Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dâng hương tưởng niệm 82 năm ngày mất của nhà yêu nước Võ Công Tồn
Nhân dịp 82 năm ngày mất của Nhà yêu nước Võ Công Tồn (16/6/1942-16/6/2024), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Đình Cán cùng Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Nguyễn Đăng Minh Xuân và lãnh đạo huyện Bến Lức đến thăm, dâng hương tưởng niệm tại Di tích lịch sử Nhà và Lò Gạch nhà yêu nước Võ Công Tồn (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Đoàn đã đến dâng hương, tham quan di tích Nhà và Lò Gạch, bia tưởng niệm, điếu văn của Giáo sư Trần Văn Giàu viết về ông Võ Công Tồn, cùng nhau trao đổi, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà yêu nước.
Võ Công Tồn sinh năm 1891 tại làng Long Hiệp, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ông có tên khai sinh là Võ Văn Tồn. Cha mẹ ông là người hào hiệp, còn ông lại ưa chuộng công bằng chính trực nên ông được cha thay chữ lót ở họ tên, đổi thành Võ Công Tồn.
Gia đình ông Võ Công Tồn có nguồn gốc từ Phan Thiết, thân sinh của ông Võ Công Tồn là cụ ông Võ Văn Suốt và cụ bà Nguyễn Thị Hâm, mưu sinh bằng nghề hát bội, định cư, làm ruộng tại ấp Cá Trê (nay là ấp Lò Gạch) và xây dựng lò sản xuất gạch ngói. Nhờ lao động cần cù, việc kinh doanh của thân sinh ông Võ Công Tồn ngày càng phát đạt. Riêng cụ ông Võ Văn Suốt rất được nhân dân tín nhiệm, từng làm đến chức Hương cả. Cụ Cả Suốt còn dùng lẫm lúa của gia đình dạy chữ nho và quốc ngữ để mở mang trí tuệ cho con em trong vùng.
Sống và lớn lên trong một gia đình nề nếp, có truyền thống yêu nước, lại là người con duy nhất nên ông Võ Công Tồn rất được cha mẹ yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ kỹ lưỡng. Thuở nhỏ, ông học lớp nhất (Corus Supérieur) ở trường Bến Lức, sau đó học tiếp 6 năm trung học ở Trường nội trú Taberd (Sài Gòn). Vì là con duy nhất nên ông không học tiếp nữa mà trở về phụng dưỡng song thân và lập gia đình.
Là người yêu chuộng công bình, chính trực, Võ Công Tồn sớm nhận rõ nỗi nhục mất nước, thân phận của đồng bào,… nên ông đề xuất việc mở trường học, bên vực kẻ yếu và được tiếng “dân yêu quan ghét”.
Năm 1923, ông gia nhập “Thanh niên Cao vọng Đảng”, sau này là “Hội kín Nguyễn An Ninh". Ông cũng là một trong những nhà hảo tâm ủng hộ tài chính cho Nguyễn An Ninh thành lập và duy trì hoạt động tờ báo La Cloche fêleé (Tiếng Chuông Rè). Đây là tờ báo tiến bộ công khai, lần đầu tiên đăng “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ở Sài Gòn. Năm 1935, chi bộ Đảng của ấp Lò Gạch ra đời tại lò gạch của ông Võ Công Tồn gồm 3 đồng chí: Nguyễn Văn Chác (ba Trương) – Bí thư, Nguyễn Bá Lộc và Nguyễn Văn Thành.
Cũng trong năm này, ông ra tranh cử và đắc cử chức Hội đồng địa hạt Chợ Lớn, vì vậy dân chúng còn gọi ông là Hội đồng Tồn. Với địa vị này, ông nhiều lần tìm cách tranh thủ thực hiện “tự do, dân chủ” cho dân chúng Nam Kỳ, ủng hộ Nguyễn An Ninh đăng đàn diễn thuyết về “Quyết định lấy công nông làm nền tảng nhưng có thể bao gồm cả giai cấp tư sản nhằm giành quyền tự quyết dân tộc” và chủ trương “Tiến tới một cuộc đại hội Đông Dương”.
Từ năm 1936-1939, ông nhiều lần ủng hộ vật chất cho Đảng Cộng sản hoạt động và là người hoạt động rất tích cực trong Ủy ban Lâm thời Đông Dương đại hội. Ông còn là Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ. Ông được đề cử là một thành viên trong Chính phủ khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thắng lợi. Mặc dù không phải là đảng viên Đảng Cộng sản nhưng ông luôn suy nghĩ và hoạt động như một người cộng sản.
Ngày 16/4/1940, Tòa tiểu hình Sài Gòn tuyên án gần 100 người, trong đó Võ Công Tồn chịu án 4 năm tù, 10 năm biệt xứ, đày ra Côn Đảo. Ông bị giam ở Banh II, là nơi dành riêng cho các chính trị phạm được liệt vào "nguy hiểm nhất" cùng với Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Khắc Sửu, Trần Ngọc Danh,… Do điều kiện lao tù khắc nghiệt, sức kiệt, ông qua đời tại Nhà tù Côn Đảo ngày 16/6/1942.
Võ Công Tồn là một điền chủ, tư sản, có học thức và tinh thần yêu nước, giác ngộ cách mạng. Ông đã hoạt động tích cực cùng nhiều đồng chí gầy dựng cơ sở cách mạng, ủng hộ cuộc đấu tranh của quần chúng chống lại ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai. Nói về Võ Công Tồn, Giáo sư Trần Văn Giàu phát biểu: “Võ Công Tồn cùng Nguyễn An Ninh là hình ảnh của “núi Hai Vì”, hai tấm gương lớn về hoạt động cách mạng ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX”.
Do những đóng góp của mình, ngày 04/6/1986, ông được Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Tên ông được đặt cho một con đường tại tỉnh Long An (theo Quyết định số 2554/QĐ-UB, ngày 18/10/1997 của UBND tỉnh Long An). Một số đường phố và trường học tại Long An cũng được mang tên ông. Khu nhà và lò gạch của gia đình ông được Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định 02/2004/QĐ-BVHTT, ngày 19/01/2004./.