Đầu tư hệ thống dữ liệu để cải thiện sức khỏe sinh sản của phụ nữ dân tộc thiểu số

UNFPA kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới ưu tiên đầu tư vào cải thiện hệ thống dữ liệu dân số, đảm bảo an toàn cho mọi người khi thu thập dữ liệu, đảm bảo các cộng đồng bị thiệt thòi được tham gia - ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, nhấn mạnh

 Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam

Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam

Ông Matt Jackson chia sẻ, cuối tháng 4 vừa rồi, ông có dịp đến thăm xã Mù Sang, huyện Phong Thổ của tỉnh miền núi Lai Châu, là địa bàn sinh sống của 20 dân tộc thiểu số, chiếm tới 80% dân số toàn tỉnh. Trong chuyến thăm này, ông đã được trực tiếp nghe người dân địa phương tâm sự các vấn đề như:

"Tôi không đến cơ sở y tế vì nhà tôi ở rất xa và tôi không có tiền đi lại. Mà đôi khi có tiền nhưng cũng chẳng có xe mà đi"; "Tôi không đến vì phong tục của chúng tôi là không sinh con trước mặt người lạ"; "Tôi phải lên thị trấn để siêu âm. Tốn kém thật đấy nhưng chúng tôi không có cách nào khác. Trạm y tế xã làm gì có máy siêu âm"…

"Chuyến công tác này đã đặt ra cho tôi những câu hỏi như: Làm thế nào để có thể cải thiện sức khỏe và phúc lợi cho các dân tộc thiểu số sống ở những vùng miền khác nhau của đất nước? Chúng ta có thể làm gì để giảm tỷ suất tử vong mẹ từ những nguyên nhân có thể phòng ngừa? Và làm thế nào chúng ta có thể cung cấp thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản và tình dục một cách tốt nhất?" - ông Matt Jackson cho hay.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh (thứ 7 từ phải qua); Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson (thứ 5 từ phải qua), Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương (thứ 6 từ phải qua) tham gia điều tra, thu thập thông tin một hộ dân tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh (thứ 7 từ phải qua); Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson (thứ 5 từ phải qua), Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương (thứ 6 từ phải qua) tham gia điều tra, thu thập thông tin một hộ dân tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Theo ông Matt Jackson, chúng ta không thể giải quyết được những vấn đề trên nếu không có dữ liệu. Dữ liệu phân tách, toàn diện, tin cậy sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách phù hợp, tăng khả năng tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của những người có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau.

Đảm bảo tuyệt đối sự riêng tư, bảo mật thông tin trong quá trình điều tra

Là đối tác hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao năng lực thu thập, phân tích dữ liệu, xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ công tác lập kế hoạch và theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các kế hoạch chính sách dựa trên bằng chứng, UNFPA Việt Nam kỳ vọng, kết quả thu được từ cuộc Điều tra thực trạng các dân tộc thiểu số năm 2024 sẽ giúp chúng ta biết được sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm và mức sống. Đây là những dữ liệu quan trọng giúp theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các chính sách của Chính phủ, đồng thời là cơ sở để ban hành các quyết định chính sách nhằm giảm bớt những thiệt thòi mà các nhóm dân tộc thiểu số đang phải đối mặt.

Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, những người dễ bị tổn thương nhất, thường bị bỏ lại phía sau chính là những người không bao gồm trong các cuộc điều tra, thống kê. Chính vì thế, trong cuộc điều tra lần này, UNFPA mong muốn sẽ đảm bảo tính đại diện dân tộc thiểu số của Việt Nam.

Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số đã chính thức tổ chức sáng 1/7 tại Hòa Bình

Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số đã chính thức tổ chức sáng 1/7 tại Hòa Bình

Chia sẻ cụ thể, Trưởng đại diện UNFPA cho biết, Quỹ quan tâm đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Qua thống kê, UNFPA biết được rằng, những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam có tỷ lệ tử vong khi sinh cao hơn 3 - 4 lần so với người dân tộc Kinh. Vì vậy, Quỹ muốn thu thập dữ liệu về tình trạng phụ nữ dân tộc thiểu số sử dụng các dịch vụ khám thai hoặc tiếp cận các cơ sở y tế có được cải thiện không.

Ông Matt Jackson nhấn mạnh: "Điều mong mỏi của chúng tôi chính là các hộ gia đình tham gia các cuộc điều tra hãy chia sẻ cởi mở, chân thật nhất những thông tin về hộ gia đình với các điều tra viên".

Ông Matt Jacks cho biết, trong cuộc điều tra lần này, các điều tra viên sẽ được sử dụng các công nghệ mới với 2 mục tiêu: Đảm bảo tuyệt đối sự riêng tư, an toàn, bảo mật thông tin và đảm bảo công thức thu thập thông tin toàn diện nhất có thể để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình ban hành các chính sách trong tương lai.

Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số tại Việt Nam đã chính thức tổ chức sáng 1/7 tại Hòa Bình. Đây là cuộc điều tra 53 dân tộc thiểu số lần thứ 3. Cuộc điều tra lần thứ 3 này được triển khai bắt đầu từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 15/8/2024. 2 cuộc điều tra lần trước được tổ chức vào năm 2015 và 2019.

Cuộc điều tra 53 dân tộc thiểu số lần thứ 3 nhằm mục đích thu thập thông tin về dân số, điều kiện nhà ở của hộ dân tộc thiểu số và các điều kiện kinh tế - xã hội nhằm phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030; Đồng thời làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Mai Vàng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truong-dai-dien-unfpa-tai-viet-nam-dau-tu-he-thong-du-lieu-de-cai-thien-suc-khoe-sinh-san-cua-phu-nu-dan-toc-thieu-so-20240705141131625.htm