Trưởng ban Múa FTU's Dancing Club: 'Tài năng và đạo đức luôn song hành'

Nguyễn Lê Duy Phương (sinh viên năm hai, Trường Đại học Ngoại thương) gây ấn tượng với nhiều người bởi những hoạt động nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật từ năm cấp ba. Bước vào môi trường đại học, Duy Phương vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê múa của mình, cùng với đó là sự trưởng thành trong nhận thức về bộ môn nghệ thuật ấy.

Nguyễn Lê Duy Phương - Trưởng ban Múa FTU’s Dancing Club.

Nguyễn Lê Duy Phương - Trưởng ban Múa FTU’s Dancing Club.

Giá trị từ bộ môn nghệ thuật có nhiều “định kiến”

Được học các bộ môn nghệ thuật (múa, hát, đàn…) từ khi sáu tuổi, Duy Phương vô cùng trân trọng cơ hội quý báu này. Cô bạn tâm sự, phụ huynh chính là những người ủng hộ mình nhất trên con đường theo đuổi đam mê.

“Mình đã bắt đầu bộ môn nghệ thuật này từ rất lâu, có thể nói, niềm yêu thích đối với múa đã lớn lên cùng mình từ khi chào đời cho đến tận bây giờ. Mình thấy may mắn và biết ơn ba mẹ vì đã nhận ra và giúp mình phát triển năng khiếu nghệ thuật ngay khi còn nhỏ. Ban đầu, múa, đối với mình chỉ là sở thích của một đứa trẻ giữa muôn vàn những bộ môn khác, nhưng càng lớn, mình lại càng thấy được sự kết nối mạnh mẽ giữa bản thân và bộ môn nghệ thuật này”.

Duy Phương luôn tự hào khi được theo đuổi bộ môn múa.

Duy Phương luôn tự hào khi được theo đuổi bộ môn múa.

Duy Phương khẳng định, nếu không tìm hiểu, không đam mê múa thì sẽ “không thể hiểu được hết những giá trị mà bộ môn nghệ thuật này mang lại”. Trong suốt chiều dài lịch sử, các dân tộc trên dải đất hình chữ S đã có nhiều cuộc giao lưu văn hóa và tất thảy đều kết tinh trong những điệu múa dân gian. Nói cách khác, múa không chỉ giúp cá nhân thỏa mãn niềm đam mê, mà còn là cơ hội để mỗi người đến gần hơn với nét đẹp văn hóa của Đất nước. Học và tập múa còn giúp cá nhân nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Bất chấp nhiều định kiến về bộ môn này, với cô bạn tài năng Duy Phương: “Được theo đuổi đam mê, sở thích của bản thân thì không có lý do gì để cho rằng học múa là “vô bổ” hay “tốn thời gian” cả”.

Khi được khoác lên mình trang phục múa, Duy Phương cảm thấy bản thân có sứ mệnh truyền tải những vẻ đẹp văn hóa và các giá trị ở tác phẩm này.

Khi được khoác lên mình trang phục múa, Duy Phương cảm thấy bản thân có sứ mệnh truyền tải những vẻ đẹp văn hóa và các giá trị ở tác phẩm này.

“Mình yêu múa, bởi khi chuyển động theo từng giai điệu, mình thấy bản thân được là chính mình, thấy những cảm xúc, tâm tư bên trong mình được biểu đạt một cách tự nhiên nhất qua hình thể. Mình cảm nhận được sự hòa hợp giữa mình và nghệ thuật múa, mềm mại, dịu dàng, uyển chuyển. Mình rất thích cảm giác được đứng trên sân khấu, được làm điều mình yêu thích và tỏa sáng với niềm đam mê của bản thân. Múa còn đưa mình đến gần hơn với những giá trị văn hóa đẹp đẽ của Đất nước, giúp mình hiểu thêm về con người, về quê hương Đất nước cùng vô vàn những nét đẹp mang đậm bản sắc từng vùng miền, cho mình thêm trân trọng, thêm yêu và ý thức sâu sắc về việc giữ gìn, phát huy những vẻ đẹp truyền thống ấy của dân tộc. Vì tất thảy những lý do đó mà đến bây giờ, dù bản thân không lựa chọn con đường chuyên nghiệp, múa vẫn luôn đồng hành cùng với mình như một nơi để thỏa mãn niềm yêu thích của bản thân.”, Duy Phương cho biết bản thân sẽ luôn theo đuổi bộ môn múa trong tương lai.

Nghệ thuật và đạo đức của người theo đuổi nghệ thuật

Quyết tâm đi trên con đường nghệ thuật là kiên định trong cả tu dưỡng tài nghệ và đạo đức của mình. Duy Phương chia sẻ: “Mình tin rằng trên con đường phát triển năng khiếu nghệ thuật múa hay bất kì lĩnh vực nào, tài năng và đạo đức cần được song hành với nhau. Ngoài kỹ năng chuyên môn cần được rèn luyện thường xuyên, đạo đức là yếu tố tối quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển lành mạnh, văn minh của bộ môn nghệ thuật múa”.

Múa nói chung và múa dân gian nói riêng là loại hình nghệ thuật giúp lan tỏa vẻ đẹp văn hóa dân tộc. Vậy nên hơn ai hết, người theo đuổi múa phải có một lòng hướng thiện, giữ gìn những giá trị của cha ông. Duy Phương thấm nhuần tất cả những tư tưởng đó. Theo lời tâm sự của cô bạn, việc trau dồi đạo đức và hướng thiện đã góp phần không nhỏ trong việc nuôi dưỡng trọn vẹn tình yêu của Phương với bộ môn này.

“Lúc nhận ra điều đó, mình càng có ý thức bảo tồn các giá trị tốt đẹp, không làm biến tướng, không lạm dụng vì lợi ích cá nhân, đảm bảo rằng nghệ thuật vẫn giữ được phẩm giá và tính nhân văn vốn có. Mình cũng hiểu rằng, nghệ thuật múa hay bất kì bộ môn nghệ thuật nào đều có sự tác động đến xã hội, bởi vậy mình luôn cố gắng truyền tải những hình ảnh, những câu chuyện đẹp đẽ nhất về con người, về quê hương Đất nước qua từng tác phẩm mà mình góp mặt”.

Duy Phương trong một tiết mục múa đậm đà bản sắc dân tộc.

Duy Phương trong một tiết mục múa đậm đà bản sắc dân tộc.

Đồng hành cùng ban Múa của FTU’s Dancing Club hơn một năm, Duy Phương đã góp mặt trong nhiều tác phẩm, mà gần đây nhất là buổi biểu diễn Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Sau buổi biểu diễn đầy ý nghĩa trong tiết trời thu Hà Nội, Duy Phương không giấu nổi niềm hạnh phúc của mình. Đó cũng là lý do cô bạn muốn gửi gắm tới những người đam mê múa và có ý định sẽ theo đuổi các bộ môn nghệ thuật như vậy một lời cổ vũ và nhắn nhủ.

Tài năng - đạo đức song hành là bài học Duy Phương khắc cốt ghi tâm.

Tài năng - đạo đức song hành là bài học Duy Phương khắc cốt ghi tâm.

“Đạo đức cho mình sự tôn trọng đối với niềm đam mê của bản thân, tôn trọng khán giả cũng như những con người yêu múa, giúp mình tránh khỏi những cám dỗ bên ngoài, là động lực để mình góp một phần công sức bé nhỏ bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của bộ môn này, xây dựng môi trường văn hóa nghệ thuật lành mạnh, văn minh. Hiểu được điều đó, ngoài rèn luyện kỹ năng chuyên môn, mình luôn trau dồi đạo đức, và mong muốn lan tỏa đến những con người yêu múa như mình ý thức gìn giữ, bảo tồn vẻ đẹp vốn có của bộ môn tinh hoa nghệ thuật này”.

(Ảnh: NVCC)

Ngọc Khuê

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/truong-ban-mua-ftus-dancing-club-tai-nang-va-dao-duc-luon-song-hanh-post1680124.tpo