Trưởng công an phường bảo lãnh vay vốn giúp người mới ra tù

Không chỉ nhận bảo lãnh vay vốn, Trung tá Trương Quang Hà còn giúp một thanh niên cai nghiện thành công, xin được việc làm.

Tại phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý (Hà Nam), mô hình công an chung tay góp sức, giúp đỡ những người có quá khứ lầm lỗi đã giúp nhiều người hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng thành công, có công việc ổn định, thu nhập cao.

Phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động cùng cảnh ngộ

Trong xưởng mộc rộng với hơn 400m2 của anh Đinh Văn Long (SN 1985, trú tại tổ 5, phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) tiếng máy đục, đẽo, chà gỗ vang lên liên tục. Anh Long chia sẻ, để có được cơ ngơi này, một phần nhờ Trung tá Trương Quang Hà - Trưởng phường và các CBCS Công an phường Thanh Tuyền luôn bên cạnh, động viên và nhận bảo lãnh, giúp anh vay 50 triệu đồng, không lãi trong thời hạn 5 năm để có vốn làm ăn.

Anh Đinh Văn Long (áo xanh) đang cùng công nhân hoàn thiện sản phẩm.

Anh Đinh Văn Long (áo xanh) đang cùng công nhân hoàn thiện sản phẩm.

Chia sẻ câu chuyện của mình, anh Long cho biết, năm 2008 anh bị TAND tỉnh Đắk-Lắk tuyên mức án 14 năm 6 tháng về “Tội cố gây thương tích”, anh chấp hành án tại trại giam A2, thuộc xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Sau hơn 10 năm chấp hành án, do cải tạo tốt, năm 2018 anh trở về địa phương. “Lúc đó tôi nghĩ, tuổi trẻ ngông cuồng gây tội lớn, giờ về quê không biết phải làm thế nào. Nhưng may mắn tôi được sự động viên của bố mẹ, bà con hàng xóm nên cũng dần ổn định tâm lý bắt tay vào làm lại cuộc đời”- anh Long cho hay.

Bắt tay vào sản xuất và kinh doanh đồ gỗ nội thất, do trước đó đã làm và học nghề trong trại giam, nhưng anh Long chưa lường hết được khó khăn: “Bản thân mặc cảm, tự ti, máy móc không có. Lúc đó, anh Hà vào thăm và nói với tôi, công an phường sẽ đứng ra bảo lãnh cho tôi vay tiền. Và anh Hà có dặn tôi rằng "đây là danh dự của toàn ngành công an chứ không phải chỉ của công an phường”- anh Long kể.

Nhờ sự động viên góp sức đó, anh Long cho biết, từ xưởng mộc 200m2 ban đầu, giờ xưởng rộng hơn 400m2, với đầy đủ máy móc cần thiết. Hiện, xưởng mộc đang tạo công ăn việc làm cho 4 công nhân - là những người đã có quá khứ lầm lỗi vào làm việc, với thu nhập ổn định từ 9 - 10 triệu đồng/ tháng.

“Ai cũng hỏi tôi, sao xưởng nhận những người này, tôi suy nghĩ, ai cũng có sai lầm, tôi cũng vậy, nhưng con người phải biết nhận sai để sửa, vươn lên. Nếu không ai giúp họ, tin họ, cũng giống như anh Hà, không tin và giúp tôi, giờ tôi cũng không có cơ ngơi thế này”- anh Long chia sẻ thêm.

Câu chuyện của anh Đinh Văn Long là minh chứng cụ thể về hiệu quả của mô hình “Chung tay góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương” được Công an Phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý tham mưu xây dựng và đã trở thành cá nhân tiêu biểu về nghị lực vươn lên sau những lầm lỡ.

Giúp người nghiện nhận ra giá trị lao động

Cũng giống như anh Long, trong câu chuyện với chúng tôi, Phạm Quốc Vinh kể lại quãng đời buồn, đầy tăm tối của mình những năm về trước và bày tỏ sự biết ơn của mình đối với các CBCS Công an phường Thanh Tuyền và Trung tá Trương Quang Hà, những người đã giúp Vinh đoạn tuyệt với ma túy, giành lại cuộc sống của chính mình, trở về với cuộc đời lương thiện.

Anh Phạm Quốc Vinh hiện đang lái máy xúc thuê với thu nhập 12 triệu đồng/ tháng

Anh Phạm Quốc Vinh hiện đang lái máy xúc thuê với thu nhập 12 triệu đồng/ tháng

Vinh kể, vào đầu năm 2018, anh bắt đầu sử dụng ma túy do bạn bè rủ rê, lôi kéo, 1 phần cũng do bản thân ham chơi, đua đòi tuổi thanh niên.

“Lần đó, tôi chưa biết tác hại của ma túy là gì và cũng từ đó và những lần tiếp theo, tôi bị lệ thuộc vào nó. Cuộc sống của tôi bị đảo lộn, bạn xấu thì nhiều, bạn tốt xa lánh, gia đình bị suy kiệt về kinh tế và tinh thần. Biết vậy, nhưng không thể nào dứt ra được, bởi ma túy luôn làm cho cái đầu u mê, suốt ngày phải tìm cách để có ma túy, mọi ước mơ hoài bão tuổi trẻ bị tan biến. Những lúc này, tôi sống không còn đúng ý nghĩa là người, vật vờ nay đây, mai đó, sức khỏe ngày càng tiều tụy”- Vinh kể.

Theo lời kể của Vinh, thời điểm đó tưởng rằng, cuộc sống sẽ chẳng còn ý nghĩa gì, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, khi có sự quan tâm, gần gũi khuyên can, động viên chia sẻ của chính những người mà Vinh thường trốn tránh, e ngại chạm mặt đó là Trung tá Trương Quang Hà và các CBCS Công an phường Thanh Tuyền.

“Chính trưởng công an phường đã khơi dậy tính thiện và hồi sinh nghị lực, tiếp sức cho tôi tự cai nghiện ma túy. Hằng ngày, Trung tá Hà và các CBCS công an phường đến trò chuyện, động viên, chia sẻ chân thành như những người bạn, người thân làm cho Vinh lại càng thêm quyết tâm từ bỏ ma túy”- Vinh kể.

Để cắt cơn cai nghiện ma túy không hề khó, nhưng theo Vinh, việc đấu tranh tư tưởng, ý chí nỗ lực làm sao đừng nghĩ đến nó, đừng quay trở lại là 1 điều hết sức khó khăn. Nhưng cứ nghĩ đến việc phụ đi lòng tin của những người đã quan tâm, hy sinh bao nhiêu thời gian, công sức với mình, hy vọng vào lòng quyết tâm trong Vinh lại mãnh liệt hơn. Nhờ vậy, từ năm 2020 đến nay, Vinh đã thành công cai nghiện.

Để chứng minh sự tự nguyện thực hiện cam kết của mình, hàng tuần, Vinh đều chủ động đến trụ sở công an phường xét nghiệm ma túy, kết quả đều âm tính. Từ nỗ lực đó, Trung tá Hà và công an phường còn bảo lãnh cho Vinh vào lái máy xúc cho công ty xây dựng, thuộc phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý với mức lương 12 triệu đồng/ tháng.

Gần đây, Trung tá Hà đang bảo lãnh cho Vinh, thầu lại khu đất trống trước kia là bãi rác khu công nghiệp để kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Trung tá Trương Quang Hà - Trưởng Công an phường và các CBCS Công an phường Thanh Tuyền họp bàn các giải pháp giúp người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng

Trung tá Trương Quang Hà - Trưởng Công an phường và các CBCS Công an phường Thanh Tuyền họp bàn các giải pháp giúp người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng

Hơn 20 người đã được công an phường bảo lãnh xin việc

Không chỉ giúp đỡ Đinh Văn Long, Phạm Quốc Vinh xóa bỏ mặc cảm làm lại cuộc đời, Trung tá Trương Quang Hà và Công an phường Thanh Tuyền còn giúp đỡ gần 20 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, có công ăn việc làm ổn định, giúp họ có thêm niềm tin và quyết tâm quay về với nẻo thiện.

Hiện, phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam có 21 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Để giúp những người này xóa bỏ tự ti, mặc cảm phấn đấu vươn lên, lực lượng công an thường xuyên đến tận nhà động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giúp người lầm lỗi vượt qua mặc cảm. Cùng với đó, là hướng nghiệp, phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm.

Trung tá Trương Quang Hà chia sẻ" "Lúc đầu đi xin việc cho các đối tượng này, cũng có doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn nói đùa "Tôi có ba con học hành tử tế, giờ còn chưa có việc làm". Đối với trường hợp các anh bảo lãnh, chúng tôi còn xem xét. Cố gắng đi lại nhiều lần để thuyết phục cũng có vài ba doanh nghiệp nhận lời. Đến nay, có doanh nghiệp cảm ơn công an phường đã giới thiệu cho một lao động rất tích cực, làm việc rất tốt, nguy cơ tái phạm không còn”- Trung tá Hà kể.

Từ kinh nghiệm của mình, Trung tá Hà khẳng định, giáo dục, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cũng là một biện pháp phòng ngừa tội phạm rất tốt. Nếu chúng ta không làm tốt, nguy cơ tái phạm rất cao, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

“Trong 21 trường hợp này, chủ yếu là cướp giật tài sản, trộm cắp, cố ý gây thương tích. Các trường hợp này sau khi về địa phương chỉ còn 3 trường hợp đang trong quá trình quản lý, theo dõi, giám sát. Khi nào ổn định, chúng tôi bắt tay vào xin việc cho họ”- Trung tá Hà cho biết thêm.

Nguyễn Hiền/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/truong-cong-an-phuong-bao-lanh-vay-von-giup-nguoi-moi-ra-tu-post1029496.vov