Trường cao đẳng sư phạm 'sống dở chết dở' xin dạy tiểu học: Nên không?
Chuyện thật mà như đùa, năm nay, nhiều trường cao đẳng sư phạm địa phương rơi vào cảnh khó tuyển sinh dẫn đến tình trạng 'sống dở chết dở', nhiều trường nghĩ cách xin được dạy học sinh tiểu học.
Đỏ mắt tìm sinh viên
Lãnh đạo trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho hay, năm học 2019-2020 này, trong đợt 1 nhà trường chỉ tuyển được 34 sinh viên. Trong đó, 30 sinh viên học ngành sư phạm mầm non, 4 sinh viên còn lại chia cho 4 ngành gồm sư phạm âm nhạc, tiếng Anh, giáo dục công dân, giáo dục tiểu học.
Đặc biệt, các ngành còn lại như sư phạm tin học, mỹ thuật, kế toán, quản trị văn phòng, lịch sử, vật lý, sinh học, … đều không tuyển được sinh viên.
Bà Lê Thị Ngoãn, trường Cao đẳng sư phạm Nam Định cho biết các trường CĐSP ngày càng khó tuyển sinh. Tại Trường CĐSP Nam Định, Khoa Tự nhiên năm học 2018 – 2019 hiện nay có 16 giáo viên, nhưng chỉ có 30 sinh viên.
Giữa tháng 8, trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thông báo tuyển bổ sung 65 chỉ tiêu ngành Giáo dục Mầm non và 47 chỉ tiêu ngành Giáo dục Tiểu học. Ở bậc trung cấp Sư phạm mầm non, trường tuyển thêm 23 chỉ tiêu.
TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng cho biết, trường phải "đóng" 3 lớp ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Tiếng Anh do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển quá ít.
Tại trường Cao đẳng Đà Lạt (Lâm Đồng), với 240 chỉ tiêu các ngành sư phạm ở 10 ngành, 178 thí sinh trúng tuyển đợt 1. Trong đó, 5 ngành không có thí sinh trúng tuyển gồm: Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Giáo dục thể chất.
Nhiều trường khác như Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM, Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ cao đẳng sư phạm trường Đại học An Giang từ giữa tháng 8 phải tuyển sinh bổ sung với 10-50 chỉ tiêu ở nhiều ngành.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 30 trường cao đẳng sư phạm địa phương đang sống trong tình trạng "sống dở chết dở".
Thực tế cho thấy, các trường cao đẳng sư phạm thiếu giảng viên đầu ngành có trình độ cao. Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường cao đẳng sư phạm chiếm từ 2% đến 5%, trường có tỷ lệ cao là Cao đẳng sư phạm Quảng Trị đạt 14,6%. Quy mô tuyển sinh của các trường cao đẳng sư phạm giảm sụt kinh khủng.
Gỉang viên của các trường cao đẳng sư phạm gặp nhiều khó khăn do quy mô đào tạo giảm, giảng viên thiếu giờ dạy, việc liên kết đào tạo (đại học hệ vừa làm vừa học) với các trường đại học cũng giảm, nhiều giảng viên được điều chuyển xuống các trường phổ thông giảng dạy.
Một số trường cao đẳng sư phạm mở thêm các trường phổ thông, trường mầm non thực hành, trung tâm trải nghiệm giáo dục cho học sinh phổ thông, dịch vụ giáo dục khác,… để tạo việc làm cho giảng viên. Tuy nhiên, số giảng viên không có giờ dạy còn nhiều. Trước tình trạng này, nhiều giảng viên của các trường cao đẳng sư phạm có trình độ cao đã chuyển công tác khiến đội ngũ giáo viên đã thiếu lại càng thiếu hơn.
Chuyển thành trường liên cấp, nên không?
TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, quá trình đổi mới diễn ra đã bộc lộ yếu kém của quản trị giáo dục đại học. Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, cần phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao không tuyển đủ người học. Mỗi trường cần xem tình hình cụ thể để xử lý.
“Nếu không tuyển được là do lãnh đạo yếu kém thì xử lý thay người khác. Nếu do không có đầu tư thì phải tính toán có nên đầu tư không? Nếu trên cùng địa bàn có quá nhiều trường công thì nên sáp nhập lại, bỏ đi các ngành nghề chồng chéo nhau, xây dựng chiến lược phát triển hậu sáp nhập... Hoặc cũng có thể sáp nhập vào một trường đại học địa phương trở thành một khoa để dạy cao đẳng”- TS Vinh nhấn mạnh.
Trước đề xuất của trường CĐ Sư phạm Quảng Trị được trình đề án xin thành lập trường liên cấp, cụ thể ngoài đào tạo hệ cao đẳng, trường còn có thể dạy từ cấp tiểu học đến phổ thông để đội ngũ giảng viên có cơ hội đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đồng thời tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện có, TS Vinh cho rằng, việc chuyển trường cao đẳng thành trường liên cấp thì phải phù hợp với qui hoạch các trường phổ thông trên địa bàn cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng khác.
Tuy nhiên, theo TS Vinh, cần tránh phá vỡ qui hoạch mạng lưới các trường phổ thông hiện thời trên địa bàn và tránh đầu tư thêm cơ sở vật chất nhưng nguồn tuyển cạnh tranh với các trường phổ thông khác kể cả trường tư.
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, sắp tới đây Bộ GD&ĐT sẽ công bố qui hoạch các trường sư phạm trong cả nước vì thế khi đó có cơ sở tốt hơn sắp xếp lại các trường sư phạm.
Cụ thể, trong dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức lại các trường Sư phạm, Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu giai đoạn 2020-2025:
Hình thành được 2 trường sư phạm trọng điểm quốc gia ở Hà Nội và TP.HCM trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và một số trường ĐH sư phạm khác.
Xây dựng được mạng lưới vệ tinh là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường CĐSP, TCSP, các khoa/trường sư phạm trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học đa ngành...
Một chuyên gia tuyển sinh tại TPHCM nhận định, các trường cao đẳng sư phạm đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tuyển sinh khi tình trạng thừa giáo viên đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành.
"Cơ hội việc làm ngành này không nhiều, lương thấp. Với số điểm trên 16 mới đậu, thí sinh có nhiều lựa chọn các đại học tầm trung nên sẽ ít người chọn vào sư phạm hệ cao đẳng"... Vì vậy, ngành giáo dục cần nhanh chóng quy hoạch lại các trường sư phạm.