Trưởng công an quận kể chuyện phá vụ án sát hại nam sinh chạy Grab
Thượng tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm chia sẻ với PV Báo Giao thông quá trình phá vụ án sát hại nam sinh chạy Grab.
Tới thời điểm này, đã 1 tuần kể từ khi anh Nguyễn Cao Sang (SN 2001, quê Thanh Hóa, sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Nghề Hà Nội) bị sát hại, vụ án đã dần sáng tỏ khi hai nghi phạm đã chịu thừa nhận kế hoạch giết nam sinh chạy Grab để cướp tài sản.
Trao đổi với PV Báo Giao thông Thượng tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết thêm một số tình tiết về vụ án.
Vì sao anh Sang nhận cuốc xe không thông qua ứng dụng đặt xe?
Theo Thượng tá Hùng, sau buổi thực nghiệm hiện trường ngày 1/10, 2 nghi phạm là Đinh Văn Giáp (24 tuổi) và Đinh Văn Trường (19 tuổi, cùng quê ở huyện Văn Chấn, Yên Bái) đã thay đổi lời khai so với lúc bị bắt. Chúng thừa nhận do hết tiền về quê, nên đã cùng bàn bạc lên kế hoạch sát hại, cướp tài sản của một tài xế xe ôm.
Theo kế hoạch, Trường sẽ chọn "con mồi" từ bến xe Mỹ Đình và dẫn tài xế đến khu đất vắng ở phường Thụy Phương, cách bến xe khoảng 8 km để Giáp tấn công. Sau khi thống nhất kế hoạch, tối 26/9, Giáp và Trường đi bộ từ quán internet ra bến xe Mỹ Đình để "rình" chọn "con mồi". Thấy Sang chạy xe Exciter đang tìm đón khách, hai tên đề nghị chở đến phường Thụy Phương với giá 60.000 đồng, nhưng Sang lúc đó nhận được một đơn giao hàng qua ứng dụng đặt xe Grab, nên từ chối.
Hoàn tất cuốc xe giao hàng, Sang quay trở lại bến xe Mỹ Đình thì thấy Trường và Giáp vẫn ngồi đó, nên sau phút nghỉ ngơi, lấy máy ảnh chụp hai "vị khách" gửi cho bạn, Sang quyết định chở Trường và Giáp về Cổ Nhuế.
Theo kế hoạch, Trường chỉ đường cho Sang đi lòng vòng, rồi chiếc xe Exciter chết máy đúng bãi đất trống. Khi Sang lúi húi sửa xe, Giáp lấy dao bấm trong túi đâm vào gáy nạn nhân khiến tài xế bỏ chạy và làm rơi chiếc iPhone 7 Plus. Giáp tiếp tục cầm dao truy sát, đâm nhiều nhát vào người Sang. Sang bị thương vẫn cố bỏ chạy vào phía bãi đất trống.
Giáp không đuổi theo Sang mà quay lại nhặt chiếc iPhone đưa cho Trường nhưng do điện thoại bị khóa, không mở được nên Trường vứt điện thoại vào bãi đất trống, rồi lên xe của Sang và bỏ chạy về Yên Bái.
Hai bức ảnh dẫn đường tới hiện trường và vạch mặt hung thủ
Chiều 28/9, Công an phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm) nhận được tin báo anh Nguyễn Cao Sang (SN 2001, trú tại Thanh Hóa) bị mất tích từ ngày 26/9. Khi mất tích, anh Sang có gửi cho người yêu, người bạn ở cùng phòng 2 hình ảnh, một là hình ảnh hai người thanh niên ngồi bên vệ đường kèm tin nhắn “sẽ chở hai người này về Cổ Nhuế” và dặn “có gì thì báo công an”. Hình ảnh thứ hai, là một bãi cát, có một nắp cống.
Dựa vào hai bức ảnh cùng tin nhắn này, lực lượng chức năng cùng gia đình tỏa đi tìm kiếm nhiều nơi ở địa phận phường Cổ Nhuế. Khi đến địa bàn giáp ranh giữa phường Cổ Nhuế và phường Thụy Phương, gia đình phát hiện được mảnh đất trống có bãi cát, nắp cống trùng hợp với hình ảnh anh Sang đã gửi, nên tập trung tìm kiếm và thấy được 1 chiếc dép của anh Sang. Sau đó, đến 18h ngày 28/9, đã tìm thấy thi thể của anh Sang với nhiều vết đâm, cách chiếc dép khoảng 20 mét.
Do khu vực anh Sang bị sát hại là đoạn đường vắng, đi lại khó khăn, xung quanh không có camera, không có người làm chứng, nên Ban chuyên án đã rà soát rất nhiều đối tượng nghi vấn từ khu vực bến xe Mỹ Đình đến bãi đất trống phường Thụy Phương giáp ranh Cổ Nhuế, nhưng vẫn chưa khoanh vùng, xác định được đối tượng.
Ban chuyên án quyết định công khai hình ảnh hai vị khách đi cuốc xe ôm cuối cùng mà anh Sang chụp, để kêu gọi người dân cung cấp thông tin. Ngay sau đó, người dân đã cung cấp cho lực lượng công an rất nhiều thông tin, nhất là qua trang facebook Công an Hà Nội. Các thông tin đều được Ban Chuyên án tiếp nhận, sàng lọc. Và nhiều lần, Ban chuyên án cử cán bộ, chiến sỹ tới các tỉnh như: Hải Phòng, Hòa Bình… vì người dân cung cấp thông tin, hình ảnh về các đối tượng giống như trong ảnh chụp, nhưng khi đến nơi, thì lại phát hiện không đúng.
Khi Ban chuyên án xác định được hai nghi phạm là Đinh Văn Giáp và Đinh Văn Trường để lên kế hoạch vây bắt, thì cộng đồng mạng đã đưa hết danh tính, đã tiếp cận facebook của hai đối tượng này. Do vậy, ngay sáng 30/9, hai đối tượng đã cắt facebook, tìm cách tiếp tục chạy trốn.
Quá trình điều tra, xác định bố của Giáp và mẹ của Trường đều đang lao động phổ thông ở Trung Quốc. Đối tượng Giáp có thời gian dài làm nghề nhôm kính ở tỉnh Lào Cai sát biên giới nên rất thông thạo địa bàn vùng biên để sang bên Trung Quốc. Nếu hai đối tượng trốn sang Trung Quốc, việc truy bắt sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vậy, Ban Chuyên án phải rà soát, đeo bám rất nhanh. 18h ngày 30/9, khi cả hai đối tượng đang chở nhau trên chiếc xe tang vật ở huyện Văn Chấn, thì đã bị lực lượng công an ập đến, bắt giữ.
Đấu trí với hai kẻ lỳ lợm, khai báo gian dối
Đêm 30/9, hai đối tượng được di lý về Hà Nội. Suốt quá trình di lý và lấy lời khai ban đầu, cả hai đối tượng rất bình thản, quanh co tìm cách chối tội. Các đối tượng khai rằng, chỉ xin anh Sang cho nợ tiền xe ôm nhưng anh Sang không đồng ý, dẫn tới hai bên xô xát và Giáp đâm anh Sang vì bột phát tức giận. Tuy nhiên, khi thực nghiệm hiện trường, lời khai của Giáp và Trường trở nên mâu thuẫn. Ban chuyên án kiên trì đấu tranh, cuối cùng, các đối tượng đã phải thành khẩn khai nhận việc lên kế hoạch giết người, cướp tài sản từ trước.
"Trong vụ án này, thể hiện là sức mạnh phong trào của người dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Cộng động mạng, cũng như cơ quan báo chí vào cuộc một cách tích cực đó cũng là động lực giúp cơ quan công an tích cực điều tra, phát hiện đối tượng nhanh bắt truy xét", Thượng tá Hùng nhìn nhận.
Theo Thượng tá Hùng, vụ án này để chúng ta rất nhiều kinh nghiệm. Thứ nhất, khi xảy ra vụ án cái cần rút kinh nghiệm đó là ý thức chủ quan của người lái xe ôm, vì các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra các biện pháp phòng ngừa nhưng hơn ai hết, người lái xe ôm cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác hơn nữa.
Vì nhu cầu đi lại của người dân rất cao, do vậy đối tượng thường tập trung vào người xe ôm để cướp tài sản. Theo đó, người lái xe ôm phải có cảm nhận của mình thấy người đi xe ôm có biểu hiện của nghiện ngập, biểu hiện không an tâm thì báo ngay cho lực lượng công an để có biện pháp phòng ngừa. Hơn nữa, khi đối tượng đưa ra đường đi lòng vòng, khu hoang vắng thì mình phải tự ý thức để bảo vệ mình. "Có những cái không được tiếc tiền, phải bỏ của chạy lấy người để trình báo cơ quan công an giải quyết", Thượng tá Hùng khuyến cáo.
Ông Hùng cũng cho biết, hiện nay trên các tuyến phố, địa bàn cửa ngõ của TP Hà Nội cũng như quận Bắc Từ Liêm đều dán biển cảnh báo, dán thông tin liên lạc của lực lượng công an. Theo đó, người dân gặp vấn đề gì có thể gọi điện thoại báo cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc lực lượng cảnh sát 113 để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng vi phạm, xử lý theo qui định.