Trưởng Công an xã kể chuyện trèo đèo, lội suối, vận động bà con làm căn cước công dân

Cuối hè, khi ở TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cái nóng vẫn oi nồng thì ở Ky Công Hồ, bản vùng cao của xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tiết trời đã bắt đầu se lạnh. Mới chập choạng tối mà sương mù đã giăng kín các cung đường. Vào ban ngày, những con đường đất ngoằn ngoèo, chiều ngang chỉ vừa một chiếc bánh xe máy là thử thách không nhỏ đối với những người yếu bóng vía thì vào ban đêm khó khăn gấp bội phần, muốn vào bản, đến các hộ dân chỉ có cách duy nhất là cuốc bộ…

1.Trong màn đêm tĩnh lặng, Trung tá Nguyễn Thanh Sắc, Trưởng Công an xã Tòng Sành và các cán bộ Công an xã nối bước nhau mà đi. Bởi trong kế hoạch 50 ngày đêm cấp căn cước công dân (CCCD), Tòng Sành là xã về đích đầu tiên của tỉnh Lào Cai. Sau khi kế hoạch cấp CCCD hoàn tất, anh và đồng đội lại bắt tay vào việc đẩy nhanh tiến độ thu nhận và kích hoạt cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Căn nhà của vợ chồng Chảo Lở Mẩy nằm chon von trên đỉnh đèo, mờ ảo dưới ánh trăng đêm. Lúc tổ công tác có mặt, vợ chồng họ vừa đi làm đổi công cho bà con trong thôn trở về, bữa cơm tối muộn màng chẳng có gì ngoài bát cơm trắng với một chút rau rừng. "Chúng tôi không đi đâu ra khỏi bản, có làm tài khoản định danh điện tử cũng chẳng để làm gì", vừa dọn dẹp nhà cửa, chị Chảo Lở Mẩy vừa nói với cán bộ Công an xã. Trước đó, qua trưởng bản rồi bà con trao đổi, vợ chồng chị đã nghe thông tin về việc cấp tài khoản định danh điện tử nhưng họ chỉ nghĩ rằng cả đời chẳng ra khỏi bản nên cảm thấy không cần thiết…

Với cách nói chuyện nhẹ nhàng, dễ hiểu, Trung tá Nguyễn Thanh Sắc và cán bộ Công an xã đã giải thích cho vợ chồng Chảo Lở Mẩy hiểu ra lợi ích của việc sở hữu tài khoản định danh điện tử. Khi việc vận động thành công, họ rời nhà vợ chồng Chảo Lở Mẩy về đến trụ sở đơn vị, lúc này chuông đồng hồ đã điểm 24h.

Công an xã Tòng Sành trực tiếp xuống thôn, bản để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Công an xã Tòng Sành trực tiếp xuống thôn, bản để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

"Tuyên truyền cho bà con thì nội dung phải thật đơn giản, làm sao để bà con hiểu được lợi ích của việc có tài khoản định danh điện tử. Chúng tôi tuyên truyền cho bà con những lợi ích thiết thực như sau này đi khám, chữa bệnh thì không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ liên quan…" - Trung tá Nguyễn Thanh Sắc nói với chúng tôi. Anh cho biết, so với cấp CCCD thì việc vận động người dân đến trụ sở UBND xã để thu nhận, kích hoạt, thực hiện việc cấp tài khoản định danh điện tử khó khăn hơn nhiều. Ở nơi mà ngửa mặt lên là núi, sóng điện thoại đôi lúc chẳng có, người dân nhiều người không biết chữ, không biết tiếng phổ thông, việc sử dụng điện thoại gặp rất nhiều khó khăn thì đây là việc không dễ dàng...

Bên cạnh đó, cũng bởi hoàn cảnh kinh tế, nhiều người dân chỉ có điện thoại "cục gạch" đen trắng. "Sóng điện thoại cũng không có nên Công an xã Tòng Sành phải đến từng nhà, ra nương rẫy để vận động người dân đến trụ sở UBND xã để Công an xã thu nhận và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân. Đường đi lại khó khăn nên có khi cả ngày mới vận động được nhà của một người dân - Trung tá Nguyễn Thanh Sắc cho biết.

2.Hơn 3 năm Trung tá Nguyễn Thanh Sắc được điều động làm Trưởng Công an xã Tòng Sành - xã vùng cao có gần 100% là người đồng bào dân tộc Dao sinh sống - cũng là thời điểm Bộ Công an đẩy mạnh thực hiện Đề án 06. Trong đó có việc triển khai 2 Dự án "Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" và "Sản xuất, cấp và quản lý CCCD" và cấp tài khoản định danh điện tử...

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, anh đã cùng với đồng nghiệp tranh thủ buổi tối, làm thêm ngoài giờ để thu nhận dữ liệu dân cư. Đồng thời, phối hợp với Tổ cấp căn cước công dân gắn chip lưu động của Công an huyện Bát Xát đến tận các hộ già cả, neo đơn, khuyết tật để làm căn cước công dân.

Với sự nỗ lực của anh và đồng đội, 100% người dân trong độ tuổi cấp CCCD trên địa bàn xã đã được làm căn cước công dân gắn chip điện tử, đưa Tòng Sành là xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành công tác cấp thẻ CCCD cho người dân trong độ tuổi trên địa bàn… Đến nay, sau nhiều nỗ lực, Công an xã Tòng Sành đã hoàn thành 60% việc kích hoạt định danh điện tử cấp độ 2 cho người dân.

Chia sẻ bí quyết thành công, Trung tá Nguyễn Thanh Sắc cho biết: Thời gian đầu thực hiện Đề án 896 (năm 2020), anh cùng cán bộ đơn vị kiểm tra, phúc tra các trường thông tin của 1.847 nhân khẩu... Ở giai đoạn này, Công an xã chỉ có 3 người gồm một trưởng Công an xã và 1 Công an viên và 1 đồng chí Công an xã chuyên trách nên công việc rất nặng nề. Song, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Thanh Sắc cùng các thành viên đã suy nghĩ, để đảm bảo thông tin, đúng, đủ sạch, sống, ngay từ ban đầu phải làm sạch dữ liệu dân cư. Vì thế, anh đã cùng đồng đội lặn lội đến tận nhà dân tại các thôn, bản thu thập thông tin.

Ròng rã 15 ngày, anh em ăn, ngủ tại các thôn bản, người dân ở các thôn xa về UBND xã thì Công an xã góp tiền lương để mua mỳ tôm, đồ ăn phục vụ. Trong vòng 15 ngày, Công an xã Tòng Sành là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện hoàn thành việc kiểm tra, phúc tra. Trong quá trình này, có những câu chuyện cười ra nước mắt; nếu không có sự nhiệt tình, tận tụy của lực lượng Công an và sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương thì sẽ không thể điều chỉnh các trường thông tin trùng khớp với các giấy tờ của công dân phục vụ công tác cấp thẻ CCCD. Có những công dân lần đầu sinh con thì khai sinh cho con theo họ, tên đệm của người chồng nhưng đến lần thứ hai thì bố chồng và mẹ chồng đi làm khai sinh hộ tại xã lại khai họ và tên đệm khác… Để điều chỉnh trường thông tin này, cán bộ đơn vị phải liên lạc, trao đổi thông tin với Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Bát Xát để được hỗ trợ. Sau đó, làm việc với trường học và UBND xã để xác minh các thông tin, thống nhất các trường thông tin trên giấy tờ đảm bảo trùng khớp.

"Cứ mỗi lần đi làm thủ tục, lại khai một trường thông tin khác nhau. Có trường hợp hai anh em ruột trong một gia đình nhưng chỉ sinh cách nhau 4 tháng; trường hợp khác người anh khai bố sinh một năm, cậu em trai lại khai bố sinh một năm khác…"- Trung tá Nguyễn Thanh Sắc tiếp lời.

Cá biệt, lại có những trường hợp, công dân đã gần đủ 18 tuổi nhưng không có bất cứ một loại giấy tờ tùy thân nào. Một số trường hợp, cả hai lấy nhau khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau đó, do những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống, người vợ bỏ con sang Trung Quốc lấy chồng. Người chồng ở lại Việt Nam muốn đi làm khai sinh cho con thì lại không có giấy chứng sinh… Theo quy định, trong những trường hợp như trên thì con phải theo họ của người mẹ nhưng người bố không đồng ý. Với các trường hợp như vậy, Công an xã phải xác minh lý lịch thân nhân của cháu bé, phối hợp với Tư pháp xã cấp giấy khai sinh.

Nhắc về kỷ niệm ấn tượng nhất, Trung tá Nguyễn Thanh Sắc kể lại: Khoảng tháng 4/2023, trong xã còn vài trường hợp chưa đến làm CCCD. Khi đó, Công an xã đã tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương thành lập Ban chỉ đạo Đề án 06 từ cấp xã đến cấp thôn; tuyên truyền, vận động. Những người già, đi lại khó khăn, Công an xã phối hợp với Công an viên trực tiếp đi đến tận bản đón. Nhưng lúc này có một số vấn đề nảy sinh, trong số các trường hợp này, có người tuổi đã cao nhưng chưa một lần ra khỏi bản nên khi ngồi sau xe máy cũng bị say. Vì thế, cứ đi được một đoạn, Công an xã lại thay phiên nhau cõng các cụ xuống nghỉ ngơi, động viên tiếp tục cuộc hành trình…

Gần dân, gắn bó với dân, Trưởng Công an xã Tòng Sành đã cùng Công an xã, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, rà soát, xác định những vấn đề trọng điểm cần tập trung giải quyết. Trực tiếp xuống thôn, bản để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, đẩy lùi tệ nạn xã hội, không sử dụng chất ma túy, không trồng cây có chứa chất ma túy, tích cực tham gia phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc", qua 3 năm, Công an xã Tòng Sành đã thành lập và duy trì hoạt động 6 hòm thư tố giác tội phạm; phát 3.000 tờ rơi tuyên truyền về Luật Cư trú, Luật ATGT đường bộ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đặc biệt, Trung tá Nguyễn Thanh Sắc còn có nhiều sáng kiến góp phần chuyển hóa địa bàn. Khi xuống cơ sở, anh nhận thấy nhiều người dân trên địa bàn chưa có giấy phép lái xe hạng A1. Khi đó, anh đã kết nối với Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới - Công ty Cổ phần vận tải Lào Cai tổ chức 2 khóa học cho 132 người dân đăng ký học và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng A1 dành cho người không biết chữ. Đến này, đã có trên 90% người dân đỗ và được cấp GPLX hạng A1...

Đến thời điểm này, Tòng Sành là địa bàn không có người nghiện ma túy; tình hình ANTT đảm bảo, người dân yên tâm phát triển kinh tế - xã hội. Trong thành công đó có sự đóng góp của Công an xã Tòng Sành và người Trưởng Công an xã gần dân, sát dân, tận tụy với công việc.

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/guong-sang/truong-cong-an-xa-ke-chuyen-treo-deo-loi-suoi-van-dong-ba-con-lam-can-cuoc-cong-dan-i706024/