Sơn La…phải có mặt tại Tòa án vào ngày 15/10 tới.
Như vậy, Ban Giám đốc cũ và mốt số lãnh đạo đứng đầu một số Phòng của Sở Giáo dục tỉnh Sơn La sẽ phải có mặt tại tòa. Trong đó, có sự hiện diện của 3 người đứng đầu ngành giáo dục Sơn La ở giai đoạn để xảy ra tiêu cực là ông Đức, ông Duy Hoàng và ông Yến.
Ban Giám đốc cũ sẽ diện kiến tại phiên tòa, liệu tình cảm có còn như xưa?
Sự gặp mặt của Ban Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La cũ, bao gồm ông Hoàng Tiến Đức, Nguyễn Duy Hoàng, Trần Xuân Yến lần này rất đặc biệt. Nếu mấy năm trước đây thì họ sẽ họp bàn những công việc của ngành tại Sở Giáo dục và có thể cười nói vui vẻ với nhau.
Bây giờ, gặp nhau tại tòa án trong một tâm thế hoàn toàn khác. Ông Nguyễn Duy Hoàng vẫn tại vị, ông Hoàng Tiến Đức thì bị Ban Bí thư kỷ luật, Ủy ban nhân dân tỉnh chưa cho về hưu như quy định.
Trong phiên tòa ngày 16/9 vừa qua thì ông Đức đã xin vắng mặt để chữa bệnh. Ông Trần Xuân Yến thì bây giờ mang thân phận bị cáo trước tòa.
Có điều, họ bây giờ phải làm rõ được một số vấn đề mà ông Trần Xuân Yến đã khai với cơ quan điều tra. Theo lời khai của ông Trần Xuân Yến thì ông Hoàng Tiến Đức đã nhờ nâng điểm cho 8 thí sinh.
Ông Hoàng Tiến Đức lúc đầu nói là chỉ “nhờ xem điểm trước” cho các thí sinh này nhưng sau đó lại phủ nhận lời khai của mình. Ông Nguyễn Duy Hoàng cũng chỉ thừa nhận là “nhờ xem điểm trước” cho con mình.
Nếu tòa làm rõ được lời khai của ông Trần Xuân Yến là đúng thì đương nhiên ông Đức và ông Duy Hoàng phải có tội. Nếu ông Đức và ông Duy Hoàng đúng thì đương nhiên ông Trần Xuân Yến phải nhận trách nhiệm về lời khai và việc làm của mình.
Giữa những trắng đen, thật giả sẽ được phơi bày trong phiên xét xử tới đây. Liệu tình cảm mà những thành viên Ban Giám đốc Sở Giáo dục cũ của tỉnh Sơn La đã từng công tác bên nhau nhiều năm có còn giữ được nguyên vẹn hay không?
Liệu tình đồng nghiệp, “sự thống nhất” của các thành viên Ban Giám đốc cũ có còn được như xưa hay bây giờ đã đổi khác?
Ông Hoàng Tiến Đức và ông Nguyễn Duy Hoàng đang có nhiều lợi thế hơn ông Trần Xuân Yến rất nhiều.
Trong số rất nhiều phụ huynh và người liên quan đến vụ án này chỉ có một số người cùng thống nhất khai với cơ quan điều tra là đã chuyển thông tin để “nhờ xem điểm trước”, số còn lại thì không thừa nhận chuyển thông tin cho các bị can và các đối tượng trung gian.
Có điều, một số bị can đã nộp lại nhiều tỉ đồng cho cơ quan điều tra vì họ đã nhận của một số phụ huynh và các đối tượng trung gian. Ông Trần Xuân Yến phải mang 16 đĩa CD ra nghĩa trang để đốt hòng tiêu hủy chứng cứ. Nhưng, vụ án không khởi tố về tội đưa và nhận hối lộ!
Sự gặp nhau tại tòa của Ban Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La cũ có lẽ sẽ kịch tính khi giờ đây chuyện tình cảm có thể trở thành viển vông bởi cứ nhìn cách trả lời của ông Hoàng Tiến Đức sau khi cơ quan điều tra cung cấp danh sách 44 thí sinh cho Sở Giáo dục Sơn La sẽ thấy mọi chuyện bây giờ đã khác xưa.
Bởi, ông Đức đã tỏ ra bực tức khi phóng viên hỏi ông về chuyện gửi gắm 8 thí sinh cho ông Trần Xuân Yến thì ông Đức đã nói: “Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đó” rồi ông tắt điện thoại.
Phiên tòa ngày 15/10 tới đây, liệu tình xưa, nghĩa cũ của các thành viên Ban Giám đốc cũ của Sở Giáo dục Sơn La liệu có còn sau những thăng trầm, biến cố? Liệu người “bố láo, bố lếu” nhất sẽ là ai trong phiên tòa xét xử tới đây?