Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam: Hoàn thành xuất sắc kế hoạch tuyển sinh 2020
Năm 2020, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch tuyển sinh thợ lò Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam TKV giao theo chủ đề công tác năm 2020 'Năm tuyển sinh và đào tạo thợ lò'.
Theo đó, trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã thực hiện tuyển sinh đạt 5.420/4.500 học sinh đạt 120,4% so với kế hoạch được giao, đảm bảo cung cấp đủ lao động kỹ thuật cho nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp (DN) thuộc Tập đoàn TKV.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, Nhà trường đã xây dựng được hệ thống mạng lưới tuyển sinh sâu rộng mang thương hiệu TKV tại các địa phương; mở rộng địa bàn tuyển sinh đến 63 tỉnh/thành phố; xây dựng được thương hiệu tuyển sinh đào tạo thợ lò TKV của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam ở hầu hết các địa phương, khẳng định vị thế, vai trò và uy tín với các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương. Tính đến hết năm 2020, Nhà trường đã ký Quy chế phối hợp tuyển sinh với 25 huyện tại các tỉnh.
Ngoài ra, các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ than cơ bản hoàn thành vượt mức kế hoạch Tập đoàn giao. Cụ thể, lượng than tiêu thụ đạt 51 nghìn tấn (trong đó than hầm lò đạt trên 45 nghìn tấn). Doanh thu 450 tỷ đồng, đạt 134,3% kế hoạch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) giao và tăng 10% so với kết quả thực hiện năm 2019. Thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên (CBCNV) đạt trên 13 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ đạt được cao hơn so với kế hoạch TKV giao là 25%.
Để đạt được những mục tiêu trên, Nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp, công tác thi, kiểm tra đã được tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đối với học sinh các nghề mỏ. Các tồn tại xảy ra trong quá trình thực hiện đã được phát hiện và theo dõi kết quả, khắc phục đến cùng. Chất lượng của các kỳ giám sát cũng được nâng cao qua nhiều kênh trực tiếp và gián tiếp qua hệ thống camera giám sát. Đổi mới phương pháp chấm bài thi, kiểm tra trắc nghiệm trên giấy, ứng dụng công nghệ 4.0 để chấm bài bằng smartphone giúp nâng cao hiệu suất và độ tin cậy đánh giá chất lượng học sinh.
Ngoài ra, các cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo và làm việc cũng được Nhà trường quan tâm đầu tư nhằm cải thiện điều kiện làm việc, giảng dạy, học tập, sinh hoạt của CBCNV, giáo viên và học sinh Nhà trường, tạo ra môi trường làm việc và học tập mang tính chuyên nghiệp.
Đáng chú ý, trong năm 2020, nhiều giải pháp quản trị chi phí, kiểm soát chặt chẽ các khoản thu - chi, thực hiện tốt quản trị nguồn thu, quản trị chi phí đã được Nhà trường thực hiện tốt, đã nâng cao hiệu quả trong đào tạo, sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập cho CBCNV và giáo viên. Trường cũng đã xây dựng và ban hành kịp thời các cơ chế đặc thù và quy định quản lý cơ chế đặc thù để thúc đẩy hiệu quả các lĩnh vực công tác then chốt (tuyển sinh thợ lò, đào tạo lái xe ô tô…) nhằm chiếm lĩnh và phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả tuyển sinh, doanh thu đào tạo và dịch vụ…, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Nhà trường đã thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống mưa bão và phòng chống cháy nổ. Không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng nào, đặc biệt là công tác khai thác, sản xuất than hầm lò kết hợp với công tác tổ chức cho học sinh thực tập kết hợp với sản xuất của Nhà trường đảm bảo an toàn và tuân thủ đúng các quy định trong sản xuất than.
Năm 2020 cũng là năm đầu tiên Nhà trường có học sinh phổ thông hệ Giáo dục thường xuyên (GDTX) tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo đề thi chung của cả nước. Kết quả 100% học sinh khối 12 đều đỗ tốt nghiệp; điểm bình quân đỗ tốt nghiệp dẫn đầu các cơ sở giảng dạy văn hóa THPT theo chương trình GDTX của tỉnh Quảng Ninh, qua đó góp phần nâng cao uy tín cũng như thương hiệu của Nhà trường.
Năm 2021 là năm được Nhà trường dự báo là tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, Nhà trường vẫn tiếp tục chọn chủ đề hoạt động trọng tâm trong năm 2021 là “Năm tuyển sinh và đào tạo thợ lò”. Tập trung nguồn lực để quản lý, quy hoạch và đầu tư vào lĩnh vực đào tạo - sát hạch lái xe để lĩnh vực này trở thành động lực thúc đẩy việc phát triển lĩnh vực tuyển sinh và đào tạo thợ lò cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường xã hội. Đồng thời, tiếp tục nâng cao thu nhập của CBGV-CNV, người lao động trên cơ sở gắn với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá để ổn định quỹ lương.
Cụ thể, Nhà trường đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ tuyển sinh 4.744 học sinh, sản lượng tiêu thụ than đạt 50 nghìn tấn. Doanh thu đạt trên 468 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 13,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân tiếp tục đạt trên 13 triệu đồng/người/tháng.
Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, Trường sẽ thống nhất phân vùng tuyển sinh, cùng doanh nghiệp thống nhất những nội dung phải thực hiện để đáp ứng những tiêu chí xây dựng thị trường tuyển sinh bền vững, gắn với địa phương, từng bước nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Bố trí các lao động cùng địa phương có sự ưu tiên phù hợp với phong tục, tập quán vùng miền, dân tộc và phù hợp với điều kiện tổ chức SX của đơn vị, xây dựng điển hình tiên tiến, mô hình tổ đội đào lò người dân tộc thiểu số. Đồng thời, rà soát hoàn thiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục, hạn chế học sinh bỏ học...
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Thành viên HĐTV Tập đoàn TKV đề nghị: Trong năm 2021, Nhà vẫn phải thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất an toàn, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, lường trước các nguy cơ và có các kịch bản để ứng phó. Ngoài ra, Nhà trường cần bám sát diễn biến tình hình tận dụng mọi cơ hội tăng cường công tác tuyển sinh, sàng lọc. Chủ động phối hợp với các Công ty Than thực hiện tốt hơn nữa việc phân vùng tuyển sinh để phối hợp với các công tác tuyên truyền, đảm bảo an sinh xã hội ở từng địa phương đạt hiệu quả cao hơn. Có giải pháp cụ thể, thiết thực, giảm tốt đa hao hụt học sinh trong quá trình học tập. Đặc biệt là chú ý đến việc nâng cao giáo dục truyền thống ngành than, văn hóa thợ mỏ.