Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào

Chiều 27.3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào Khampheng Vilaphanh.

Vui mừng chào đón Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Khampheng Vilaphanh và Đoàn công tác tới thăm Nhà Quốc hội, làm việc với Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 20 năm thành lập (17.3.2003 – 17.3.2023), Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, đây là cơ hội trao đổi kinh nghiệm về công tác dân nguyện của Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Khampheng Vilaphanh trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng ấm và những thông tin hữu ích đã được Ban Dân nguyện chia sẻ trong chuyến thăm lần này; cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã hỗ trợ Quốc hội Lào về công tác dân nguyện trong thời gian qua.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào gửi lời chúc mừng tới tập thể Lãnh đạo và cán bộ Ban Dân nguyện; tin tưởng, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, đạt được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.

Tại cuộc làm việc, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công đã giới thiệu với Đoàn về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam; nhấn mạnh, công tác dân nguyện của Việt Nam đã có từ năm 1946, ngay sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Từ Quốc hội Khóa IX (1992-1997), Khóa X (1997-2002), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công một Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ trách công tác dân nguyện. Ngày 17.3.2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 370/2003/NQ-UBTVQH11 thành lập Ban Dân nguyện và đến nay vừa tròn 20 năm hoạt động.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Toàn cảnh cuộc làm việc

Về cơ cấu tổ chức, Ban Dân nguyện có Trưởng ban và 4 Phó Trưởng Ban; tham mưu, phục vụ Ban Dân nguyện có Vụ Dân nguyện (thuộc Văn phòng Quốc hội). Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn: Ban Dân nguyện có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện, với 9 nhóm nhiệm vụ, trong đó có 2 nhiệm vụ chính, một là, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Quốc hội và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Quốc hội. Hai là, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri.

Phó Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh, thông qua việc xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã góp phần vào việc hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và pháp luật có liên quan khác. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, thống nhất, bảo đảm để thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời, giúp các cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định; bảo đảm gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chụp ảnh lưu niệm với Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào Khampheng Vilaphanh

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chụp ảnh lưu niệm với Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào Khampheng Vilaphanh

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Khampheng Vilaphanh cho biết, công tác dân nguyện của Quốc hội Lào hiện nay thuộc Ủy ban Tư pháp quản lý, cũng có chức năng tương tự như Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là thu thập các đơn thư chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm giải quyết và giám sát việc thực hiện công tác này.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào cũng đã trao đổi về công tác xử lý đơn thư kiến nghị của công dân tại mỗi nước liên quan đến tái thẩm, giám đốc thẩm, xem xét lại các bản án đã có hiệu lực pháp luật…

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/truong-ban-dan-nguyen-duong-thanh-binh-lam-viec-voi-chu-nhiem-uy-ban-tu-phap-cua-quoc-hoi-lao-i320434/