Trưởng bộ môn Địa lý Trường Đại học Đồng Nai góp ý sách Địa lý
Năm học 2023-2024 chương trình mới 2018 bắt đầu áp dụng ở lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
Năm học 2023-2024 chương trình mới bắt đầu áp dụng ở lớp 4, 8, 11. Với lớp 8, phân môn Địa lý "tích hợp" với phân môn Lịch sử tạo thành môn Lịch sử và Địa lý, nhưng nội dung tách bạch rõ ràng.
Với lớp 11, Địa lý là một môn học tự chọn, có sách giáo khoa riêng.
Các nhà xuất bản đã đưa bản mẫu sách giáo khoa Địa lý 11 và Lịch sử và Địa lý 8 lên mạng lấy ý kiến đóng góp của bạn đọc.
Người viết xin giới thiệu một số ý kiến góp ý của thầy Nguyễn Văn Thuật, Trưởng bộ môn Địa lý Trường Đại học Đồng Nai.
Một là, sách giáo khoa môn Địa Lý lớp 11 bộ sách Chân trời sáng tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trang 31 dòng 15 từ dưới lên, tác giả viết: “Khu vực Mỹ La-tinh có ít hồ, trong đó có một số hồ quan trọng như Ni-ca-ra goa (Ni-ca-ra goa), Ti-ti-ca-ca (Pe- ru),.. là nguồn cung cấp nước ngọt cho một số quốc gia trong khu vực.”
Theo thầy Nguyễn Văn Thuật: Ti-ti-ca-ca là hồ nước ngọt cao nhất thế giới ở độ cao 3812 m, tọa lạc trên đỉnh Altiplano trong dãy Andes trên biên giới của Peru và Bolivia. Phần tây của hồ thuộc về Peru, và phần đông thuộc về Bolivia.
Theo cách viết của Sách giáo khoa môn Địa Lý lớp 11- bộ sách Chân trời sáng tạo, người đọc sẽ hiểu hồ Ti-ti-ca-ca chỉ thuộc về Peru, không có phần nào thuộc về Bolivia.
Đề nghị nhà xuất bản giáo dục kịp thời sửa chữa, viết đúng phải là Ti-ti-ca-ca (Pe-ru và Bo-li-vi-a).
Hai là, sách Địa lý lớp 11 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trang 24, dòng 15 từ trên xuống, tác giả viết: “Do phạm vi lãnh thổ trải dài trên nhiều vĩ độ và đặc điểm địa hình nên khí hậu Mỹ La-tinh phân hóa đa dạng thành nhiều đới và kiểu khí hậu khác nhau.”
Vĩ độ chỉ là giá trị xác định vị trí của một điểm trên bề mặt Trái Đất;
Phải chăng không phân biệt được sự khác nhau giữa vĩ độ và vĩ tuyến nên tác giả sử dụng sai khái niệm về chuyên môn.
Tác giả lại cho rằng: Mỹ La- tinh có nhiều đới khí hậu khác nhau.
Trên bề mặt Trái Đất, chẳng có có đới khí hậu nào giống nhau. Mỗi đới đều có đặc điểm khí hậu riêng biệt; như vậy câu văn vừa thừa vừa sai kiến thức.
Điều đáng nói nhất, với nội dung này cả hai bộ sách Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống sai cùng một kiểu.
Thầy Nguyễn Văn Thuật đề nghị sửa lại như sau: “Do lãnh thổ rộng lớn trải dài trên nhiều vĩ tuyến nên Mỹ La-tinh có nhiều đới và kiểu khí hậu.”
Ba là, sách Địa lý lớp 11 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trang 24, dòng 21 tác giả viết: “Đới khí hậu cận xích đạo một năm có hai mùa (mùa khô và mùa mưa) rõ rệt,”
Muốn nói đặc điểm khí hậu của một khu vực, một quốc gia hay một lãnh thổ, người ta phải nói tương quan nhiệt - ẩm.
Lạnh ẩm khác lạnh khô; nóng ẩm khác nóng khô.
Tác giả dạy cho học sinh khí hậu cận xích đạo có mùa khô và mùa mưa rõ rệt- đây là kiến thức thiếu khoa học.
Thầy Nguyễn Văn Thuật đề nghị sửa lại như sau: “ Đới khí hậu cận xích đạo một năm có hai mùa: một mùa nóng ẩm và một mùa nóng khô.”
Bốn là, sách Địa lý lớp 11 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trang 25, dòng 9 từ dưới lên, tác giả viết: “Giới động vật Mỹ La-tinh rất phong phú, có nhiều loài đặc hữu như thú ăn kiến, cá sấu Nam Mỹ, vẹt, lạc đà Nam Mỹ (La-ma), …
Đặc hữu là loài sinh vật chỉ tồn tại trong một vùng nhất định.
Tại Sài Gòn từ nhiều năm nay, lạc đà có nguồn gốc Nam Mỹ được mua từ Hà Lan để thu hút khách uống cà phê; do đó loài này không phải là đặc hữu của Nam Mỹ.
Cũng như thế, vẹt hay nói chính xác hơn là Bộ Vẹt phân bố rộng khắp vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới; tại Nam Mỹ và Australasia chúng rất đa dạng về thành phần loài.
Năm là, sách giáo khoa môn Địa Lý 11 bộ Cánh Diều: câu văn súc tích, mạch lạc; tiếc thay Sách Địa lý 11 còn nhiều sai sót không nên có.
Trang 22 sách giáo khoa môn Địa Lý 11 bộ Cánh Diều dòng 14 từ trên xuống, tác giả viết: “Mỹ La-tinh là khu vực rộng lớn thuộc châu Mỹ, có thiên nhiên phong phú và tài nguyên đa dạng.”
Trang 23 dòng đầu tiên tác giả lại viết: “Vị trí này đã tạo cho khu vực Mỹ La-tinh có thiên nhiên đa dạng, phân hóa rõ rệt.”
Trang 22 cho rằng thiên nhiên Mỹ La tinh phong phú nhưng trang 23 lại cho rằng thiên nhiên Mỹ Latinh đa dạng; như vậy, cùng một vấn đề nhưng hai trang sách trong cùng một cuốn sách viết khác nhau, gây khó hiểu cho học sinh.
Sáu là, trang 28 sách giáo khoa môn Địa Lý 11 bộ Cánh Diều, dòng 9 từ trên xuống, tác giả viết: “Mỹ La-tinh có nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, là thế mạnh trong việc thu hút khách du lịch, tuy nhiên cũng gây khó khăn nhất định như: sự bất đồng ngôn ngữ; nguy cơ xung đột sắc tộc;…”.
Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, toàn bộ Nam Mỹ và phần Trung Mỹ từ Mexico trở xuống từ thế kỉ thứ XV và XVI bị Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha xâm chiếm làm thuộc địa nên trừ Brasil nói tiếng Bồ, Haiti nói tiếng Pháp, số đông còn lại nói tiếng Tây Ban Nha mà 3 ngôn ngữ này đều phát triển trên cơ sở tiếng Latin, vì thế mới gọi chung là châu Mỹ Latin.
Không biết tác giả dựa vào đâu để nói: tại châu Mỹ Latin có khó khăn do bất đồng ngôn ngữ?
Bảy là, trang 25 sách giáo khoa môn Địa Lý1 1 bộ Cánh Diều dòng 5, từ dưới lên tác giả viết: “Mỹ La-tinh có tài nguyên khoáng sản đa dạng, nhiều loại có trữ lượng lớn. Sắt chiếm khoảng 24% trữ lượng của thế giới, phân bố chủ yếu ở Bra-xin, Vê- nê- xu-ê-la; đồng chiếm khoảng 21% trữ lượng của thế giới, phân bố chủ yếu ở Chi-lê; dầu mỏ chiếm khoảng 7% trữ lượng của thế giới, phân bố chủ yếu ở Vê- nê- xu-ê-la.”
Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, tác giả không phân biệt được sự khác nhau giữa khái niệm “đa dạng” và “phong phú”.
Châu Mỹ Latin có sắt, đồng, dầu mỏ… như vậy nơi đây có tài nguyên khoáng sản phong phú chứ không phải đa dạng.
Dòng đầu tiên trang 26 tác giả viết tiếp: “Ngoài ra, còn có nhiều khoáng sản khác như: vàng, bạc, bô-xít, chì, kẽm.”
Từ “ngoài ra” có nghĩa: Ngoài cái vừa nói đến là chính, còn có những cái khác nữa.
Bô-xít tại Nam Mỹ có trữ lượng đứng đầu thế giới: Surinam chiếm 14%; Jamaica chiếm 17%. Vì thế từ “ngoài ra” của tác giả vừa sai nghĩa vừa sai chuyên môn.
Tám là, trang 130 sách Lịch sử- Địa lý 8 bộ sách Cánh Diều, dòng đầu tiên từ trên xuống, tác giả viết: “ Vùng đất phèn, mặn thuộc huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là vùng thích hợp với các giống lúa thơm ngon…”
Từ năm 2011, huyện Vĩnh Châu đã đổi thành Thị xã Vĩnh Châu, tác giả chưa cập nhật kịp thời thông tin vào sách giáo khoa.
Chín là, trang 129, sách Lịch sử- Địa lý 8 bộ sách Cánh Diều, dòng 4 từ trên xuống, tác giả viết: “ Ngoài ra, đất phù sa sông còn thích hợp trồng cây hoa màu, cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày.”
Trên thế giới cũng như ở nước ta không hề có cây hoa màu mà chỉ có hoa màu, hoa màu là cây trồng để làm lương thực và thực phẩm.
Theo thầy Nguyễn Văn Thuật phải viết lại cho đúng “ Ngoài ra, đất phù sa sông còn thích hợp trồng hoa màu, cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày.”
Cũng trang 129, dòng 11 tác giả viết: “ Đất mặn cũng được cải tạo để trồng các loại cây ngắn ngày như: lúa, cói, cây ăn quả (mảng cầu, dừa,…), trong đó có giống lúa đặc sản.”
Dựa vào thời kỳ sinh trưởng hay nói khái quát hơn là đời sống của cây, người ta phân ra: hoặc ngắn ngày hoặc dài ngày.
Cây dừa sống trên 50 năm; có cây sống cả trăm năm thế mà tác giả xếp vào cây ngắn ngày là chưa chính xác.
Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của thầy Nguyễn Văn Thuật, Trưởng bộ môn Địa lý Trường Đại học Đồng Nai, được tác giả Sơn Quang Huyến ghi lại. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.