Trường công ngại nhận trẻ tự kỷ vì không muốn 'tự mua dây buộc mình'?
Theo chương trình phổ cập giáo dục mới, tất cả các trẻ đến tuổi đều được đi học. Tuy nhiên, với những trẻ mắc hội chứng tự kỷ, để xin được đi học lại là điều vô cùng nan giải.
Không phải trường nào cũng “tự mua dây buộc mình”
Trong cuốn sách “Giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý” (Tài liệu dành cho giáo viên tiểu học) đưa ra một số phương pháp giúp cô giáo hiểu hơn về trẻ tự kỷ, biết cách đưa trẻ hòa nhập vào bài giảng tốt hơn. Cùng với đó sách cũng đưa ra các khuyến nghị nên có giáo viên bổ trợ đi kèm.
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng lựa chọn phương án này, khi nó chưa phải là một quy định bắt buộc phải thực hiện. Đây cũng là nguyên nhân khiến ít nhiều phụ huynh có con em bị tự kỷ khi đi xin học luôn bị “từ chối” vì trường không đồng ý để gia đình đưa giáo viên bên ngoài vào trường.
Bà Cao Lan Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hưng cho biết: “Về vấn đề giáo viên đi kèm, nếu như ở trường dân lập được tạo điều kiện hết sức, nhưng ở trường công lại là một vấn đề. Với trường công như An Hưng, chúng tôi không nhất thiết cho giáo viên chuyên biệt không phải của nhà trường vào hỗ trợ, không tự nhiên mua thêm nguy hiểm cho nhà trường. Đúng theo điều lệ trường tiểu học sẽ có phòng học hòa nhập và giáo viên chuyên biệt, nhưng hầu như các trường công hiện nay chưa có.
Tuy nhiên bản thân tôi nghĩ rằng, muốn các con được phát triển thì bắt buộc phải có giáo viên hỗ trợ từ bên ngoài vào. Đối với trường công, số lượng học sinh đông, một giáo viên sẽ chẳng thể quan tâm được hết tất cả các bạn. Riêng với giáo viên chuyên biệt, các bạn ấy có phương pháp riêng, có thể dạy đi, dạy lại một bạn được, vì thế khi các cô ấy vào thì chất lượng học sinh tiến bộ rõ rệt”.
Khó từ nhân lực tới cơ sở vật chất
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, điều kiện để trẻ tự kỷ được nhận vào học hòa nhập trong các nhà trường hiện nay đó là: nhà trường đánh giá học sinh đó có đủ khả năng theo học hòa nhập. Yêu cầu đối với nhà trường là có phòng Nguồn dành cho học sinh khuyết tật, đầy đủ trang thiết bị, đồ chơi... và đặc biệt giáo viên và nhân viên phải được tập huấn, phải có kiến thức, phương pháp về dạy trẻ tự kỷ.Thế nhưng đã có bao nhiêu trường trên địa bàn Hà Nội đạt được điều kiện cần và đủ này?
Đã từng đưa học sinh tự kỷ “gõ cửa” một số trường công lập trên địa bàn Hà Nội và nhận lại những cái lắc đầu từ chối, bà Phạm Thị Thơm – Th.s Quản lý giáo dục, Chuyên viên Âm ngữ trị liệu chia sẻ: “Học hòa nhập chính là cánh cửa để con có thêm sự trải nghiệm, cơ hội bầu bạn, cơ hội học tập và tìm kiếm công việc sau này. Tuy nhiên ở nước ta môi trường hòa nhập dường như chưa phổ biến.
Chính vì vậy khi các con đã bước qua ngưỡng cửa can thiệp để vào môi trường công lập học tập với các bạn bình thường gặp nhiều gian nan. Tôi đã từng đưa con em của các bậc phụ huynh gửi gắm tìm trường hòa nhập cho các cháu, nhưng đến trường nào cũng đều lắc đầu không nhận. Cũng dễ hiểu thôi, bởi vì một lí do nào đó, các trường chưa có giải pháp để giúp các bạn này có thể theo kịp chương trình học của các bạn bình thường”.
Bà Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông: “Biên chế của trường chưa có giáo viên nào được đào tạo chính thống về trẻ tự kỷ, cũng không có phòng tư vấn tâm lý, đội ngũ chuyên gia y tế. Vì thế các cháu đặc biệt tới trường đều qua sự giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm và cô đoàn đội. Cũng vì lẽ đó, với những cháu ở thể nhẹ, trường luôn tạo điều kiện để con được học hòa nhập. Chỉ duy nhất có những trường hợp các cháu quá tăng động, giáo viên không thể trông chừng 24/24, cực chẳng đã phải từ chối học sinh đó”.
Vừa đảm bảo an toàn cho học sinh và an lòng phụ huynh
Khi tiếp nhận một học sinh tự kỷ vào trường, đồng thời nỗi áp lực của trường, của giáo viên lớp đó và đặc biệt của cha mẹ học sinh các bạn trong lớp cũng tăng theo. “Bởi có những bạn tham gia hòa nhập nhằm mục đích tăng cường các kỹ năng khác, không thể tham gia học tập như các bạn khác được. Chẳng hạn như có bạn 5 tuổi, đủ tuổi vào lớp 1, nhưng tư duy chỉ như học sinh 3 tuổi. Vì thế khi vào lớp, rất khó tiếp cận các kiến thức như những học sinh bình thường khác.
Mặt khác, có một số bạn tự kỷ nặng hơn, gặp một số vấn đề về hành vi, tâm lý gây ảnh hưởng tới môi trường lớp học. Vì vậy khó khăn đối với các nhà trường là rất lớn”, cô Nguyễn Thị Quế, Hiệu phó trường Thực nghiệm Victory chia sẻ.
“Có những cháu khi ở trong gia đình dấu hiệu tự kỷ không nổi trội nhưng khi tham gia học trong một lớp 50 cháu thì lúc đó sự khác biệt mới dần bộc lộ. Mặt khác, khi tiếp nhận một cháu đặc biệt vào lớp, không phải tất cả phụ huynh trong lớp đó đều đồng thuận. Bên cạnh đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường cũng tìm cách trao đổi ý kiến, thuyết phục để phụ huynh được an lòng hơn”, bà Nguyễn Thị Đào, Hiệu phó trường Dịch Vọng B chia sẻ.
Do chính sách của từng trường
Ở một số trường tư thục việc test đầu vào luôn là yêu cầu bắt buộc. Mỗi bài test nhằm đánh giá các chỉ số của con về ngôn ngữ, về các con số, khả năng nhạy bén… Kết quả sau mỗi bài test là “Đạt” hoặc “không Đạt”.
Có một số trường sau khi chấm điểm sẽ cùng ngồi lại với phụ huynh để tìm ra phương pháp, kế hoạch giáo dục cho đứa trẻ đó. Cũng có những trường sau khi gia đình chia sẻ về hoàn cảnh của con thì gửi kết quả về nhà cho phụ huynh mà chẳng một lời giải thích rằng vì sao con “không Đạt”, mạnh hoặc yếu ở đâu như trường hợp chị Vân Anh (Long Biên) trong bài 1 “Chật vật tìm trường cho trẻ tự kỷ học hòa nhập" mà chúng tôi đã đưa.
Chia sẻ về việc này, bà Nguyễn Thị Quế, Hiệu phó trường Thực nghiệm Victory (Hà Đông) cho biết: “Đối với trẻ em đặc biệt, nhìn chung, các con có những thiệt thòi so với các bạn khác. Đó là lý do vì sao nhà trường tạo điều kiện cho các con được học hòa nhập. Đối với các em đặc biệt, công tác đánh giá cũng cần phải có phương pháp riêng, không thể giống cách đánh giá với học sinh bình thường khác. Từ góc độ nhân đạo, nhà trường tạo điều kiện cho con học hòa nhập, ở những em có khả năng tham gia học”.
Bà Phạm Thị Thơm – Th.s Quản lý giáo dục, Chuyên viên Âm ngữ trị liệu cho biết: “Việc test đầu vào chỉ diễn ra ở các trường tư thục. Kết quả “Đạt” hay “không Đạt” chỉ mang tính chất tương đối, quan trọng là chính sách của trường đó như thế nào, hướng sắp xếp của Ban giám hiệu đối với học sinh đó ra sao, quan điểm của nhà trường đối với học sinh tự kỷ đã cởi mở chưa? Khi quan điểm của nhà trường đã thống nhất từ trên xuống thì bộ phận tuyển sinh cũng chỉ thực hiện theo mà thôi”./.