Trường Cao đẳng Tiền Giang: Xây dựng mô hình 'Công dân học tập' và 'Đơn vị học tập'

Là cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Tiền Giang, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho tỉnh nhà và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Trường Cao đẳng Tiền Giang với đội ngũ gồm 222 viên chức, 2.700 học sinh, sinh viên (HSSV) đã và đang tiếp tục hưởng ứng phong trào 'Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời' do Thủ tướng Chính phủ phát động và 'Tuần lễ học tập suốt đời' do UBND tỉnh Tiền Giang phát động.

Trường Cao đẳng Tiền Giang - một trong nhiều trường học đã và đang xây dựng mô hình “Công dân học tập” và “Đơn vị học tập” theo phương châm “Học liên tục, suốt đời”.

Trường Cao đẳng Tiền Giang - một trong nhiều trường học đã và đang xây dựng mô hình “Công dân học tập” và “Đơn vị học tập” theo phương châm “Học liên tục, suốt đời”.

Theo lãnh đạo Trường Cao đẳng Tiền Giang, 2 mô hình “Công dân học tập” và “Đơn vị học tập” với phương châm “lấy tự học và học tập suốt đời làm cốt” đã được nhà trường triển khai trong 3 năm qua, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ viên chức và HSSV.

Ở mô hình “Công dân học tập”, mỗi nhà giáo của trường xây dựng cho bản thân kế hoạch thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn và nâng cao tay nghề thông qua tự học - tự nghiên cứu trên nền tảng chuyên môn được đào tạo. Đồng thời, thực hiện có nền nếp hoạt động thực tập, thực hành 4 tuần lễ tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Tham gia học tập sau đại học và các khóa huấn luyện chuyên sâu về kỹ năng thực hành nghề; nghiên cứu sử dụng có hiệu quả các công cụ của công nghệ số vào việc tự học - tự nghiên cứu theo phương châm “Học liên tục, suốt đời”.

Mỗi HSSV của trường tự ý thức về mục tiêu học tập, xây dựng cho bản thân kế hoạch thực hiện phương châm “Học với thầy tại lớp học và xưởng trường”, “Học với các kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, người thợ có tay nghề cao tại công trường, xưởng máy ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ”; “Học với phương tiện công nghệ thông tin từ Thư viện số của các trường dạy nghề”. Việc học không dừng lại trong 2 - 3 năm ở nhà trường mà liên tục suốt đời gắn với hành trình nghề nghiệp.

Ở mô hình “Đơn vị học tập”, nhà trường xác định biện pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo là chìa khóa nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cho nhà giáo trong sự kết hợp giữa chương trình bồi dưỡng chuyên đề của ngành và tự học - tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề của mỗi nhà giáo.

Nhà trường tạo điều kiện về thời gian cho mỗi nhà giáo tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn; tham gia thực tập - thực hành nghề nhằm tiếp thu quy trình công nghệ mới tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc tổ chức xã hội - nghề nghiệp để cập nhật vào bài giảng, vào nội dung hướng dẫn thực hành nghề cho HSSV.

Ngoài ra, nhà trường xây dựng nguồn quỹ “Đồng hành cùng nhà giáo” do doanh nghiệp, mạnh thường quân tài trợ. Tổ chức có nền nếp học tập chính trị - nghiệp vụ đầu mỗi năm học để nhà giáo cập nhật những yêu cầu mới theo chủ trương đổi mới giáo dục và đổi mới công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội.

Phát triển nguồn học liệu nội sinh trong Thư viện số, liên kết với Thư viện số một số trường đại học, cao đẳng phát triển nguồn học liệu mở để đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin, nhu cầu tự học - tự bồi dưỡng của nhà giáo và nhu cầu học tập nghiên cứu thường xuyên, liên tục của HSSV.

Các đơn vị trực thuộc trường tổ chức cho viên chức và nhà giáo thực hiện việc tự học - tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp theo phương châm “Học liên tục, suốt đời”. Theo dõi, ghi nhận, đánh giá việc học tập thường xuyên của viên chức và nhà giáo theo nội dung đã đăng ký cùng với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ viên chức, bình xét thi đua hằng năm.

Theo Trường Cao đẳng Tiền Giang, quá trình thực hiện 2 mô hình “Công dân học tập” và “Đơn vị học tập” là không dễ dàng, đòi hỏi phải tác động từng bước, từ thay đổi nhận thức đến hành động thực tiễn phù hợp với đặc trưng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, 2 mô hình học tập này đã tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp Trường Cao đẳng Tiền Giang xây dựng được đội ngũ nhà giáo vững vàng về chuyên môn và nghiệp vụ dạy nghề; đào tạo được đội ngũ kỹ sư thực hành và kỹ thuật viên trung cấp có chuyên môn - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh Tiền Giang.

Với việc xây dựng 2 mô hình “Công dân học tập” và “Đơn vị học tập” của Trường Cao đẳng Tiền Giang có thể tham khảo áp dụng trong các trường học trên địa bàn tỉnh nhằm tích cực hưởng ứng phong trào “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời” do Thủ tướng Chính phủ phát động và “Tuần lễ học tập suốt đời” do UBND tỉnh Tiền Giang phát động.

NGUYỄN QUANG KHẢI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202310/truong-cao-dang-tien-giang-xay-dung-mo-hinh-cong-dan-hoc-tap-va-don-vi-hoc-tap-992789/