Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình: Không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề

Thực hiện Quyết định số 465/QĐ-UBND, ngày 30/3/2017 của Chủ tịch UBND tỉnhvề việc 'chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế quản lý Nhà nước và quản lý đơn vị sự nghiệp đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN)', ngày 1/4/2017, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình chính thức được bàn giao từ ngành GD&ĐT sang trực thuộc quản lý của Sở LĐ-TB&XH.

Đồng chí quách Thị Kiều, TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Đồng chí quách Thị Kiều, TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Hiện tại, trường thực hiện đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng trở xuống cho các ngành thuộc khối kinh tế, dịch vụ, kỹ thuật nông lâm nghiệp, luật, văn phòng và công nghệ;liên kết đào tạo ở trình độ cao hơn, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tham gia giải quyết những vấn đề về phát triển KT-XH.

Sau hơn 3 năm chuyển đổi từ giáo dục chuyên nghiệp sang lĩnh vực GDNN, nhà trường đã có những thay đổi căn bản. Từ giảng dạy theo hướng lý thuyết, nội dung và nghiên cứu chuyển sang thực hành, dạy nghề, rèn nghề; từ giảng dạy chủ yếu trên giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành, thực tế xã hội đến việc giảng dạy gắn với thực tiễn, nhu cầu xã hội, sản xuất kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp. Từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo hơn 12.000 lao động kỹ thuật trình độ trung cấp,cao đẳng. Học sinh, sinh viên (HSSV) ra trường có việc làm, đáp ứng được thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật cũng như các cơ sở GDNN trong tỉnh đã có những đổi mới tích cực, sáng tạo trong hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, làm thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Kết quả, trên địa bàn tỉnh, học sinh tốt nghiệp THCSvào học nghề (nghề ngắn hạn, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) chiếm khoảng30%, còn lại 70% học tiếp THPT; 65 - 70% học sinh tốt nghiệp THPT so với tổng số học sinh dự thi tốt nghiệp đăng ký học nghề, chỉ khoảng 30 - 35% đăng ký vào học các trường đại học.

Sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình thực tập, rèn luyện kỹ năng bán hàng tại siêu thị tự chọn của nhà trường.

Sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình thực tập, rèn luyện kỹ năng bán hàng tại siêu thị tự chọn của nhà trường.

Nhằm thu hút HSSV vào học nghề, những năm qua, nhà trường đã biên soạn và đưa vào giảng dạy 6 chương trình cao đẳng, 17 chương trình trung cấp, 20 chương trình đào tạo nghề sơ cấp, mở nhiều ngành nghề đào tạo gắn với chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh và xu hướng xã hội. Hơn 80% cán bộ, giảng viên có trình độ trên đại học, đội ngũ giảng viên tích cực tự học, tự rèn nghề, đổi mới dạy học theo hướng tích hợp và thực hành rèn nghề. Nhà trường tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, cải tạo khu ký túc xá, xây dựng các cơ sở thực hành, thực tập rèn nghề như trại chăn nuôi, trồng trọt, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, xưởng may và thời trang. Hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, thương mại, kinh doanh dịch vụ để HSSV thực tập nâng cao tay nghề và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp. Đồng thời, nhà trường thực hiện tốt chính sách miễn học phí cho học sinh học hệ trung cấp, chính sách nội trú theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh học từ các trường phổ thông dân tộc nội trú vào học, học sinh mồ côi, khuyết tật... Hàng năm, trường dành từ 150 - 200 triệu đồng quỹ học bổng để thưởng cho HSSV đạt thành tích trong học tập, rèn luyện, hỗ trợ nhà ở và các chi phí sinh hoạt cho HSSV là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, giải quyết việc làm sau tốt nghiệp ra trường.

Thực hiện hợp tác đầu tư và liên kết đào tạo, nhà trường đã hợp tác với các dự án Apheda (Úc), JiCa (Nhật Bản), Helvetas (Thụy Sỹ)... đào tạo nghề cho 9.000 người, tập huấn cho 35.000 lượt cán bộ cấp cơ sở và nông dân tại tỉnhvà các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên,miền Trung. Đào tạo 10 lưu học sinh nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào theo hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hủa Phăn. Liên kết đào tạo với 15 trường đại học, học viện tốp đầu trong nước đào tạo hơn 3.000 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ,góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng lao động trong tỉnh.

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng GDNN, trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết - trí tuệ - hiệu quả, xây dựng đội ngũ giảng viên GDNN chất lượng cao, đủ về số lượng;đầu tư cơ sở vật chất,trang thiết bị đào tạo nghề đồng bộ, hiện đại; tích cực, chủ động nghiên cứu khoa học, áp dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào các hoạt động của nhà trường. Mở rộng hợp tác quốc tế và trong nước. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật có tay nghề cao, đa hệ, đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, chính quyền, các tổ chức CT-XH và đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Quách Thị Kiều

TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/147243/truong-cao-dang-kinh-te-ky-thuat-hoa-binh-khong-ngung-doi-moi-de-nang-cao-chat-luong-cong-tac-dao-tao-nghe.htm