Trường đại học bắt đầu thay đổi cách dạy vì ChatGPT

Theo New York Times, ChatGPT đang khiến nhiều trường đại học phải tái cấu trúc lại các khóa học cũng như hệ thống đánh giá.

 Nhiều đại học Mỹ miễn cưỡng cấm AI trong khuôn viên trường. Ảnh: NYT.

Nhiều đại học Mỹ miễn cưỡng cấm AI trong khuôn viên trường. Ảnh: NYT.

Trong khi chấm điểm các bài tiểu luận cho khóa học về tôn giáo thế giới của mình vào tháng trước, Antony Aumann, giáo sư Triết học tại ĐH Northern Michigan, phát hiện sinh viên của mình dùng ChatGPT để viết luận. Ông đánh giá đây là bài luận hay nhất lớp với ý tứ mạch lạc, lập luận chặt chẽ và các ví dụ phù hợp.

Hoảng hốt trước phát hiện của mình, ông Aumann quyết định chuyển đổi phương pháp thi viết luận cho các lớp học của mình trong học kỳ này. Theo đó, ông dự định yêu cầu sinh viên lên dàn ý cho bài luận của mình tại lớp học trong khi sử dụng các trình duyệt giám sát và hạn chế. Sinh viên sau đó phải giải thích sự thay đổi giữa bản nháp đầu tiên và bản nháp cuối cùng.

Ngoài việc không yêu cầu sinh viên phải làm tiểu luận cho học kỳ tiếp theo, ông Aumann sẽ yêu cầu học sinh đánh giá phản hồi của ChatGPT về đề bài.

AI khơi dậy sự thay đổi

Trên khắp đất nước, các giáo sư đại học như ông Aumann, trưởng khoa và các nhà quản lý giáo dục đang bắt đầu đại tu các lớp học để thích ứng với ChatGPT. Một số giáo sư thiết kế lại hoàn toàn các khóa học, chuyển đổi qua thi vấn đáp, làm việc nhóm và chấm điểm các bài viết tay thay cho đánh máy.

Không chỉ ở cấp đại học, các giáo viên cấp 2, cấp 3 cũng phải nghi ngờ việc học sinh dùng chatbot để làm bài tập. Một số trường công tại New York và bang Seattle đã phải cấm công cụ này trên các thiết bị cùng mạng wi-fi của trường để chống gian lận.

Các trường đại học cũng phải miễn cưỡng cấm công cụ AI dù nghi ngờ hiệu quả của lệnh cấm cũng như không muốn xâm phạm quyền tự do học thuật.

"Chúng tôi cố gắng thiết lập các chính sách chung nhằm đảm bảo quyền của giảng viên khi điều hành một lớp học thay vì nhắm mục tiêu vào các phương pháp gian lận cụ thể", ông Joe Glover, Hiệu trưởng ĐH Florida, cho biết.

 Hội đồng ĐH Florida thảo luận cách đối phó với sự phát triển của AI. Ảnh: NYT.

Hội đồng ĐH Florida thảo luận cách đối phó với sự phát triển của AI. Ảnh: NYT.

Chạy đua với AI

Tại nhiều trường đại học, ChatGPT đã được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Nhiều trường đại học cũng đang thảo luận về cách đối phó với công cụ này, hầu như là tìm cách thích ứng với nó.

Tại ĐH George Washington, ĐH Rutgers và bang Appalachian, các giáo sư đang loại bỏ dần các bài tập ở nhà, bài luận mở. Thay vào đó, họ cho sinh viên làm bài tập trên lớp, viết tay, làm việc nhóm và kiểm tra miệng.

New York Times cho rằng giáo sư hiện này không còn ra bài tập dạng "viết 5 trang về cái này hay cái kia". Thay vào đó, họ đặt ra những câu hỏi quá thông minh đối với chatbot và yêu cầu học sinh đưa câu chuyện thực tế của bản thân vào.

Ông Frederick Luis Aldama, Trường khoa Nhân văn tại ĐH Texas, cho biết ông dự định dạy những chương trình mà chatbot chưa nắm được nhiều thông tin.

Trong trường hợp những thay đổi không thể ngăn chặn đạo văn, ông Aldama và các giáo sư khác dự định đưa ra tiêu chuẩn chặt chẽ hơn đối với sinh viên cũng như cách họ chấm điểm. Bây giờ, một bài văn chỉ có luận đề, mở đầu, các đoạn hỗ trợ và kết luận là chưa đủ.

Các trường đại học cũng đang hướng tới việc giáo dục sinh viên về các công cụ AI mới. ĐH Buffalo và ĐH Furman đã lên kế hoạch có một cuộc thảo luận về các công cụ AI vào các khóa học bắt buộc dạy cho tân sinh viên. Ngoài ra, các khái niệm như tính liêm chính trong học thuật cũng phải được giáo dục cho sinh viên năm nhất.

Ngoài ra, các trường đại học khác đang cố gắng vạch ra ranh giới rõ ràng đối với AI. ĐH Washington và ĐH Vermont đang soạn thảo các bản sửa đổi để làm rõ định nghĩa đạo văn cũng như các chính sách liêm chính học thuật trong việc sử dụng AI.

Ông John Dyer, Phó chủ tịch Tuyển sinh và Công nghệ giáo dục tại Chủng viện Thần học Dallas, dự định cập nhật định nghĩa đạo văn của trường bao gồm "sử dụng văn bản được viết bởi một hệ thống như AI".

Một phát ngôn viên của OpenAI, đơn vị phát triển ChatGPT, cho biết phòng thí nghiệm đã nhận ra các chương trình của họ có thể được sử dụng để gian lận. Họ vì thế đang phát triển công nghệ giúp mọi người xác định văn bản do ChatGPT tạo ra.

Việc lạm dụng các công cụ AI nhiều khả năng sẽ không chấm dứt. Một số giáo sư và trường đại học lại lên kế hoạch sử dụng công cụ dò đạo văn. Dịch vụ phát hiện đạo văn Turnitin sẽ được kết hợp nhiều tính năng hơn để nhận dạng AI, bao gồm cả ChatGPT, trong năm nay.

Người sáng tạo raGPTZero, Edward Tian, đang học năm cuối ĐH Princeton, cho biết hơn 6.000 giảng viên từ ĐH Harvard, ĐH Yale, ĐH Rhode Island và một số trường khác cũng đã đăng ký sử dụng GPTZero, một chương trình hứa hẹn sẽ nhanh chóng phát hiện văn bản do AI tạo ra.

Lizzie Shackney, 27 tuổi, sinh viên trường Luật và trường Thiết kế của Đại học Pennsylvania, đã bắt đầu sử dụng ChatGPT để tìm các bài báo và gỡ lỗi bài code của mình. Tuy nhiên, cô cho hay ChatGPT đôi khi giải thích sai ý và trích dẫn sai nguồn. Vì thế cô hy vọng trường mình sẽ cấm hay xem việc sinh viên sử dụng ChatGPT như một hành vi gian lận.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truong-dai-hoc-bat-dau-thay-doi-cach-day-vi-chatgpt-post1394883.html