Trường Đại học Công Thương TP.HCM: Ứng dụng công nghệ mới trong cách thức đào tạo và quản lý
Song song với quy định về việc rà soát và đăng ký cho giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ thì Trường Đại học Công Thương TP.HCM còn có những phương hướng khác, một trong số đó đã là phát triển công nghệ mới.
Trường đại học là nơi cung cấp kiến thức mà còn là hệ sinh thái học tập tích hợp công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm học tập và nâng cao chất lượng đào tạo. Việc nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực tiên tiến cũng được áp dụng cho Trường Đại học Công Thương TP.HCM. Song song với việc làm đó, nhà trường còn tập trung vào phát triển hội nhập quốc tế và xây dựng ý thức ứng phó với các thách thức của môi trường sống và làm việc.
- Xin thầy cho biết về việc những thay đổi trong việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và đào tạo như thế nào cho phù hợp với Đại học trong giai đoạn mới này?
NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn: Các trường Đại học lớn đã áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và Internet vạn vật (IoT) trong quản lý hành chính, quy trình tuyển sinh, học tập và nghiên cứu khoa học. Trường Đại học Công Thương TP. HCM đã không còn là trường đại học theo "kiểu cũ", việc áp dụng công nghệ mới sẽ được áp dụng trong toàn bộ những hoạt động của nhà trường. Điều này sẽ giúp tự động hóa các quy trình, giảm tải công việc thủ công, tăng cường hiệu quả quản lý và ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Tôi muốn tỷ lệ người làm việc văn phòng chỉ khoảng dưới 15% trong số cán bộ, giảng viên và người lao động trong nhà trường, tỷ lệ này bây giờ sấp sỉ 20%. Các công việc chân tay chắc chắn là thay đổi hoàn toàn, dùng hoàn toàn AI thay thế. Những công việc trí óc thì nhà trường cũng có dự án đầu tư để thay thế một phần, ví dụ năm tới chúng tôi sẽ áp dụng chatbot AI trong trả lời câu hỏi của thí sinh, phụ huynh và sinh viên, điều này đã giảm thiểu tối đa được sức người và những người làm nhiệm vụ ghi nhận câu hỏi và trả lời cho thí sinh, sinh viên nếu không học tiếp lên thì có thể mất việc, đó là điều dễ thấy nhất.
- Việc tối ưu hóa trải nghiệm học tập cho sinh viên là quan trọng phải không thưa Thầy?
NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn: Từ thủa còn là học sinh thì các em ứng dụng công nghệ để trải nghiệm quá trình học tập của mình rồi. Sinh viên trải nghiệm việc học tập là điều đương nhiên, thông qua các nền tảng trực tuyến, tài liệu học tập điện tử, các phòng thí nghiệm ảo và lớp học thông minh, điều này giúp các em học tập linh hoạt, tiếp cận tri thức mọi lúc mọi nơi. Các sinh viên là nhân vật chính trong sự thay đổi này, các hoạt động sẽ xoáy vào sinh viên.
- Thưa Thầy, việc nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực tiên tiến có được áp dụng cho Trường Đại học Công Thương TP.HCM không ạ?
NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn: Một yếu tố quan trọng trong mô hình "đại học kiểu mới" là khả năng nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới để phục vụ xã hội. Các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, tự động hóa, năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn…đều là những lĩnh vực mà Trường Đại học Công Thương TP. HCM có tiềm lực để phát triển. Nhà trường sẽ phấn đấu để trở thành một trung tâm nghiên cứu công nghệ tiên tiến. Tôi muốn nhà trường đóng vai trò dẫn đầu trong những xu hướng này để góp phần nâng cao vị thế trên bản đồ giáo dục trong nước và khu vực.
- Thưa Thầy, việc tăng cường khả năng hội nhập quốc tế có được nhà trường quan tâm đầu tư không ạ?
NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn: Việc triển khai công nghệ để áp dụng trong giảng dạy và quản lí nhà trường không chỉ giúp Trường Đại học Công Thương TP. HCM cải thiện chất lượng đào tạo mà còn mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế. Với sự phát triển của các hệ thống học tập điện tử, nhà trường sẽ có các chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc… Điều này sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội giao lưu học tập, làm việc tại nước ngoài, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhà trường đã lập Viện đào tạo quốc tế, viện này có cơ chế tự chủ hoàn toàn và được đầu tư phát triển các chương trình liên kết với các nước để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của nước ta và trong khu vực.
- Câu hỏi cuối cùng là việc phát triển bền vững và ứng phó với thách thức môi trường là vấn đề được quan tâm nhiều phải không ạ, thưa Thầy?
NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn: Sự phát triển về công nghệ là cách tiếp cận bền vững trong giáo dục, Trường Đại học Công Thương TP. HCM có thể chú trọng vào các giải pháp bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và quản lý tài nguyên hiệu quả hơn thông qua việc sử dụng các công nghệ xanh và bền vững. Điều này phù hợp với xu hướng toàn cầu và thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội.