Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ từng bước ổn định sau sáp nhập

PTĐT - Thực hiện Nghị quyết số 79-NQ/TU ngày 4/11/2019  của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đề án số 5519 của UBND tỉnh và Quyết định số 09 của Bộ LĐTB&XH...

Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ sau sáp nhập tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ sau sáp nhập tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

PTĐT - Thực hiện Nghị quyết số 79-NQ/TU ngày 4/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đề án số 5519 của UBND tỉnh và Quyết định số 09 của Bộ LĐTB&XH, từ cuối tháng 3/2020, Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ sáp nhập thêm các trường: Cao đẳng Kinh tế-Kỹ nghệ thực hành, Trung cấp Nông Lâm nghiệp Phú Thọ, nhằm đảm bảo mục tiêu không chỉ tận dụng được cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có mà còn nâng cao hiệu quả đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.Trước khi sáp nhập, 2 trường: Cao đẳng Kinh tế-Kỹ nghệ thực hành và Cao đẳng Nghề Phú Thọ đều là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; còn Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Phú Thọ thuộc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ nghệ thực hành và Trường trung cấp Nông Lâm nghiệp Phú Thọ đều có chức năng đào tạo nghề ở các lĩnh vực khác theo nhu cầu xã hội, do nguồn tuyển sinh đầu vào giảm dần từng năm, dẫn đến quy mô đào tạo giảm mạnh, khó khăn trong việc bố trí giờ giảng cho giảng viên; cơ sở vật chất không khai thác, sử dụng hết. Trong khi đó, Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ vẫn duy trì ổn định số lượng tuyển sinh và đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề, đủ khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và xuất khẩu lao động; bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân và đào tạo hướng nghiệp; giúp cơ sở dạy nghề của tỉnh xây dựng chương trình dạy nghề ngắn hạn... Do đó việc sáp nhập trên là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.Thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án sáp nhập Cao đẳng Kinh tế-Kỹ nghệ thực hành, Trung cấp Nông Lâm nghiệp Phú Thọ vào Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ nhằm tổ chức đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên, đảm bảo chất lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đây là xu hướng tất yếu để xây dựng nhà trường trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật có uy tín, chất lượng trong khu vực và cả nước, góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.Về những khó khăn sau khi sáp nhập, ông Trần Minh Tuấn- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ cho biết: “Nhà trường tăng thêm 110 cán bộ, nhân viên; tăng trên 550 học sinh và có 16 ngành nghề đào tạo, tăng 5 ngành nghề so với trước khi sáp nhập; tỷ lệ đội ngũ giáo viên không phù hợp về trình độ chuyên môn các ngành nghề đào tạo và vị trí việc làm của nhà trường còn cao. Hiện nay, khó khăn lớn nhất sau khi sáp nhập là cơ sở vật chất, chỗ làm việc và học tập cho đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh sau khi tập trung về địa điểm chính của trường tại phường Vân Phú, thành phố Việt Trì”. Để giải quyết những khó khăn này, trước mắt, nhà trường ổn định, kiện toàn lại tổ chức, rà soát tận dụng cơ sở vật chất hiện có; có kế hoạch cụ thể cho những mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài để tập trung tuyển sinh, đào tạo các ngành nghề trọng điểm quốc gia và khu vực ASEAN của nhà trường đã được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt; các nhóm ngành nghề phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đáp ứng nhu cầu của người học...Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ luôn nỗ lực vượt khó, mục tiêu từ nay đến năm 2025 ổn định và từng bước phát triển quy mô tuyển sinh, đào tạo các ngành nghề hợp lý trên cơ sở các điều kiện đảm bảo thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp ổn định quy mô tuyển sinh từ 800-1.000 học sinh, sinh viên/năm và quy mô đào tạo là từ 2.000-2.500 học sinh, sinh viên/năm. Đối với trình độ sơ cấp, bồi dưỡng thường xuyên, cập nhật kiến thức (đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng) tuyển sinh và đào tạo bình quân 500 học viên/năm.

Ánh Dương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202005/truong-cao-dang-nghe-phu-thotung-buoc-on-dinh-sau-sap-nhap-170953